Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 2 năm 2022 | 13:26

Sức bật giai đoạn mới

Ngay trong những ngày đón Xuân mới Nhâm Dần - 2022 sum họp đầm ấm trong niềm vui an toàn, với nhiều niềm tin và hy vọng bùng nổ mạnh mẽ trong năm mãnh hổ, tin vui về nông nghiệp – trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế liên tục được cập nhật:

Nông sản Việt khai thác có hiệu quả các FTA  (hiệp định thương mại tự do thế hệ mới). Thị trường Trung Quốc tấp nập ngay những ngày đầu năm với thông tin mỗi ngày có khoảng 100 xe nông sản được thông quan từ mồng Ba Tết (sớm hơn dự kiến) ở mỗi cửa khẩu với Trung Quốc tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai,… Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thống kê sơ bộ tháng 1/2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 301 triệu USD tăng 0,3% với tháng 12/2021, tháng cao điểm xuất khẩu của năm, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Với những tín hiệu tích cực này, mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 3,8 đến 4 tỷ USD trong năm 2022 là trong khả năng.

 

tieu-diem.JPG
Chế biến ngao xuất khẩu sang Châu Âu tại Công ty TNHH Nghêu Thái Bình. Ảnh: Danh Lam.

 

Thêm nữa, ngay những ngày chuẩn bị bước vào năm mới Nhâm Dần - 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 150/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021  2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu: Đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp. Đến năm 2050 Việt Nam nằm trong TOP 10 nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện đại nhất thế giới.

Chiến lược đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GDP nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 5 - 6%/năm. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trên 70% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 35% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu hecta…

Cũng theo Đề án, nền nông nghiệp Việt Nam trong những năm tới đây được  xây dựng trên cơ sở sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới…

Đây chính là cơ sở để các bộ ngành, địa phương, các tổ chức hội nghề nghiệp – xã hội xây dựng bước đi phù hợp với sự thống nhất, đồng bộ giữa các vùng, miền địa phương trong cả nước nhằm phát huy cao nhất lợi thế của từng địa phương, từng vùng và liên vùng. Đây là khởi đầu quan trọng để chúng ta vững tin vào sự phục hồi và phát triểm mạnh mẽ hơn của nền kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn nói riêng, nhất là trong nâng cao thu nhập và đời sống cư dân nông thôn trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đây cũng là cơ sở để từng bước xóa đi những điểm nghẽn được coi là cố hữu của nông nghiệp Việt: Manh mún - Nhỏ lẻ - Tự phát; Sản xuất phong trào - Liên kết lỏng lẻo - Chất lượng không đều; Thị trường không rõ ràng - Nguồn cung chưa đủ lớn - Tính minh bạch chưa cao.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu mong muốn, chúng ta phải cùng nhau Hành động. Chỉ có cùng nhau chúng ta mới vừa đi được xa, vừa đi được nhanh, không ai bị bỏ lại phía sau. Chỉ khi đó, Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn mới thực sự là trụ đỡ của nền Kinh tế và của Xã hội. Thời gian không chờ đợi ai, phải nỗ lực ngay từ bây giờ.

 

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top