Nông dân khu vực cồn Long Châu, phường Long Châu, thị xã Tân Châu (An Giang) hiện đang bước vào vụ thu hoạch ớt. Tuy nhiên, hiện giá ớt đang xuống rất thấp, chưa kể dịch bệnh xảy ra trên diện rộng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng ớt. Hàng chục hộ nông dân đang canh tác ớt tại đây như ngồi trên đống lửa.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân phòng trị bệnh cho ớt.
Khu vực cồn Long Châu có hơn 30ha ớt. Theo chia sẻ của nhiều nông dân, sau Tết, giá ớt dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, tuy nhiên, với giá bán tại ruộng là 10.000 đồng/kg như hiện nay, nông dân chỉ muốn thương lái thu mua để mong thu hồi một phần vốn.
Không những ớt rớt giá mà người nông dân còn gặp thêm tình trạng cây ớt bị dịch bệnh khiến trái bị hư hỏng. Theo thống kê, phần lớn các ruộng ớt bị thiệt hại 30 - 40% diện tích, cá biệt có ruộng thiệt hại đến 70 - 80%.
Vụ vừa qua, gia đình anh Lâm Thái Hòa đầu tư 30 triệu đồng trồng 2 công (1 công = 1.000m2) ớt. Nhưng với giá ớt như hiện nay, gia đình anh phải bù thêm tiền nhà để trả tiền mướn nhân công bẻ ớt (bình quân 100.000 đồng/người/ngày), mỗi lần bẻ phải mướn từ 5-7 người. Theo anh Hòa, nguyên nhân khiến ớt bị bệnh là do mưa trái mùa làm cho vi khuẩn phát sinh dịch bệnh. “Gia đình đã được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun xịt nhưng không hết. Bây giờ thì chắc chỉ có nhổ bỏ luôn. Ớt rớt giá, giờ còn mắc thêm dịch bệnh khiến vụ này chúng tôi lỗ nặng”, anh Hòa cho hay.
Cũng giống như gia đình anh Hòa, gia đình chị Đỗ Thùy Trang có 5 công ớt cũng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, thu hoạch thì bán với giá thấp, không thu hoạch thì bao nhiêu vốn liếng bỏ vào trồng ớt không cánh mà bay. Hiện, chị đang thấp thỏm theo dõi giá ớt hàng ngày. “Nếu bán ớt cho thương lái với giá 17.000 - 18.000 đồng/kg thì chúng tôi lời chút đỉnh, còn với mức giá từ 10.000 - 13.000 đồng/kg như hiện nay thì coi như lỗ. Gia đình tôi ráng chăm sóc hy vọng trong thời gian tới giá ớt sẽ tăng lên”, chị Trang cho biết.
Chính quyền địa phương cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây ớt bị bệnh là do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài và mưa trái mùa làm phát sinh các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất ớt. Đồng thời, do nông dân nhiều nơi cũng ồ ạt trồng ớt dẫn đến cung vượt cầu, khiến rớt giá.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó chủ tịch UBND phường Long Châu, thị xã Tân Châu cho biết: “Nắm được tình hình khó khăn của nhiều hộ trồng ớt, chính quyền địa phương thường xuyên chỉ đạo các ngành chuyên môn xuống địa bàn để nắm tình hình, diễn biến, thống kê thiệt hại của người dân, từ đó, báo cáo chính quyền thị xã để có hướng xử lý. Đồng thời, liên hệ đến các điểm thu gom để tìm đầu ra cho các hộ trồng ớt nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân. UBND phường khuyến cáo người dân nên cải tạo lại đất để diệt mầm bệnh lưu tồn trong đất, có thể chuyển đổi cây trồng theo nhu cầu thực tế của thị trường.”
Hy vọng, với những giải pháp và khuyến cáo của chính quyền địa phương, nông dân trồng ớt trên cồn Long Châu sẽ giảm bớt phần nào khó khăn.
Lương Tuyết
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.