Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 12 năm 2018 | 13:46

Tân Kỳ, chú trọng sản xuất VAC hữu cơ

Vài năm trở lại đây, HLV huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã hướng dẫn hội viên, nông dân sản xuất nông sản sạch, hạn chế tối đa sử dụng phân và thuốc trừ sâu hóa học; tăng cường sản xuất phân hữu cơ vi sinh;...

Vài năm trở lại đây, HLV huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã hướng dẫn hội viên, nông dân sản xuất nông sản sạch, hạn chế tối đa sử dụng phân và thuốc trừ sâu hóa học; tăng cường sản xuất phân hữu cơ vi sinh; sử dụng thức ăn hữu cơ để chăn nuôi gia súc, gia cầm và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, sản xuất VAC ở Tân Kỳ thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

 

tr4.JPG
Ông Tô Anh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Kiều Phương, đi thăm và kiểm tra đàn bò.

 

Làm giàu bằng “mọi cách”

Anh Lê Hồng Long, sinh năm 1989, xóm 2, xã Tân Hưng, cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghệ Thông tin, thấy công việc không thuận lợi, anh quyết định về quê, vì ở đó gia đình có 2,6ha đồi rừng, có thể phát triển kinh tế bền vững.

Buổi đầu, khi sắp xếp lại trang trai, anh nhận thấy, ở thành phố cũng như ở thôn quê, người dân dần quay lưng với gà công nghiệp, vậy là anh mua 1,3 vạn  con gà Ri giống ở Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) về nuôi.

Giai đoạn đầu, khi gà mới được vài ngày tuổi, cho ăn cám công nghiệp, sau đó cho ăn ngô bản địa, thóc, rau xanh trộn cám gạo và cơ bản là thả trên vườn đồi, nên gà đạt chất lượng thịt cao. Sang năm thứ 2, cho gà Ri lai tạo với gà chọi địa phương, để vừa đảm bảo độ ngon của gà Ri, vừa có năng suất của gà chọi. Vì vậy, bình quân gà trống nặng 2,5kg, gà mái 2,0kg, với giá bán tại vườn 70.000 đồng/kg. Đầu ra đã ký hợp đồng với các hợp tác xã trên địa bàn, ngày xuất nhiều nhất lên tới 1-2 tấn gà, còn lại, trung bình 3-5 tạ/ngày; mỗi năm 2-3 lứa, mỗi lứa 1 vạn con, thu lãi 200-300 triệu đồng/năm.

Ngoài gà, khu vườn đồi của Long còn trồng cây lâm nghiệp như: xoan ta, keo, tràm 5-10 năm mới cho thu hoạch.

“Hiện, Tân Kỳ còn có 3-4 trang trại chăn nuôi gà ta sạch của những thanh niên năng động, đã tốt nghiệp các trường đại học chính quy ở Hà Nội”, Long chia sẻ.   

Cùng hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch như Long, anh Đậu Tiến Sỹ, xã Tân An,  cho biết, anh có 3ha đất đồi gò bạc màu, trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp và chăn nuôi bò. Để cải tạo đất, anh tham gia phong trào sản xuất phân hữu cơ vi sinh (HCVS) từ phân chuồng và các phụ phẩm nông nghiệp do Hội Làm vườn huyện phát động.

Theo đó, gia đình anh Sỹ đã duy trì việc sản xuất phân HCVS từ năm 2009 đến nay. Với 6 con bò, cùng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây ngô, lạc, đậu, mỗi năm gia đình anh sản xuất khoảng 30 tấn phân hữu cơ. Cách ủ phân khá đơn giản, cây tươi thì cắt ngắn, cây khô thì cắt ngắn rồi ngâm nước vôi khoảng 20 ngày, sau đó trộn đều với men vi sinh, rỉ mật mía (có rất nhiều ở Tân Kỳ), và tỷ lệ đạm, kali vừa đủ. Thời gian ủ 30-45 ngày thì sử dụng. 

Lượng phân HCVS do anh Sỹ ủ đủ bón cho 1ha cây ăn quả, bao gồm: cam Vinh, bưởi, quýt; 1 mẫu ruộng và 1ha cao su  của gia đình. Ngoài ra, anh còn trồng xen bơ, táo, ổi với cao su nên lượng phân HCVS được rải đều trong vườn. Nếu phải mua phân bón ngoài thị trường tiêu tốn gần 90 triệu đồng, tự sản xuất chỉ  khoảng 20 triệu đồng. Dùng phân HCVS không những năng suất, chất lượng cây trồng tăng, mà còn tiết kiệm chi phí, đặc biệt là góp phần cải tạo đất gò đồi.

Liên kết chuỗi chăn nuôi bò thịt

Ngoài trồng trọt và chăn nuôi gia cầm, vùng bán sơn địa Tân Kỳ còn thích hợp với chăn nuôi bò thịt, bò sữa, đây là một trong những thế mạnh đang được địa phương tích cực khai thác.

Theo bà Lê Thị Lương (xã Nghĩa Hợp),  bà nuôi 33 con bò sữa từ năm 2014 đến nay, được Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thu mua, giá sữa ổn định 14.000 đồng/kg loại 1, thấp nhất 7.000 đồng/kg, nếu chất lượng thấp hơn sẽ phải dừng hợp đồng để khắc phục, tuy nhiên, gia đình bà hiếm khi gặp trường hợp như vậy. Do có diện tích chăn thả rộng và các phụ phẩm làm thức ăn phong phú nên bò sữa đã giúp bà có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài lao động chính là 2 vợ chồng, bà Lương còn phải thuê thêm 1 lao động, trả thù lao quanh năm với mức 4,5 triệu đồng/tháng.

Song, do quy mô nhỏ, cả xã chỉ có 5 hộ nuôi bò sữa như bà Lương, các gia đình phải đưa sữa đến điểm thu mua tại huyện Nghĩa Đàn, cách nhà 23km, chi phí khá tốn kém. Mặt khác, Tân Kỳ đã có điểm liên kết chăn nuôi bò thịt vỗ béo của Công ty TNHH Kiều Phương, nên bà và các hộ nuôi bò sữa đang chuyển sang nuôi bò thịt.

Từ đầu năm 2018 đến nay, bà Lương đầu tư thêm 34 con bò thịt (giống Úc), mua tại Công ty Kiều Phương. Trong đó có 10 con 4 tháng tuổi, giá 12,6 triệu đồng/con; 24 con gần 1 năm tuổi, 17,6 triệu đồng/con, con số này sẽ còn tăng, do bà đang giảm dần đàn bò sữa. Đầu ra của bò thịt sẽ do Kiều Phương đảm nhận, thậm chí, công ty còn ứng trước 60 triệu đồng cho gia đình bà Lương.

Được biết, ngoài hộ bà Lương, còn có hộ ông Nguyễn Văn Ngoạn (Nghĩa Đồng), ông Hường (Tân Phú), ông Khả (Nghĩa Hoàn), ông Thuận (Nghĩa Bình) cũng tham gia mô hình liên kết với Kiều Phương. Do hài hòa lợi ích, trong năm 2019, số hộ liên kết chăn nuôi bò thịt với doanh nghiệp sẽ còn tăng.

Ông Tô Anh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Kiều Phương, cho biết: “Công ty hiện có gần 700 con bò thịt, bò sinh sản giống Úc, gây dựng cách đây 4 năm. Thị trường tiêu thụ là TP. Vinh và các địa phương phía Bắc như Hà Nội, Bắc Giang; khách buôn về tận địa phương mua hàng. Hiện, đã có trên 200 con bò thịt xuất chuồng, trọng lượng 5 - 5,5 tạ/con, với giá bình quân 72.000 đồng/kg, khi cao điểm lên tới 74.000 - 76,000 đồng/kg, trước mắt cung chưa đủ cầu. Thời gian tới, công ty sẽ kết hợp với nhiều gia đình tại địa phương cùng phát triển chăn nuôi bò thịt”.

Ngoài bò thịt, năm 2018, xã Tân Phú còn phát triển 15 mô hình trồng cam hữu cơ, với diện tích 38ha, toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu.

Xây dựng Hội ngày càng vững mạnh         

Theo ông Trần Tử Bá, Chủ tịch Hội Làm vườn Tân Kỳ: “Phong trào ủ phân vi sinh để cải tạo đất và sản xuất sạch ở Tân Kỳ đã được phổ biến gần 1 thập kỷ qua, với sự hỗ trợ của tỉnh Nghệ An. Hiện, đã sản xuất được khoảng 250.000-300.000 tấn, với hàng ngàn hộ dân tham gia, hộ ít nhất vài tấn, nhiều nhất 30-35 tấn/năm. Nhiều địa phương như: Tân Phú, Tiên Kỳ, Kỳ Sơn, Nghĩa Hành đã biết tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh để sản xuất phân HCVS. Ngoài ra, đa số hộ chăn nuôi gia cầm đều làm đệm lót sinh học, xử lý đất, xử lý môi trường, ủ chua thức ăn cho gia súc. Các phong trào trên đã đem lại lợi ích thiết thực, nên thu hút nhiều nông dân tham gia Hội, từ chỗ chỉ có 4.646 hội viên năm 2017, nay tăng lên 5.216 hội viên”.

Đặc biệt, sau Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2012-2017, do sáp nhập Hội Phân bón, Hội Giống cây trồng vào Hội Làm vườn, nên số lượng hội viên tuy không tăng nhiều, nhưng chất lượng cán bộ được chọn lọc, tinh gọn. Nhất là hội viên từ huyện đến xóm, bản được củng cố và nâng cao về chất, đây là điều kiện thuận lợi để Hội hoạt động có hiệu quả hơn.

Mặt khác, tổ chức Hội tiếp tục được củng cố, 95% số Chủ tịch HLV xã là cán bộ chủ chốt của Hội Nông dân; 100% chi hội trưởng xóm do chi hội trưởng nông dân kiêm khuyến nông thôn, bản đảm nhận. Phương thức chỉ đạo linh hoạt hơn, do có sự gắn kết về mục tiêu và nhiệm vụ chính là đưa khoa học công nghệ đến với nông dân, để phát huy hiệu quả sản xuất VAC gia đình, VAC trang trại và VAC sinh thái.

Theo ông Bá, điểm nổi bật nhất về xây dựng tổ chức Hội là, ý thức của hội viên về vai trò, vị trí HLV trong mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương được xác định. Thứ hai là vai trò của kinh tế VAC rõ nét hơn trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí thu nhập bình quân đầu người.

Năm 2018, Hội tiếp tục thực hiện 3 chương trình ứng dụng KHCN của tỉnh, đã vận động sản xuất 2.262 tấn phân HCVS, làm 6.556m2 đệm lót chăn nuôi gà, lợn; xử lý tồn dư thuốc BVTV trong đất trồng rau, quả  2.500.000m2 với tổng số tiền hỗ trợ gần 400 triệu đồng. Từ những kết quả đó đã đưa năng suất cây trồng tăng 15-18%; môi trường đất, nước, chuồng trại được bảo đảm, hạn chế dịch bệnh trên vật nuôi, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên.

Đặc biệt, nhờ sự hướng dẫn của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Tân Kỳ, hội viên đã biết dùng men hoạt tính để ủ chua thức ăn cho trâu, bò, vừa giữ được thức ăn xanh, vừa đảm bảo thức ăn trong kỳ giáp hạt, nắng hạn, mưa lũ kéo dài. Hoặc sử dụng EM để ủ phân chuồng mau hoai mục, xử lý hôi thối, xử lý nấm bệnh thường gặp trên rau màu...

Hoạt động Hội của Tân Kỳ phát triển mạnh do vừa xây dựng tổ chức, vừa sản xuất VAC, song hai mặt hoạt động này diễn ra chưa đồng đều, chưa cân đối. Mới có trên 50% số xã đảm bảo được 2 vấn đề trên, đó là Tân Hợp, Tiên Kỳ, Giai Xuân, Tân Phú, Nghĩa Hoàn, Tân long, Tân An, Nghĩa Hợp, Nghĩa Hành, Nghĩa Đồng, Tân Hương và Kỳ Sơn. Số còn lại hoạt động chưa mạnh, vai trò, vị trí  Hội chưa thực sự rõ nét.

Vì vậy, thời gian tới, HLV huyện Tân Kỳ sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, để đạt mục tiêu VAC hữu cơ, VAC sạch, VAC công nghệ cao. Tiếp tục thực hiện các chương trình KHCN được tỉnh Nghệ An hỗ trợ, ít nhất là 80% số xã thực hiện, để sau năm 2020, khi ngân sách hỗ trợ không còn, hội viên vẫn tiếp tục thực hiện tốt.

Mặt khác, Hội sẽ mở rộng liên kết với doanh nghiệp để sản xuất tập trung các mặt hàng đang có thị trường tiêu thụ: Ớt cay, ngô ngọt, đậu tương, bí đỏ, sả và cỏ linh lăng (còn gọi là cỏ ba lá thập tự, họ Đậu). Tiếp tục vận động liên kết chăn nuôi bò thịt, vận động thành lập HTX chăn nuôi trên 50% số xã.

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top