Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 3 năm 2016 | 2:12

Tăng cường các giống lúa chịu hạn, mặn

Cũng như các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau đang phải đối mặt với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng. Để ứng phó với tình trạng này, việc tăng cường khảo nghiệm các giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu là đòi hỏi bức thiết.

Hạn, mặn đe dọa

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau Nguyễn Văn Tranh cùng đoàn công tác kiểm tra sự phát triển của giống lúa mới.

Theo thống kê mới nhất, nắng nóng dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 950.587/1.538.657ha lúa của vùng ĐBSCL, chiếm 61,78% diện tích lúa đông xuân trong khu vực. Trong đó, 8 tỉnh bị thiệt hại nặng nhất gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Nhiều địa phương, diện tích lúa bị xâm nhập mặn chiếm tới 20 - 30% diện tích toàn tỉnh. Riêng ở các tỉnh ven biển, diện tích bị hạn hán và xâm nhập mặn lên tới 340.000ha. Trong số đó, có 104.371ha lúa đông xuân bị xâm nhập mặn ở mức độ nặng. Ở mức  độ này, cây lúa khó có khả năng sinh trưởng, phát triển.

Tại Cà Mau, khu vực sản xuất lúa - tôm ở huyện U Minh, Thới Bình có vài trăm hecta đang bị ảnh hưởng do thiếu nước và xâm nhập mặn sớm. Theo ghi nhận của phóng viên, vùng nước ngọt huyện Trần Văn Thời, nhiều tuyến kênh nước rút gần cạn đáy, gây thiếu nước cho sản xuất, các phương tiện thủy lưu thông gặp nhiều khó khăn.

Từ ngày 15-11-2015 đến nay, hạn hán đã làm thiệt hại hơn 49.343 ha lúa trên địa bàn các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, TP. Cà Mau và các huyện có diện tích trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm ở vùng Nam Cà Mau. Trong đó, diện tích bị thiệt hại nhiều nhất là trà lúa - tôm, với hơn 35.221ha (chiếm 71,38% diện tích thiệt hại). Cụ thể, mức độ thiệt hại trên trà lúa - tôm từ 70-100% là hơn 27.261 ha; từ 30-70% là hơn 6.368 ha; thiệt hại dưới 30% là hơn 1.592 ha. Còn trà lúa đông xuân, tổng thiệt hại là hơn 12.460 ha (chiếm 25,2% diện tích thiệt hại). Trong đó, thiệt hại dưới 30% là hơn 176 ha; thiệt hại từ 30-70% là gần 9.963 ha; thiệt hại từ 70-100% là hơn 2.321ha. Ngoài ra, hạn nặng cũng gây hại hơn 1.661ha các trà lúa mùa tại Cà Mau, mức độ thiệt hại từ 30-100%.

Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, hạn hán xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện đang ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng. Xâm nhập mặn xuất hiện từ tháng 11/2015, sớm hơn so với chu kỳ trước đây khoảng 1,5 tháng. Hiện tượng xâm nhập mặn trước đây thông thường chỉ vào sâu khoảng 30 - 40km, còn hiện tại đã ghi nhận phổ biến là 50 - 60km, cá biệt có nơi còn vào đến 70 - 80km, khiến lúa và cây trồng chết rất nhiều.

Chiều 29-2, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải ký ban hành Quyết định về việc công bố thiên tai trên địa bàn tỉnh. Loại thiên tai được công bố là hạn hán, rủi ro cấp độ một, gây thiệt hại trực tiếp đối với các trà lúa trên địa bàn.

Tăng cường các giống thích nghi với biến đổi khí hậu

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau đã trực tiếp đi khảo sát tại điểm trình diễn giống lúa có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, đất bị nhiễm phèn mặn, công tác nghiên cứu và phát triển các giống lúa  mới rất quan trọng, giúp nâng cao năng suất, sản lượng lúa. Từ sự chỉ đạo của các ngành chuyên môn, hàng năm các đơn vị giống của tỉnh thường xuyên thử nghiệm, tuyển chọn các giống lúa thích nghi tại chỗ, đồng thời phối hợp với các viện, trường, các công ty tiếp tục sản xuất thử, trình diễn các giống lúa mới để đánh giá khả năng thích nghi với đồng đất Cà Mau”.

Mới đây, Công ty TNHH Bayer đã trình diễn giống lúa 6129 vàng,  giống lúa lai nhập từ Ấn Độ. Theo đánh giá, giống lúa 6129 vàng ít nhiễm bệnh đạo ôn, thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống đối chứng từ 5 - 7 ngày, bước đầu đánh giá có khả năng thích nghi với vùng đất 2 vụ lúa ở Cà Mau.

“Nếu được thử nghiệm trên vùng đất nuôi tôm, có khả năng chịu mặn thì đây sẽ là giống lúa chiến lược tại Cà Mau trong thời gian sắp tới”, Tranh nói

Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau, cho biết: “ Qua khảo sát điểm trình diễn giống lúa 6129 vàng của Công ty TNHH Bayer, bước đầu chúng tôi đánh giá đây là giống lúa có tiềm năng phát triển khá tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 100 ngày, phù hợp với cơ cấu nhiều vụ lúa ở các vùng sinh thái tỉnh Cà Mau. Giống lúa 6129 vàng được khảo nghiệm ở nơi đất trũng, bị nhiễm phèn nhưng cây lúa phát triển tốt. Riêng năm 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên khô hạn rất sớm, tuy nhiên giống lúa này phát triển khá tốt, năng suất đạt khoảng 10 tấn/ha. Ngoài năng suất và khả năng chống chịu phèn, giống này có ưu điểm nữa là hạt sáng, ít sâu bệnh, đồng thời vẫn giữ được năng suất. Trong tương lai, giống lúa này tiếp tục được sử dụng trên các vùng đất khác, đặc biệt là khu vực nhiễm mặn, vùng lúa - tôm. Nếu thích nghi được thì đây là giống lúa mà tỉnh sẽ đưa vào bộ cơ cấu giống lúa kể cả cho vùng sinh thái ngọt và sinh thái mặn”.

Đại diện Công ty TNHH Bayer Việt Nam cho biết, giống lúa lai 6129 vàng hiện đang được khảo nghiệm, nhưng kết quả bước đầu cho thấy, giống lúa đạt năng suất cao, chống chịu được bệnh, đặc biệt chống chịu được hạn hán. Thời gian tới, công ty sẽ phát triển thêm nhiều giống mới có khả năng chống chịu hạn nhằm giúp nông dân sản xuất ổn định trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp.

Lại Hùng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top