Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 6 năm 2021 | 10:53

Tham nhũng đất đai tại xã Thụy Lâm (Hà Nội), cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc

Những sai phạm trong quản lý đất đai tại thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm (Đông Anh - Hà Nội) kéo dài khá nhiều năm, gây mất an ninh trật tự khi mà người dân bức xúc liên tục gửi đơn tố cáo khắp nơi.

Điều đáng nói, sau khi báo chí phản ánh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã có tới 4 lần chỉ đạo UBND TP. Hà Nội xử lý nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
 
Rất mong các cơ chức năng của Hà Nội, nhất là cơ quan cảnh sát điều tra, sớm vào cuộc điều tra, đưa vụ việc ra ánh sáng.
 
Tham nhũng lớn  - vấn nạn “ăn đất” 
 
Vấn nạn “ăn đất” xảy ra từ những năm 2000 ở thôn Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) chỉ là một trong số các vụ việc bị người dân tố cáo. Tác giả bài báo  đã từng có nhiều bài viết phản ánh. Những cán bộ thôn ngang nhiên chiếm đất công rồi biến thành của gia đình; lấy đất công đem mua, bán phân chia cho người nhà, người thân. Nhóm cán bộ này gồm các ông: Đinh Hữu Bình (Bí thư thôn); Đinh Xuân Bách, Nguyễn Văn Chương (Trưởng thôn); Nguyễn Văn Thu (Phó bí thư Đảng ủy xã); Đào Lý (Phó trưởng thôn); Trần Văn Vị (kế toán thôn)…
a2.JPG
Người dân bức xúc về vấn nạn "ăn đất" của quan thôn.
 
Những hành vi mua bán, giao đất, chiếm đoạt đất trái phép của chính quyền thôn Đào Thục và xã Thụy Lâm, trong đó phải kể đến: Đất sân bóng; đất ao; đất cơ đê; đất giao thầu; đất 64; đất làm đường giao thông… Trong đó, đất sân bóng có diện tích gần 10.000m2 của thôn Đào Thục từ xưa vốn là sân chơi thể thao cho trẻ em thôn nhưng bị chính nhóm cán bộ trên chiếm đoạt, gồm: Hộ Đinh Hữu Bình 100m2; hộ ông Nguyễn Văn Chương 216m2; hộ ông Tuyết 2.800m2 và nhiều hộ dân khác.
 
Đối với đất giao thầu, hộ ông Văn  (anh trai ông Thu) được giao thầu 1.386m2 trong vòng 4 năm nhưng không trả tiền thầu cho dân. Đất này sau đó lại bị ông Văn lấy xây nhà trái phép.
 
Về đất 2 ao có diện tích hàng ngàn mét bị nhóm cán bộ này đứng tên ký giấy giao cho các hộ: Đinh Hữu Ty 479m2; Đinh Xuân Quang 384m2 (ngày 10/1/2005); Đinh Văn Phụng 132m2 (ngày 10/4/2005); Đinh Hữu Ty 479m2 (ngày 30/3/ 2005); các hộ: Hoàng Văn Mạnh 132m2, Đặng Văn Thân 200m2. Số tiền bán đất hàng tỷ đồng bị những cán bộ này chiếm đoạt.
 
Ngoài ra, đất cơ đê chợ đầu thôn bị ông Bình lấy đem giao cho hộ ông Đinh Văn Long sử dụng xây lán trại; giao cho hộ ông Đinh Ngọc Ánh xây nhà xưởng. Trắng trợn hơn, đất dân sinh của thôn còn bị chính Phó bí thư xã Thụy Lâm Nguyễn Văn Thu chiếm dụng.
 
Lợi dụng việc dồn điền đổi thửa năm 2013, ông Bình và ông Chương đã tự ý trừ mỗi nhân khẩu 7m2, để lấy đi tổng số 2.000 m2 đất được Nhà nước chia cho người dân theo Nghị định 64 . Nhóm tiểu ban chia gồm những người trên đều có đất thừa hàng trăm mét vuông, riêng ông Bình thừa khoảng 600 m2. Điều lạ ở đây, ông Chương dù là Trưởng thôn nhưng lại chuyên chứa cờ bạc tại nhà và đã bị Công an huyện Đông Anh bắt năm 2020. Vị này còn lấy 200m2 đất giãn dân để bán cho gia đình ông Nguyễn Văn Độ (mặc dù hộ ông Độ đã có nhà); bán cho hộ ông Long 200m2 để xây nhà. Đây là 2 hộ anh em chú bác với ông Chương. Hay như đất hành lang cơ đê của Nhà nước cũng bị nhóm này công khai mua - bán để lấy tiền chia nhau.
 
     
Phó thủ tướng chỉ đạo vẫn phớt lờ
 
Trước những sai phạm của nhóm cán bộ thôn Đào Thục và xã Thụy Lâm, UBND xã Thụy Lâm và UBND huyện Đông Anh đã có văn bản chỉ đạo tháo dỡ và trả lại hiện trường đất bị mua bán và bàn giao trái mục đích nhưng không hiểu vì lý do gì vẫn chưa thực hiện. 
vb-lan-2.jpg
Văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (lần thứ 4).
Tại Quyết định số 59/QĐ-UBND của UBND xã Thụy Lâm v/v hủy bỏ Biên bản giao đất  ngày 6/6/2006; Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 4/3/2015 v/v đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng; Văn bản số 12/PQ-UBND ngày 23/12/2015 v/v tổ chức lực lượng phương tiện, thiết bị thực hiện các quyết định khắc phục hậu quả công trình vi phạm TTXD tại thôn Đào Thục…, trong đó có các cơ quan của huyện Đông Anh như: Công an, Ban QLDA; Phòng TN&MT…
 
Văn bản số 90/UBND-TTr ngày 31/1/2015 của UBND huyện Đông Anh v/v thực hiện các kết luận thông báo trả lời có hiệu lực pháp luật: Nghiêm túc xử lý tháo dỡ theo thẩm quyền đối với các công trình xây dựng không phép tại sân bóng thôn Đào Thục…
 
Tuy nhiên, tất cả sự chỉ đạo đều không được nhóm cán bộ thôn Đào Thục thực hiện. UBND huyện Đông Anh và UBND xã Thụy Lâm thì bỏ lửng để những sai phạm này tiếp diễn kéo dài.
 
UBND TP. Hà Nội, trong Văn bản số 1977/ UBND-TH (ngày 7/4/2016) và Văn bản số 2856 (ngày 19/5/2016), yêu cầu UBND huyện Đông Anh xử lý sai phạm nhưng huyện Đông Anh cũng chưa thực hiện. Các cơ quan pháp luật của huyện Đông Anh biết rất rõ vụ việc vi phạm pháp luật hình sự nhưng lại “mũ ni che tai”; làm ngơ không vào cuộc để điều tra, xử lý.
 
Phóng viên nhiều lần đến đặt lịch làm việc với UBND huyện Đông Anh và Công an huyện nhưng đều không thành. Các cơ quan này lấy nhiều lý do để khước từ. Gần 20 ngôi nhà trái phép được xây dựng trên đất sân bóng vẫn chưa bị tháo dỡ. Các các khoản tiền như thuê thầu, bán đất, bán ao và đất lâu năm bị bớt xén… đều bị nhóm quan thôn, xã giấu nhẹm.
 
Dư luận đặt câu hỏi: Có hay không sự “bảo kê” ngầm trong đường dây “ăn” đất từ các cấp chính quyền của huyện Đông Anh (!?). Những hành vi mua bán, giao đất trái phép của chính quyền thôn Đào Thục và xã Thụy Lâm đã vi phạm vào Điều 37, Luật Đất đai (năm 2003);  Khoản 1, Điều 174 Bộ luật Hình sự, và có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản được quy định tại Điều 278, Bộ luật Hình sự 1999 nhưng vì sao các cơ quan pháp luật của huyện Đông Anh chưa vào cuộc điều tra?
 
Mặc dù Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã ký văn bản chỉ đạo tới 4 lần yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo xử lý từ tháng 9/2016 nhưng vụ việc trên vẫn bị chìm xuồng. Tình trạng tham nhũng đất đai ở thôn Đào Thục và xã Thụy Lâm vẫn tiếp diễn kéo dài. 
 
Lần thứ nhất, văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký ngày 29/9/2016 yêu cầu: Chủ tịch UBND TP. Hà Nội  chỉ đạo kiểm tra làm rõ nội dung phản ánh về những vi phạm và xử lý vi phạm về đất đai tại thôn Đào Thục…, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/11/2016.
 
Văn bản lần 2 ngày 22/11/2016 yêu cầu xử lý triệt để, khắc phục dứt điểm các vi phạm về quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã Thụy Lâm… đối với các tổ chức, cá nhân… Báo cáo Thủ tướng trước ngày 01/4/2017.
 
Văn bản lần 3 ngày 02/6/2017 yêu cầu  xử lý dứt điểm những vi phạm… và Báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/7/2017.
 
Và văn bản lần 4  của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ngày 17/8/2017 yêu cầu xử lý dứt điểm các vi phạm về đất đai, xây dựng còn tồn tại ở xã Thụy Lâm; tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm…; xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.
 
Chỉ đạo này còn căn cứ vào Chỉ thị số 150/CT-TW của Bộ Chính trị ngày 7/12/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng tham nhũng, sai phạm đất đai ở đây vẫn chưa được giải quyết.
 
Đối chiếu với Chỉ thị số 150 thì trách nhiệm cần phải xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc về những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng nơi mình quản lý là Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Trưởng Công an huyện Đông Anh...
 
 

Nhiệm vụ năm 2016 của TP. Hà Nội là tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng… cho thấy: “Tình hình tham nhũng trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như: hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi thành công vụ để cấp, bán đất trái thẩm quyền… để chiếm đoạt tiền”.

(Báo cáo của UBND TP. Hà Nội gửi Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội năm 2015)

 
 
 
 
 
 
Thu Hương
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top