Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 10 năm 2019 | 22:21

Đông Anh: Anh trai ruột của Đội trưởng QLTTXD xây dựng không phép?

Với diện tích hàng nghìn mét vuông đất được bàn giao tại xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) Công ty Thương mại Hà Nội đã tự ý xây dựng không phép. Đáng nói, chủ đầu tư lại là anh trai ruột của Đội trưởng Đội QLTTXD huyện Đông Anh…

Theo đó, ngày 06/10/2016, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định giao 12.478m2 đất tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh cho Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và Thương mại Hà Nội (Công ty Thương mại Hà Nội) để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Cửa hàng dịch vụ, siêu thị, câu lạc bộ thể dục thể thao.
 
công-trình-nhà-xưởng-xây-dựng-không-phép.jpg
Công trình nhà xưởng xây dựng không phép (Nguồn: doanhnghiephoinhap) 
 
Tiếp đến, ngày 26/4/2017, UBND Thành phố Hà Nội đã tiến hành ký Hợp đồng thuê đất số 229/HĐTĐ-STNMT-CCQLDĐĐ với Công ty Thương mại Hà Nội, thời hạn thuê đất được tính từ 06/10/2016 đến 23/02/2061 với mục đích sử dụng như trong quyết định giao đất.
 
Nhưng trên thực tế, sau nhiều năm được giao đất Công ty Thương mại Hà Nội đã xây dựng các công trình không có công năng theo quyết định giao đất của UBND Thành phố Hà Nội. Thay vào đó, Công ty này đã ngang nhiên tiến hành xây dựng hàng loạt các công trình có dấu hiệu sai phạm như nhà kho, nhà xưởng không phép.
hợp-đồng-thuê-đất-số-229.jpg
Hợp đồng thuê đất số 229
Cụ thể, trong Quyết định số 232/QĐ-UBND ngày 14/12/2017 do Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê ban hành về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng nêu rõ: Đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng tại xóm Đường, thôn Khê Nữ, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và Thương mại Hà Nội làm chủ đầu tư. Người đại diện là ông Tô Thanh Bình, chức vụ Giám đốc. Đã có hành vi vi phạm xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Các công trình gồm: 01 công trình diện tích 552 m2, kết cấu khung nhà thép công nghiệp, cao 7,5m đã lợp mái tôn; 01 công trình diện tích 268,8m2, kết cấu tường gạch bê tông 115mm, cao 4,5m; xây dựng rào tổng chiều dài 75m, kết cấu xây gạch bê tông 115mm, bổ trụ, ô thoáng sắt cao 2m.
 
Mặc dù các công trình nêu trên xây dựng không phép đã quá rõ ràng nhưng không hiểu lý do vì sao không bị cưỡng chế? Ngược lại, các công trình vi phạm nói trên vẫn được Công ty Thương mại Hà Nội tiếp tục hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhưng không phải là cửa hàng dịch vụ, siêu thị, câu lạc bộ thể dục thể thao như phê duyệt của UBND TP. Hà Nội thay vào đó là một loạt nhà xưởng được xây dựng lên để cho thuê và kinh doanh.
 
Điều kỳ lạ là, ông Tô Thanh Bình- Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và Thương mại Hà Nội (Đơn vị xây dựng không phép) chính là anh ruột của ông Tô Quang Thiện – Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện Đông Anh và cũng là con ruột của ông Tô Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Anh.
chủ-tịch-ubnd-xã-nguyên-khê-ban-hành.jpg
Quyết định số 232/QĐ-UBND ngày 14/12/2017 do Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê ban hành
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với báo chí ông Tô Quang Thiện – Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện Đông Anh thừa nhận, ông Tô Thanh Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và Thương mại Hà Nội là anh trai ruột. Tuy nhiên, vị Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cho biết, bản thân mới được luân chuyển từ Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị sang Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng từ ngày 1/8/2019. Về các nội dung liên quan đến phản ánh của các đơn vị và các tồn tại cũ thì vị này hứa sẽ cho kiểm tra lại và sẽ có thông tin với báo chí.
 
Ngoài ra, ông Thiện còn chia sẻ thêm:“Hiện nay, Chủ tịch huyện đang chỉ đạo rất sát sao về các nội dung liên quan đến các vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp, vi phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Đông Anh. Vì vậy, Đông Anh đang gồng mình lên để phấn đấu sẽ trở thành quận trong giai đoạn năm 2020 - 2025, có gì đó đối với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng như các đơn vị khác, mong có sự giúp đỡ cũng như là định hướng của ngôn luận…”, ông Tô Quang Thiện cho hay.
 
Mặc dù Tô Quang Thiện – Đội trưởng Đội QLTTXD huyện Đông Anh đã giải thích về sự việc nêu trên. Tuy nhiên, việc xây dựng không có giấy phép của Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và Thương mại Hà Nội đến bao giờ sẽ bị cưỡng chế vẫn là câu hỏi chưa có lời giải?

Bắc Ninh: Đất nông nghiệp tại Từ Sơn bị “xẻ thịt”, Trách nhiệm của Chủ tịch phường Châu Khê ở đâu?

Mới đây, trước thực trạng đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” ồ ạt trong khi Chủ tịch UBND phường Châu Khê tỏ ra “bất lực” không ngăn chặn, ông Trần Quang Huy, Bí thư Thị ủy Từ Sơn đã có trao đổi làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

Liên quan đến nội dung “đất nông nghiệp tại Châu Khê, Từ Sơn bị băm nát”, nhiều cơ quan báo chí đã đồng loạt phản ánh, nhưng dường như vị Chủ tịch UBND phường này đang “bất lực” trước sai phạm?... Dư luận lại dậy sóng, đưa ra nhiều bình luận trái chiều và không thiếu những câu hỏi “trách nhiệm” dành cho người đứng đầu quản lý địa bàn cũng như cơ quan chức năng huyện Từ Sơn đến đâu, khi để tồn tại một việc “trái ngược” với quy định pháp luật mà không bị xử lý?.

một-công-trình-nhà-xưởng-mới-hoàn-thiện-ngay-trên-cánh-đồng-tại-thôn-trịnh-xá.jpg
Một công trình nhà xưởng mới hoàn thiện ngay trên cánh đồng tại thôn Trịnh Xá 

 

Thông tin báo chí, ông Thắng, nguyên nhân chính là do người dân coi thường pháp luật, chống đối chính quyền “có bài bản” nên xảy ra tình trạng xây dựng mang tính chất ồ ạt, kiểu như... “của cướp là của được”.

Đồng thời, Chủ tịch phường Châu Khê còn cho rằng việc chưa xử lý, ngăn chặn, cưỡng chế triệt để các công trình vi phạm còn do UBND Thị xã Từ Sơn đang thay đổi... nhân sự. Công tác nhân sự chủ chốt của thị xã đang thay đổi nên... “ngại” báo cáo. “Trong thời điểm đấy, kể cả UBND phường có đề xuất cưỡng chế thì Công an cũng không thể hỗ trợ được. Họ đang thay đổi nhân sự thì ai giúp đỡ”.

Trao đổi về việc này, Bí thư Thị ủy Từ Sơn, ông Trần Quang Huy cho rằng: Ông Thắng đưa ra lý do vậy là không chính đáng. Công tác thay đổi nhân sự không thể làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu UBND phường.

 

công-trình-sai-phạm-trên-khu-đất-phần-trăm-đang-trong-quá-trình-xây-dựng.jpg
Công trình sai phạm trên khu đất phần trăm đang trong quá trình xây dựng (Nguồn: conglyxahoi.net.vn)

Được biết, ngày 26/9, Ban Thường vụ Thị ủy Từ Sơn đã có thông báo kết luận nêu rõ: “Đảng ủy, UBND phường Châu Khê phải chủ động thực hiện trách nhiệm ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm những sai phạm xảy ra nếu có và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm để xảy ra sai phạm theo quy định”, vậy với cách trả lời này, “ông Thắng đang đổ lỗi cho chính quyền?”, phóng viên nêu câu hỏi.

Bí thư Thị ủy khẳng định không thể đưa ra lý do như vậy. Nếu trong cuộc họp hay trao đổi trực tiếp mà ông Thắng đưa ra những ý kiến như vậy thì phải còn phải xem xét kỷ luật. Tại sao ông Thắng lại đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên là thế nào? Thay đổi nhân sự không thể làm ảnh hưởng đến công việc. “Kể cả Thị xã Từ Sơn có thay đổi nhân sự thì công việc điều hành phát triển kinh tế của địa phương vẫn họat động bình thường tại sao dưới cơ sở lại bị ảnh hưởng?”, Bí thư Thị ủy đặt câu hỏi.

 

đường-giao-thông-trong-cụm-công-nghiệp-châu-khê-cũng-bị-lấn-chiếm-bịt-kín.jpg
Đường giao thông trong Cụm công nghiệp Châu Khê cũng bị lấn chiếm bịt kín (Nguồn: conglyxahoi.net.vn)

Ông Trần Quang Huy còn cho biết, ông Trần Văn Thắng cũng nắm giữ vị trí Chủ tịch UBND phường Châu Khê từ 2016. Ông Thắng có thời gian 3 năm Chủ tịch với cả Phó chủ tịch UBND phường chắc cũng phải gần 1 khóa, không còn mới mẻ nữa. Chủ tịch phường trả lời như vậy là rất “ngây ngô, người ta đánh giá là con người có tầm hiểu biết thấp”... Đồng thời theo đánh giá của Bí thư Thị ủy Từ Sơn, cách giải thích cho sai phạm tràn lan của Chủ tịch Châu Khê như vậy là “chính quyền địa phương đang tê liệt, bất lực”...

 “Trong sự việc này, trách nhiệm chính phải là của ông Trần Văn Thắng không thể đổ lỗi cho ai được. Người đứng đầu phải có giải pháp, nếu làm không được thì phải báo cáo để xin chỉ đạo. Chủ tịch phường sao lại đổ lỗi do người dân làm đêm, không có đủ lực lượng nên không ngăn cản. Những lý do đưa ra như vậy là bao biện”,- ông Trần Quang Huy khẳng định.

Qua trao đổi, Bí thư Thị ủy Từ Sơn cũng được biết, trước tình trạng ồ ạt lấn chiếm đất nông nghiệp diễn ra thời gian dài, khu phố đã có hàng chục báo cáo gửi UBND phường Châu Khê. Tuy nhiên, những báo cáo này chỉ như “ném đá ao bèo” khi công trình sai phạm vẫn tiếp diễn công khai xây dựng, hoàn thiện. Thậm chí, sau báo cáo những sai phạm còn diễn ra ồ ạt, có phần tăng thêm về số lượng vẫn không thấy cán bộ xuống có biện pháp xử lý.

“Như vậy nếu xem xét trách nhiệm thì phải nói lãnh đạo UBND phường rất vô trách nhiệm. Trong sự việc này, khu phố cũng đã làm hết nhiệm vụ đó là lập biên bản đình chỉ, ngăn chặn rồi báo cáo UBND phường. Họ làm gì có lực lượng và chức năng vì không phải cấp đơn vị hành chính. Khu phố chỉ là “cánh tay nối dài”, tham mưu, phản ánh, giúp việc cho chính quyền. Chứ lãnh đạo phường lại bảo cấp dưới buông lỏng, không chịu ngăn chặn kiên quyết là không được”, ông Huy cho biết.

Hiện tại, theo ông Trần Quang Huy, sau khi có kết luận của Ban Thường vụ Thị ủy, UBND thị xã Từ Sơn đã lập đoàn thanh tra toàn diện về những sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại phường Châu Khê. Thời gian thực hiện sẽ có báo cáo trước ngày 15/11/2019.

Ông Trần Quang Huy còn cho biết một số công trình vi phạm nghiêm trọng tại Châu Khê theo UBND phường báo cáo đã dừng không thi công xây dựng. Còn một số trường hợp thì đang xử lý. Đợt này UBND phường sẽ tháo dỡ vi phạm của 6 hộ gia đình.

“Nói là cưỡng chế, tháo dỡ chứ không thể nói đập ngay lập tức nhà dân được. Nhu cầu nhà ở của người dân là chính đáng nhưng vấn đề lãnh đạo phường ngăn chặn ngay từ đầu thì người dân không lâm vào cảnh mất tiền, mất của. Trước mắt, Thị ủy chỉ đạo phải phân loại xử lý những hộ gia đình cố tình vi phạm để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, trong sự việc này, trách nhiệm của người đứng đầu đã buông lỏng, chưa kiên quyết thì không thể đổ cho ai”, Bí thư Thị ủy Từ Sơn nói.

 

nhà-trụ-sở-điều-hành-của-ban-quản-lý-cụm-công-nghiệp-châu-khê-cũng-được-cho-thuê-để-làm-nhà-xưởng.jpg
Nhà trụ sở điều hành của Ban Quản lý Cụm công nghiệp Châu Khê cũng được cho thuê để làm nhà xưởng (Nguồn: conglyxahoi.net.vn)

 

Theo chia sẻ của ông Huy, ngay sau khi có kết luận thanh tra làm sáng tỏ vụ việc thì Thị ủy, UBND thị xã Từ Sơn sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Từ đó tùy theo mức độ sai phạm sẽ tiến hành xử lý kỷ luật cán bộ.

Trước đó, liên quan đến tình trạng đất nông nghiệp bị xâm lấn, ồ ạt, Bí thư Đảng ủy phường Châu Khê, ông Đỗ Văn Hiền đã có Công văn số 07 CV/ĐU gửi lãnh đạo Thị ủy, UBND và Công an thị xã Từ Sơn về việc xem xét, xác minh thông tin có dấu hiệu hình sự liên quan tới công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Được biết, sự việc này cũng đang được đoàn thanh tra của thị xã làm rõ. Quan điểm của Thị ủy trong chỉ đạo là sẽ xử lý nghiêm sai phạm.

Để nắm bắt những chỉ đạo của UBND thị xã Từ Sơn trong sự việc này, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo UBND thị xã nhưng chưa nhận được câu trả lời cụ thể. Dư luận cũng đang mong chờ sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của UBND thị xã Từ Sơn để tình trạng này sớm được giải quyết dứt điểm, tránh bức xúc kéo dài của người dân.

Hà Giang: Bộ Văn hóa đề nghị xử lý nghiêm hai dự án bạt núi trong lòng cao nguyên đá Đồng Văn

Từng nhiều lần khuyến cáo tỉnh Hà Giang về hai dự án bạt núi trong lòng cao nguyên đá Đồng Văn, nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tiếp tục đề nghị Hà Giang kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm.

Sau công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng phá vỡ cảnh quan ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang lại hâm nóng dư luận vì cho phép bạt núi ở hai dự án thuộc loại “khủng”. Đó là Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, đề xuất sử dụng một phần diện tích đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích Phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú do UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt năm 2016 với tổng diện tích 75 ha thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn do Công ty Cổ phần Phúc Lộc Hà Giang làm chủ đầu tư, với nhiều hạng mục xây chùa, khu đào tạo Phật giáo, khu nhà khách. Còn dự án thang máy ngắm cảnh tham quan di tích Đồn Cao được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư của cá nhân ông Nguyễn Văn Dần ngụ tại TP  Hà Giang. Dù chưa hoàn thiện các văn bản liên quan đất đai, quy hoạch, xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn quyết cho xây dựng từ tháng 8, mãi hai tháng sau công trình được mệnh danh Panorama phiên bản Đồng Văn mới bị đình chỉ.

 

ảnh-xuân-tùng.jpg
Dự án thang máy ngắm cảnh tham quan di tích Đồn Cao (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) Ảnh: Xuân Tùng (Nguồn: tienphong.vn)

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết, Bộ có đoàn kiểm tra lên thị sát, ghi nhận tình hình thực tế hai dự án nằm trong cao nguyên đá này. Ngày 25/10, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông ký công văn số 4316/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc kiểm tra, giám sát Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Dự án Thang máy ngắm cảnh tham quan di tích Đồn Cao ở Đồng Văn, Hà Giang.

Bộ khẳng định: Vị trí của hai Dự án này nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010, với các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030.

Bộ VHTTDL từng khuyến cáo Hà Giang nhiều lần về hai dự án này, nhưng vẫn xảy ra sai phạm? “Hai dự án nằm trong lòng công viên cao nguyên đá Đồng Văn nên phải tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa và hệ thống pháp luật khác có liên quan, đồng thời thực hiện theo khuyến cáo của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu của UNECSO”, lãnh đạo Cục Di sản trả lời báo chí.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định đã nhiều lần có ý kiến về hai dự án này, cụ thể tại các công văn số 1569/BVHTTDL-DSVH ngày 17/4/2018 và số 2532/BVHTTDL-DSVH ngày 11/6/2018 về Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú; số 2573/BVHTTDL-DSVH ngày 13/6/2018 và số 5332/BVHTTDL-DSVH ngày 26/11/2018 về Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao.

“Qua kiểm tra tình hình thực tế, hai dự án này đã triển khai mà chưa tuân thủ hai quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa thực hiện đúng các ý kiến của Bộ VHTTDL tại các văn bản nêu trên”, đại diện Bộ VHTTDL nêu. Hơn nữa, Hà Giang cho triển khai dự án khi chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo thẩm định, đánh giá tác động môi trường sinh thái.

Trong công văn mới nhất, lãnh đạo Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện việc triển khai hai dự án nêu trên và kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

 

 

 

Hữu Thắng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top