Đoàn công tác do ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện 2 dự án phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm tại 2 huyện Thạch Thành và Cẩm Thủy.
Theo đó, Đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án “Khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao, an toàn” tại xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành.
Dự án này do Công ty TNHH Dịch vụ và Chăn nuôi New Hope Thanh Hóa làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 50 triệu USD. Dự án được thực hiện trên diện tích 112,5 ha, có quy mô 500.000 con/năm, trong đó: Giai đoạn 1 là 70.000 con/năm; giai đoạn 2 là 430.000 con/năm.
Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư dự án đã hoàn thành chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. Tiến hành xong công tác san lấp mặt bằng, đấu mối 2 trạm biến áp vào dự án với công suất cấp điện 880 kVA và khoan 2 giếng nước ngầm. Đồng thời, chủ đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, để tiến hành khởi công xây dựng các hạng mục của dự án theo quy định.
Tại dự án này, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu: “Chủ đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường của dự án. Chủ động phối hợp với huyện Thạch Thành, để giải quyết vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng 1 hộ dân còn lại. Phối hợp với Sở NN&PTNT và huyện Thạch Thành, để xây dựng vùng kiểm soát an toàn dịch bệnh. Quan tâm thu hút lao động tại địa phương, nhất là những hộ đã nhường đất sản xuất cho dự án. Thực hiện liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm”.
“UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương cho chủ đầu tư dự án tìm địa điểm, để xây dựng Văn phòng và Trung tâm kiểm dịch động vật. Đồng thời, UBND tỉnh nhất trí với chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến đường vào khu chăn nuôi của dự án”, ông Quyền khẳng định.
Kết thúc thị sát Dự án “Khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao, an toàn”, Đoàn công tác đã đến kiểm tra Dự án “Nhà máy sợi dệt An Phước” tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy.
Dự án “Nhà máy sợi dệt An Phước” do Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước làm chủ đầu tư, có công suất 10.000 cọc sợi/năm, với tổng mức đầu tư 627,9 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 3/2016. Hiện nay, tiến độ thi công của nhà máy đạt 80% khối lượng, phần thiết bị đã tập kết đầy đủ và chuẩn bị lắp máy vào vận hành chạy thử.
Để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sản xuất, ngày 26/5/2018, Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước đã phối hợp với Sở NN&PTNT và UBND huyện Cẩm Thủy, để tổ chức công bố “Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, tính đến hết tháng 8/2018, diện tích trồng cây gai xanh mới của huyện Cẩm Thủy đạt 61,83 ha, nâng tổng diện tích cây gai xanh trên toàn huyện lên 85,34 ha.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đánh giá cao tiến trình triển khai xây dựng của chủ đầu tư. Đồng thời, ông Quyền cam kết: “Tỉnh Thanh Hóa sẽ tạo điều kiện, để chủ đầu tư hình thành đủ vùng nghiên liệu cho nhà máy sản xuất ổn định. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan sớm hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, để chủ đầu tư triển khai xây dựng các hạng mục còn lại của dự án”.
“Huyện Cẩm Thủy sớm tổng kết các mô hình trồng cây gai xanh, để có kế hoạch mở rộng vùng trồng cây này. Tập trung tích tụ ruộng đất, áp dụng thâm canh, cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch cây gai xanh, để đáp ứng nguyên liệu cho nhà máy. Các địa phương thông qua vai trò của Hợp tác xã và các tổ chức chính trị - xã hội khác trên địa bàn, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn thông qua các kênh tín dụng, để trồng cây gai xanh”, ông Quyền chỉ đạo.
Sau khi kiểm tra, thị sát thực tế, Đoàn công tác của UBND tỉnh Thanh Hóa đã đánh giá cao những nỗ lực của chủ đầu tư cùng với các cấp, các ngành và các địa phương đã chung tay, để dự án được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.
Được biết, đây là 2 dự án trọng điểm, không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của 2 huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, mà còn cho cả nền nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, Hội nghị “Liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được tổ chức vào ngày 28/11 đến ngày 4/12, trên địa bàn tỉnh Long An.