Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 3 năm 2022 | 8:55

Thích ứng an toàn là phải thay đổi nhanh

Sản xuất và xuất khẩu nông sản trong giai đoạn hiện nay cần sự chủ động và nhanh chóng thay đổi cách làm, từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ...

Mới đây, đọc bài “Chủ động thích ứng: Đa dạng thị trường, sản phẩm và khách hàng” trên mục Tiêu điểm Tạp chí Kinh tế nông thôn, số 8/2022, phát hành ngày 15/3/2022 của tác giả Thanh Hiền, tôi đồng tình với cách đề cập và giải quyết vấn đề của tác giả về sản xuất và xuất khẩu nông sản trong giai đoạn hiện nay và dài hạn. Đó là sự chủ động và nhanh chóng thay đổi cách làm, từ tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết với hợp tác xã làm nòng cốt, doanh nghiệp là đầu tàu và quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, minh bạch, truy xuất được nguồn gốc đến đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm, đa dạng khách hàng cả trong nước và xuất khẩu. Đồng thời chủ động xây dựng uy tín thương hiệu từ sớm, từ xa trên cơ sở liên tục nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, là bạn của tất cả các thị trường dù lớn hay nhỏ nhưng đều chung chất lượng cao và là bạn với mọi khách hàng, dù trong nước hay nước ngoài.

Trong bài viết này, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine và cuộc chiến cấm vận giữa các quốc gia phương Tây với Nga diễn biến khó lường lên chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là xăng dầu, phân bón và thức ăn chăn nuôi, tác giả chỉ đề cập đến một góc nhỏ của vấn đề, giá phân bón leo thang và việc phải nhanh chóng thay đổi phương thức canh tác để phát triển nông nghiệp ít vật thải, giảm giá thành nhưng lại tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, bán được giá cao và đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), năm 2021, chúng ta phải chi gần 1,5 tỷ USD để nhập khẩu trên 5,1 triệu tấn phân bón, trong đó, nhập khẩu từ Nga 320.045 tấn, trị giá 123,5 triệu USD (chiếm 7,74 % so với tổng giá trị phân bón nhập khẩu).

Cục này cũng cho biết, ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra ngày 24/02, giá phân bón thế giới lập tức tăng 8-12% so với thời điểm trước đó (ngày 23/2). Theo đó, thị trường phân bón trong nước cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung và giá. Việc phân bón tăng giá khiến giá thành sản xuất lên cao, trong khi giá bán nông sản lại bấp bênh khiến nhiều nông dân có tâm lý không chăm sóc cây trồng.

 

img-8645-copy.JPG
Nghiệm thu dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ tại Công ty Cổ phần Quốc tế Hải Dương năm 2021. Ảnh: HỒNG ĐÀO

 

Trong khi đó, các cơ quan chức năng luôn khuyến cáo, việc lạm dụng phân bón hóa học trong sản xuất sẽ khiến đất đai chai cứng, giảm mức độ an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm, giảm khả năng kháng bệnh của cây trồng, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao giá thành sản xuất,…

Theo Amazon - Trang thương mại điện tử có uy tín trên thế giới, hàng năm, Việt Nam lãng phí hàng tỷ USD từ phụ phẩm nông nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

GS.TS. Võ Tòng Xuân cho rằng, việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp) không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, thậm chí làm giàu. 

PGS.TS. Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông để giúp nông dân và doanh nghiệp vào cuộc, biến phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Theo ông Phụng, nếu làm tốt, có thể nâng sản lượng phân bón hữu cơ từ 4 triệu tấn/năm hiện nay lên 10 triệu tấn/năm. Điều này giúp giảm đáng kể phân bón nhập khẩu. Đồng thời cần có hướng dẫn chi tiết việc sử dụng phân bón đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng.

Lợi ích của phân hữu cơ trong nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, môi trường là rất rõ ràng. Do vậy, xây dựng, nhân rộng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất ít vật thải (chất thải của quá trình này là đầu vào của quá trình khác), tái sinh năng lượng từ vật thải, như mô hình VAC, cần được phát huy, nhân rộng. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp nhất có thể để đẩy nhanh hơn, mạnh hơn việc mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Làm hiệu quả việc này mang lại rất nhiều lợi ích, cả kinh tế, văn hóa, môi trường, sức khỏe.

 

 

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top