Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ quan điểm, định hướng với nhiều thông điệp thể hiện rõ phương thức hành động của Chính phủ.
Ngày 15/4/2021, sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã họp phiên đầu tiên để triển khai công việc với yêu cầu bắt tay ngay vào công việc, mọi công việc đều phải thông suốt, không vì bất cứ lý do gì khiến công việc bị ngừng trệ; phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được để thúc đẩy công việc sắp tới, tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với thành tích, kết quả đã đạt được, nhưng cũng không nóng vội mà phải chắc chắn, hiệu quả. Ngay ngày hôm sau, 16/4, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định số 45/NQ-CP về những nhiệm vụ cần làm ngay và những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ quan điểm, định hướng với nhiều thông điệp thể hiện rõ phương thức hành động của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ, các thành viên Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, hành động thiết thực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đảm bảo người dân được thụ hưởng tiến bộ và công bằng xã hội. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết liệt trong hành động xây dựng chính phủ số, kinh tế - xã hội số. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ, thực chất, đồng bộ, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; Tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch…
Trên cơ sở quan điểm và định hướng trên, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân theo quy định pháp luật; Chính phủ tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương, không quyết định thay những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương; các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường phân cấp cho địa phương, cấp dưới trực tiếp. Xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; cá thể hóa hơn nữa trách nhiệm cá nhân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể đã được thể hiện thông qua việc phân cấp, phân quyền cũng như phân công nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị. Do đó, trong quá trình quản lý, điều hành, tập thể, cá nhân phải xác định rõ thẩm quyền của mình đến đâu để không “bỏ sót” nhiệm vụ được giao. Và nếu xảy ra sai sót, vi phạm thì cá nhân, tập thể phải tự chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình…
Việc đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; phân cấp phân quyền đã được nêu lên trong nhiều năm, trong nhiều văn bản nhưng trên thực tế, kết quả chưa như mong đợi. Nhiều việc không lớn nhưng chính quyền địa phương, bộ ngành vẫn “đẩy” lên Thủ tướng. Việc này khiến công việc trở nên chậm chạp. Đây là cách làm đùn đẩy, né tránh trách nhiệm cá nhân, gây mất niềm tin nơi người dân và doanh nghiệp.
Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp rất mừng khi đón nhận những thông điệp từ phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi kiện toàn. Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ công khai cụ thể những bộ ngành, địa phương điểm sáng trong cải cách thể chế, đổi mới kỷ cương, kỷ luật nhưng cũng cần chỉ đích danh những ngành, địa phương thực hiện chưa đúng, chưa tốt trách nhiệm của mình. Chỉ có như vậy, ý thức trách nhiệm mới được nâng lên. Và khi trách nhiệm được nâng lên thì kỷ cương, kỷ luật cũng sẽ được nâng lên. Có vậy chúng ta mới có thể thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.