Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 11 năm 2021 | 9:15

Thủ quỹ xã Tráng Liệt thu tiền của người mua đất nhưng không nhớ sử dụng thế nào?!

Phiếu thu tiền đã được thủ quỹ ký nhận, đóng dấu treo và gửi lại cho người dân, mặc dù phiếu thu này không theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành. Các chứng từ liên quan đến việc thu tiền của dân đều không được lưu giữ.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Bình Giang (Hải Dương), UBND thị trấn Kẻ Sặt đã mời ông Trần Tuấn Hảo, nguyên thủ quỹ, nhân viên văn phòng xã Tráng Liệt (nay sáp nhập vào thị trấn Kẻ Sặt) đến giải trình số tiền đã thu của người mua đất trước đây, quản lý và sử dụng như thế nào? Tuy nhiên, ông Hảo cho biết, có thu tiền, nhưng không nhớ sử dụng thế nào?!
 
Thu hàng tỷ đồng nhưng không nhớ
 
Mặc dù thủ quỹ UBND xã đã thu tiền mua đất người dân nộp, nhưng khi báo cáo UBND huyện Bình Giang, ông Quách Văn Hưng, Phó Bí thư thị trấn Kẻ Sặt (khi đó là Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt) cho rằng, đất không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, cấp phép, gia đình tự sử dụng. 
 
Sau nhiều bài báo được đăng tải, UBND huyện Bình Giang đã có văn bản yêu cầu UBND thị trấn Kẻ Sặt báo cáo nội dung báo chí nêu về việc các hộ dân phản ánh, giải trình số tiền đã thu được quản lý và sử dụng như thế nào?
 
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, UBND thị trấn Kẻ Sặt đã mời ông Trần Tuấn Hảo, nguyên thủ quỹ, nguyên nhân viên văn phòng UBND (xã Tráng Liệt trước đây) báo cáo việc thu tiền đất của các hộ dân trước cổng UBND thị trấn.
 
Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt - ông Phạm Đỗ Lâm cho biết, chúng tôi đã 2 lần mời ông Trần Tuấn Hảo lên giải trình, làm rõ có hay không việc thu tiền của các hộ dân? Số tiền thu được là bao nhiêu, có nộp cho UBND xã hay không?
 
Tuy nhiên, qua 2 lần mời ông Hảo lên làm việc, cả 2 lần ông Hảo đều cho biết có thu tiền của các hộ dân, nhưng không nhớ thu bao nhiêu, chi như thế nào. Ông Hảo đề nghị cần thời gian để tìm lại hồ sơ, chứng từ.
 
Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt cũng cho phóng viên Kinh tế nông thôn biết, ngay khi có thông tin báo chí nêu và có yêu cầu của UBND huyện, chúng tôi đã cho kiểm tra hồ sơ, chứng từ được lưu tại UBND thị trấn, nhưng không tìm thấy hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc ông Hảo thu tiền của các hộ dân mua đất.
 
Trước đó, chúng tôi mời 8 hộ dân có ý kiến phản ánh đã nộp tiền mua đất, nhưng chưa được chính quyền làm thủ tục cấp giấy CNQSD đất lên làm việc. Các hộ này đều mang theo phiếu thu bản gốc có đóng dấu của UBND xã Tráng Liệt, người thu tiền là thủ quỹ Trần Tuấn Hảo đã ký, để cung cấp cho UBND thị trấn đối chiếu.
 
 
Có dấu hiệu “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”
 
Trao đổi về vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hải Chi, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: Có thể khẳng định, việc thủ quỹ Trần Tuấn Hảo đã thu tiền của các hộ dân nộp để được mua thửa đất phía trước UBND thị trấn, trên phần đất thuộc sân vận động, trường học do UBND quản lý là có cơ sở. Bằng chứng là phiếu thu tiền đã được ông Hảo ký nhận, được đóng dấu treo và gửi lại cho người dân, mặc dù phiếu thu này không theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành.
 
Hành vi này cho thấy ông Hảo “cố tình” không thực hiện đúng các quy định về tài chính, kế toán đối đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.
tráng-liệt-4.jpg
Phiếu thu không theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành.

 

 
Hơn nữa, đến nay, UBND thị trấn Kẻ Sặt không tìm thấy chứng từ liên quan đến việc thu tiền của dân, càng chứng tỏ ông Hảo có mục đích chiếm đoạt số tiền người dân đã nộp. Như vậy, ông Hảo có dấu hiệu vi phạm  tội: “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 355, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017.
 
Theo thông tin phóng viên Kinh tế nông thôn có được, trong buổi làm việc với các hộ dân được mời lên làm việc, các hộ đã cung cấp chứng từ nộp tiền cho thấy số tiền mua đất lên đến hàng tỷ đồng, đã được ông Hảo ký nhận và viết phiều thu. Cụ thể như gia đình bà Chiều (Thế) nộp 1 tỷ đồng; anh Cường 300 triệu đồng; chị Nga 600 triệu đồng; ông Thuận 700 triệu đồng; anh Vinh 1,2 tỷ đồng; anh Thắng 800 triệu đồng; anh Phương 500 triệu đồng.
 
Nhiều người dân ở đây đều cho rằng, việc ông Hảo thu tiền phải được phép của chính quyền xã Tráng Liệt lúc đó. Nếu không có ý kiến chỉ đạo thu tiền, liệu ông Hảo có dám thực hiện thu tiền công khai ngay tại trụ sở UBND không? Tiền chúng tôi đã nộp nên khi xây dựng, cán bộ địa chính đã xuống cắm mốc, chỉ giới, chính quyền không xử lý. Nếu không, làm sao chúng tôi có thể xây dựng nhà kiên cố công khai được?
tráng-liệt-2.jpg
Đã nộp tiền mua đất, nhưng chính quyền lại báo cáo là đất không được Nhà nước giao, tự ý xây dựng.
 
 
Sau khi thu tiền của dân, ông Trần Tuấn Hảo có nộp vào quỹ của UBND xã Tráng Liệt và được sử dụng như thế nào? Có hay không ông Hảo đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản?, đề nghị các cơ quan chức năng huyện Bình Giang và tỉnh Hải Dương khẩn trương vào cuộc làm rõ.
 
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc trên.
 

Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng359 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top