Phan Thị Hiền, người đã dành tuổi thanh xuân “trồng cam trên đồi đất trống”, để hồi sinh mảnh đất cằn cỗi thu tiền tỷ mỗi năm.
Về thăm chị Phan Thị Hiền, thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh), nhìn cơ ngơi do chính tay chị làm ra, ai cũng trầm trồ, thán phục bởi đôi bàn tay và tinh thần thép của người phụ nữ đầy nghị lực này.
Trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP
24 năm trước, vùng đất Anh Hùng chủ yếu là đồi núi, bao năm bị bỏ quên, nhưng nay, khi chúng tôi đến, nhìn cả khu vực trang trại rộng lớn phủ kín màu xanh của cam, cây giống lâm nghiệp, keo, rau sạch, gà... mới thực sự thán phục chí hướng làm giàu của chị Hiền.
Nhớ lại những ngày đầu về Anh Hùng “cắm” những gốc cam đầu tiên, chị Hiền chia sẻ: Thôn Anh Hùng, trước đây là thôn Đập Hầu, được hình thành từ đội sản xuất số 4 của Công ty Cao su Hà Tĩnh với các hộ dân các thôn dưới của xã lên đây lập làng kinh tế mới. Ngày đó, vùng này rất hoang sơ, cây cỏ mọc um tùm. Để ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình, các hộ dân ở đây bên cạnh phát triển cây cao su, đã khai hoang tới đâu trồng cam đến đó.
Buổi đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, điện chưa có, đường vào trang trại là đường đất, vốn liếng là hai bàn tay trắng. Làm thế nào để vươn lên thoát nghèo là câu hỏi mà ngày đêm vợ chồng chị trăn trở.
Năm 1995, Đảng ủy xã Thượng Lộc (Can Lộc) đề ra chủ trương cải tạo vườn tạp, được chính quyền và các tổ chức đoàn thể vận động, nhận thấy vườn đồi của gia đình có độ dốc, không bị ngập úng, dễ khai thác nguồn nước tưới, gia đình chị quyết định trồng cây ăn quả và mua nhiều loại cây giống về trồng, như: mít, ổi, cam, quýt, vải thiều, nhãn, bưởi Phúc Trạch, hồng vuông… Theo thời gian, đất Anh Hùng dần hồi sinh, nhưng nhận thấy trong số các loại cây đang trồng, nổi trội là cam, cây phát triển tốt, nhiều quả và có chất lượng cao, không thua kém các loại cam nổi tiếng khác trên thị trường.
Đến năm 2005, gia đình chị tự nhân giống để trồng trên diện rộng. Sau ba năm, cam bắt đầu có quả, cho thu nhập khá, gia đình chị quyết định phá bỏ hết các loại cây khác, tập trung chuyên canh cam.
Vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội là những chính sách rộng mở của huyện, cộng với tính cần cù, ham học hỏi, biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, năm 2003, chị Hiền mạnh tay đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hồ chứa nước, hệ thống tưới phun tự động và trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân tiểu biểu 2019
Tiếng lành đồn xa, cam của gia đình chị được thương lái đến tận vườn thu mua, giá bán khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, gần Tết giá cao hơn nhiều. Với trang trại rộng gần 4ha, trồng 1.250 gốc cam, trong đó hơn 320 cây đang cho thu hoạch, ước tính, mỗi năm gia đình chị thu từ cam và bán giống cây lâm nghiệp đạt trên 1 tỷ đồng.
Ngoài mang lại lợi nhuận cao cho gia đình, mô hình trồng cam của chị Hiền còn trở thành nơi học tập kinh nghiệm, tham quan trải nghiệm của rất nhiều nông dân khác trong và ngoài tỉnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm trang trại, chị Hiền cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là phải có sự đam mê và kiến thức. Đam mê mà “hổng” kiến thức thì sớm muộn gì cũng thất bại. Ngoài ra, người làm chủ phải có máu “liều”, dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm. Tất nhiên liều cũng phải có cơ sở, nhạy bén nắm bắt thời cuộc, các điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
“Trồng cam bảo dễ cũng không phải, khó cũng không phải. Trồng cây gì cũng vậy, luôn đòi hỏi người trồng phải bỏ thời gian, tâm sức ngay từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch. Cây cam được đánh giá là loài cây “khó tính”, ngoài sử dụng các biện pháp sinh học, mắc màn cho cam, tôi còn dùng ống dẫn dụ côn trùng bằng keo dính, luôn có sẵn máy test cá nhân để test độ sạch, máy kiểm tra độ đường, kiểm tra lượng phân bón”, chị Hiền cho biết thêm.
Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, chị Hiền luôn hỗ trợ giúp đỡ các gia đình trong vùng vượt khó vươn lên. Hiện, trang trại của chị đang tạo việc làm cho 05 lao động thường xuyên, 05 lao động thời vụ với thu nhập hơn 4 triệu đồng/ người/ tháng. Ngoài ra, chị còn giúp đỡ về giống cho nhiều hộ gia đình, phổ biến khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng cho bà con địa phương.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, chị Phan Thị Hiền được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới năm 2015, Bằng khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2016.
Đặc biệt, chị vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2017. Năm 2019 chị là một trong 63 nông dân tiểu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.