Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 30 tháng 5 năm 2022 | 15:32

Thương hiệu: "Điểm tựa" để hàng nông sản phát triển bền vững và tạo niềm tin với người tiêu dùng

Việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm ngày càng được các địa phương, các chủ thể sx chú trọng, quan tâm. Điều đó trở thành “điểm tựa” để các sản phẩm hàng hóa của địa phương phát triển bền vững và tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

tuan-hang-viet.jpg
Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội lần thứ hai năm 2022 tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) thu hút nhiều người dân mua sắm.

 

Hà Nội: Kết nối và tiêu thụ các mặt hàng nông sản

Với chủ đề “Hàng hóa thương hiệu Việt tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững”, Tuần hàng Việt là hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt đến với người dân và du khách trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Xuân Thành, đại diện Hợp tác xã Minh Quang (tỉnh Hà Giang) - đơn vị sản xuất và phân phối chia sẻ, các sản phẩm trà cổ thụ Shan Tuyết của hợp tác xã được người dân Thủ đô nhiệt tình ủng hộ qua các Tuần hàng Việt. Sản phẩm trà của hợp tác xã được chế biến từ 100% là chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, hoàn toàn không có hóa chất độc hại; được thu hái và chế biến bởi chính bàn tay của những người dân trong bản. Tham gia Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội đã giúp hợp tác xã tiếp cận trực tiếp với khách hàng, tìm hiểu nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng, đồng thời mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Cũng với mong muốn đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, 90 gian hàng của 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt, thuộc nhiều nhóm ngành như hàng tiêu dùng, sản phẩm làng nghề, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm an toàn, hữu cơ, sản phẩm OCOP, hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích và các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, doanh nghiệp trên cả nước như: Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phan Thiết… cũng đã tham gia chương trình.

Đáng chú ý, các gian hàng đặc sản vùng miền luôn thu hút lượng lớn người dân Thủ đô khi đến tham quan, mua sắm tại các Tuần hàng Việt. Chị Nguyễn Thị Dần, đại diện gian hàng của Hợp tác xã Nông sản Tân Việt Á (tỉnh Cao Bằng) chia sẻ, ngay trong ngày đầu tiên diễn ra Tuần hàng Việt, hợp tác xã đã tiêu thụ một lượng lớn đặc sản như thạch đen, miến dong Cao Bằng, mộc nhĩ, nấm hương, lạp sườn…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thông qua chương trình Tuần hàng Việt, các doanh nghiệp có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt đến với người dân và du khách trên địa bàn thành phố. Người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận, mua sắm tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa có chất lượng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cầu, đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị tiêu thụ, trong thời gian diễn ra Tuần hàng Việt, Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh kết nối với hệ thống bán lẻ, siêu thị, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất tiếp xúc với hệ thống phân phối, xây dựng mối liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, các doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn những quy định, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm khi đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại.

Để Tuần hàng Việt đạt hiệu quả thiết thực, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng Thủ đô, khách du lịch trong và ngoài nước biết, đến tham quan mua sắm.

Về phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cần chuẩn bị hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, khuyến mại hấp dẫn, bán hàng bảo đảm văn minh thương mại, tuyệt đối không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và uy tín của chính các doanh nghiệp.

Việc triển khai chương trình Tuần hàng Việt cùng với các chương trình, nhiệm vụ khác của ngành Công Thương Hà Nội sẽ góp phần kích cầu nội địa, đạt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Thủ đô.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm

Tỉnh có nhiều sản phẩm đặc trưng địa phương, nhất là các sản phẩm thế mạnh từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngoài các thương hiệu lớn đã được khẳng định trên thị trường nhiều năm, như xi măng, mía đường, vật liệu xây dựng... trên địa bàn tỉnh còn có hơn 50.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Những năm qua, việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm ngày càng được các địa phương, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh chú trọng, quan tâm. Điều đó trở thành “điểm tựa” để các sản phẩm hàng hóa của địa phương phát triển bền vững và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.


245d0163227t36999l01.jpg
Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của HTX OCOP Thanh Hóa tại thị trấn Triệu Sơn.

 

Nắm rõ được ưu điểm của việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, dưới sự hướng dẫn của các sở, ngành và địa phương, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất đã đăng ký bảo hộ cho hàng trăm sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Điển hình như với sản phẩm ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, sau nhiều thăng trầm, từ khi sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu đã tiếp tục khẳng định được lợi thế để vươn xa hơn trên thị trường. Một số cơ sở hiện đã phát triển thành DN, đầu tư thêm máy móc, thiết bị và có những cách làm riêng trong quảng bá, nâng cao vị thế sản phẩm. Điển hình như tại Công ty TNHH Dịch vụ Thanh Đức, xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa), hiện DN này đã nghiên cứu, đưa máy sơ chế kén tằm vào phục vụ sản xuất. Công ty thực hiện thu mua kén tằm, với giá cao, tạo điều kiện cho bà con nông dân yên tâm, gắn bó lâu dài với làng nghề. Sản phẩm sau khi hoàn thiện được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh trong cả nước và các nước Lào, Thái Lan, tạo việc làm, với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng cho hàng chục lao động.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sự phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp gắn liền với việc công nhận sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh đã có 69 sản phẩm nông nghiệp được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 24 sản phẩm rau, quả; 10 sản phẩm gạo; 21 sản phẩm chế biến thủy, hải sản; 6 sản phẩm chè; 3 sản phẩm măng khô; 2 sản phẩm trứng; 2 sản phẩm bột sắn dây và 1 sản phẩm gà. Các sản phẩm này đều được xếp hạng 3 đến 4 sao. Trong đó, có 3 sản phẩm, gồm gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương, gạo Hương Thanh và Ngọc Phố của Công ty CP Thương mại Sao Khuê được công nhận danh hiệu thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có hơn 400 văn bằng bảo hộ được cấp cho các DN, cơ sở kinh doanh, bao gồm đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp sáng chế. Ngoài ra, còn có hàng chục sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Trong đó, có 4 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh địa phương, gồm mắm tôm Hậu Lộc, cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn Thọ Xuân, quế ngọc Thường Xuân; 23 sản phẩm được xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, như nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, nước mắm Khúc Phụ, tơ Hồng Đô, nón lá Trường Giang, bánh gai Tứ Trụ, kẹo nhãn Lang Chánh, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương Làng Ái...; hàng trăm sản phẩm của các DN sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản được chứng nhận nhãn hiệu.

Để tạo thuận lợi cho các DN trong hành trình xác nhận sở hữu trí tuệ, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, ngoài nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, DN trên địa bàn tỉnh đối với sở hữu trí tuệ, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch và các giải pháp cụ thể, đến năm 2025, 100% các tổ chức, cá nhân, DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đều được đáp ứng; ít nhất 40 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù, sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ thông qua triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; thực hiện được ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ về triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; 100% các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các DN trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ khai thác, áp dụng thực tiễn cho ít nhất 2 sáng chế/giải pháp hữu ích và hỗ trợ khai thác, phát triển sau bảo hộ cho ít nhất 2 chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được hiệu quả sau xác lập sở hữu trí tuệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các DN cần quan tâm, chú trọng nhiều hơn tới hoạt động quảng bá sản phẩm sau bảo hộ. Hiện nay, việc này mới thực hiện được với các DN có quy mô vừa. Với các DN quy mô nhỏ, các làng nghề, các hộ sản xuất, ngoài hạn chế về tài chính trong việc phát triển quảng bá sản phẩm thì còn nguyên nhân quan trọng do các đối tượng sản xuất này đi lên từ hộ gia đình nên nhận thức, năng lực quản trị, nguồn nhân lực còn yếu. Trong khi đó, các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hội chợ, triển lãm cũng còn hạn chế về quy mô và phương thức tổ chức.

Do đó, để tạo lập được sự phát triển bền vững, tăng trưởng tốt sau khi được xác lập bảo hộ sản phẩm, các DN, các làng nghề, hiệp hội, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể, địa phương cần tổ chức khai thác triệt để giá trị kinh tế nhãn hiệu sau bảo hộ. Đồng thời, chú trọng mở rộng hơn nữa các kênh phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các sở, ngành có liên quan của tỉnh cần quan tâm hướng dẫn các địa phương, đơn vị có sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, các giải pháp truyền thông mở rộng thị trường trong thời gian tới.

Vĩnh Phúc: Xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền với phát triển nông nghiệp chất lượng cao

Bên cạnh lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, Vĩnh Phúc có nhiều ưu thế để phát triển du lịch nông nghiệp và trên thực tế, loại hình này đã, đang được khai thác. Qua đó, góp phần đa dạng các loại hình du lịch, mang lại sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, để phát huy tối ưu nguồn tài nguyên này, vẫn cần những chiến lược mang tính dài hơi.

 

1_18.jpg
Du khách trải nghiệm tại vườn nho xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Nguyễn Lượng.

 

Từ một HTX nông nghiệp thuần túy, chuyên trồng các loại rau, quả sạch, những năm gần đây, HTX Đại Lải (Ngọc Thanh, Phúc Yên) đã kết hợp với một số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn phát triển thêm loại hình du lịch trải nghiệm, biến những ruộng rau, vườn cây ăn trái trở thành một điểm tham quan hấp dẫn.

Trung bình mỗi tháng, HTX đón khoảng 1.500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, chủ yếu là các nhóm gia đình, học sinh trên địa bàn Vĩnh Phúc, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhờ thay đổi tư duy, biết khai thác, phát triển du lịch từ lợi thế nông nghiệp, doanh thu của HTX cũng tăng lên đáng kể, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh Lâm Văn Trung, Giám đốc HTX Đại Lải cho biết: “Trong bối cảnh du lịch Vĩnh Phúc còn thiếu những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách, mô hình du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp đang là lựa chọn của nhiều du khách, mở ra nhiều kỳ vọng cho nền công nghiệp không khói tỉnh nhà”.

Ngoài mô hình của anh Trung, gần đây, những cánh đồng, trang trại nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch sinh thái xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh. Thay vì chỉ đưa nông sản ra thị trường thông qua các kênh tiêu thụ truyền thống, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh cũng tranh thủ tận dụng mô hình canh tác nông nghiệp để phát triển du lịch trải nghiệm, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chụp ảnh, trực tiếp thu hoạch, mua sắm.

Một trong những người đi đầu mô hình này, anh Lưu Văn Hải, ở xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên chia sẻ: “Dựa trên khai thác lợi thế vườn nho gần 2ha sẵn có, tôi không chỉ bán được nông sản mà còn đón thêm 4 -5 nghìn lượt khách/vụ đến tham quan, chụp ảnh, góp phần quảng bá văn hóa, đất và người Vĩnh Phúc. Trước xu hướng du lịch nông nghiệp ngày càng phát triển, thời gian tới, tôi sẽ đầu tư cải tạo khuôn viên, vườn tược, trồng thêm hoa và nhiều loại cây ăn trái để thu hút thêm nhiều du khách”.

Theo đánh giá của ngành Du lịch, quá trình triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch còn có nhiều bất cập, có sự chồng chéo về sản phẩm giữa khu, điểm du lịch.

Nhiều sản phẩm du lịch của tỉnh còn đơn điệu, chưa phong phú, đa dạng, chưa thực sự hấp dẫn du khách và không có khả năng cạnh tranh so với các địa phương xung quanh, thiếu các phẩm du lịch chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các dịch vụ bổ trợ cho du lịch còn hạn chế, chưa khai thác hiệu quả từ các làng nghề, ẩm thực địa phương. Còn thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại lớn, khu chợ đêm... phục vụ khách du lịch, làm hạn chế đến lưu lượng khách đến, mức chi tiêu bình quân thấp.

Để từng bước phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, có khả năng canh tranh trong khu vực, ngoài việc phát triển các nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo, mang tính đặc thù như du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch kết hợp với thể thao; du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch bổ trợ kết hợp với mục đích thương mại, việc đầu tư phát triển và nhân rộng mô hình du lịch nông nghiệp là hết sức cần thiết.

Hướng đi này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của chương trình du lịch mà còn giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển KT- XH.

Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các mô hình du lịch dựa trên khai thác thế mạnh của nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, trùng lặp, chưa có sự đầu tư bài bản, chuyên sâu. Kỹ năng phục vụ du lịch của bà con thiếu chuyên nghiệp; cơ sở vật chất cũng chưa được đầu tư bài bản; tính liên kết với các doanh nghiệp lữ hành còn hạn chế, dẫn tới lượng khách còn ít, chưa tận dụng được hết lợi thế để tăng khả năng chi tiêu của du khách.

Để loại hình du lịch nông nghiệp trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần có những giải pháp mang tính dài hơi như tạo điều kiện về nguồn vốn cũng như các cơ chế hỗ trợ đặc thù khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp du lịch; hỗ trợ truyền thông, quảng bá các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh nghiên cứu, định hướng thị trường, phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền với phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

Qua đó, góp phần đa dạng các loại hình du lịch, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói tăng trưởng bền vững.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top