Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 8 năm 2021 | 9:37

Tổ chức lại sản xuất để thích ứng

Những tháng gần đây, khi dịch Covid -19 với biến chủng Delta diễn biến nhanh, khó lường, đã lan rộng trên cả thế giới và trong nước, gây thiệt hại không nhỏ về người và kinh tế.

2.JPG
Chủ động tổ chức lại sản xuất, chúng ta sẽ thay đổi được hướng đón gió của cánh buồm để con tàu nông nghiệp Việt Nam sớm vào TOP 10 quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông sản.

 

1. Những tháng gần đây, khi dịch Covid -19 với biến chủng Delta diễn biến nhanh, khó lường, đã lan rộng trên cả thế giới và trong nước, gây thiệt hại không nhỏ về người và kinh tế.

Trên quan điểm “an toàn sức khỏe và tính mạng cho người dân là trên hết, trước hết” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương trên cả nước đã từng thời điểm triển khai Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 trên từng địa bàn, từng khu dân cư, có lúc trên địa bàn một huyện, một tỉnh. Cao điểm nhất là đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ cuối tháng 7 tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó mở rộng ra khắp địa bàn 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông cửu Long, 5 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ (19 tỉnh và thành phố). Từ 6 giờ ngày 24/7, Thủ đô Hà Nội cũng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 6 giờ ngày 6 tháng 9…

Địa bàn 19 tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 là khu vực rộng lớn (có diện tích trên 64.000 km2 với gần 40 triệu người, không kể số người tạm trú lâu dài). Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Đông Nam Bộ: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn với hàng triệu công nhân, cũng là “cái dạ dày lớn” tiêu thụ nông sản.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa gạo, vựa thủy sản, vựa trái cây (giá trị sản xuất nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Sản lượng lúa gạo của vùng chiếm 50% tổng sản lượng lúa của cả nước; sản lượng thuỷ sản chiếm 65%, sản lượng trái cây chiếm 70%. Lượng gạo xuất khẩu chiếm 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước).

Thủ đô Hà Nội có diện tích 3.358,6km2, dân số gần 9 triệu người (không kể số người tạm trú lâu dài và số học sinh - sinh viên đang học tập, làm việc). Hà Nội vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm kinh tế lớn và cũng là “cái dạ dày lớn”.

Tóm lại, đợt bùng phát dịch thứ tư này, SARS - CoV- 2 đã “len lỏi” vào vùng kinh tế trọng điểm, đông dân cư. 

2. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở khu vực này trùng với thời kỳ thu hoạch rộ của lúa, nhiều loại trái cây, lợn, gà,… (khoảng 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120.000 tấn hải sản, 400 triệu quả trứng và hàng chục ngàn tấn gia súc, gia cầm...).

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, tiêu thụ nội địa cũng chậm do người dân giảm thu nhập, hàng hóa khó lưu thông và người tiêu dùng cũng không dễ dàng đi lại mua sắm.

Tạm gác sang bên chuyện chưa đồng bộ, chưa thống nhất về một số cách làm giữa các địa phương, khiến lưu thông không thông suốt, đứt gãy khâu vận chuyển, cung ứng.

Việc đứt gãy này giúp ta càng rõ hơn điểm yếu của sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Theo đó, ngoài hai điểm yếu lớn nhất: “chi phí cao” và “chất lượng kém” còn khá khó khăn cho việc hỗ trợ thu hoạch, thu gom.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, những nơi thực hiện sản xuất theo mô hình hợp tác xã dễ dàng hơn trong việc tiếp cận sự hỗ trợ của cộng đồng, của doanh nghiệp trong thu hái, bao tiêu sản phẩm. Thêm nữa, trước thách thức lưu thông và thị trường, nhiều hợp tác xã đã chủ động tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử; thay đổi phương thức kinh doanh bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến qua các hội, nhóm Zalo, Facebook… Nhờ đó, hàng nông sản vẫn được tiêu thụ khá ổn định.

3. Để thích ứng với tình hình mới, trên quan điểm hành động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn trong việc sớm xóa bỏ thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tư duy tiểu nông, tư duy làm nông sang làm kinh tế nông nghiệp, sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật, cùng với việc hình thành phương thức quản trị nông nghiệp mới trên cơ sở dữ liệu cung - cầu, ngày 12/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về Đề án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông lâm sản giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tạo ra 5 vùng nguyên liệu chuyên canh trên tổng diện tích khoảng 160.000ha. Khi đi vào thực tiễn, 17 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, 250 hợp tác xã và 185.000 hộ nông dân sẽ hưởng lợi trực tiếp từ đề án.

Việc hình thành các vùng nguyên liệu lớn, đủ tiêu chuẩn chất lượng sẽ làm cho nông nghiệp hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư; sản xuất manh mún, thiếu liên kết được hy vọng sẽ chấm dứt, điệp khúc “được mùa rớt giá” sẽ không còn...

Hy vọng, bằng việc chủ động tổ chức lại sản xuất, chúng ta sẽ thay đổi được hướng đón gió của cánh buồm để con tàu nông nghiệp Việt Nam sớm vào TOP 10 quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông sản. Để đời sống người nông dân ngày càng no ấm, đủ đầy. Để nông thôn Việt Nam thêm xanh - sạch - đẹp - hạnh phúc.

 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top