Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 3 năm 2017 | 1:22

Tổ dịch vụ bảo vệ thực vật: Hiệu quả nhiều mặt

KTNT - Trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ cây trồng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, sử dụng thuốc không đúng cách sẽ gây lãng phí, mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường và mất an toàn cho cả người sản xuất. Để hạn chế việc lạm dụng thuốc BVTV  trên cây chè mà vẫn đảm bảo năng suất nhưng tăng lợi nhuận và cho sản phẩm an toàn, Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên triển khai mô hình dịch vụ BVTV.

Tổ dịch vụ đảm nhận việc phun thuốc BVTV cho diện tích chè trong vùng.

Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của cả nước. Đến hết năm 2016, diện tích chè toàn tỉnh đạt hơn 21.300ha, trong đó có gần 19.000ha chè kinh doanh, năng suất đạt 113 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 211.000 tấn.

Được sự chỉ đạo của Cục BVTV, trực tiếp là Trung tâm BVTV phía Bắc, sự giúp đỡ của tổ chức Croplife Việt Nam, năm 2013 Chi cục Bảo vệ thực vật (nay là Chi cục Trồng trọt và BVTV) tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng mô hình “Tổ dịch vụ bảo vệ thực vật trên cây chè” tại xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) với diện tích 5ha chè.

Tổ dịch vụ gồm 3 người, do ông Nguyễn Văn Thịnh là tổ trưởng, được dự án hỗ trợ 3 máy phun thuốc động cơ (năm 2013 dự án hỗ trợ mua 1 máy, năm 2015 hỗ trợ mua 2 máy). Các tổ viên tổ dịch vụ BVTV được tập huấn, hướng dẫn chuyên sâu về phương pháp điều tra phát hiện sâu bệnh và biện pháp phòng trừ sâu bệnh an toàn, hiệu quả; vận hành và bảo quản bình phun thuốc động cơ; được trang bị, sử dụng bảo hộ lao động đảm bảo an toàn trong quá trình phun thuốc BVTV. Tất cả các hộ làm chè tham gia mô hình đều được tập huấn kỹ thuật, chuyên môn về thuốc BVTV; các loại dịch hại trên cây chè và phương pháp quản lý dịch hại; an toàn vệ sinh thực phẩm…

Nhiệm vụ của tổ dịch vụ là điều tra sâu bệnh, tư vấn kỹ thuật, tư vấn thuốc BVTV và phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ cho các hộ tham gia mô hình. Tổ chỉ thực hiện phun thuốc theo kết quả điều tra khi phát hiện dịch hại trên nương chè, không phun định kỳ như trước. Vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng được thu gom vào nơi quy định, thay vì vứt bừa bãi trên vườn chè như trước kia. Hàng tháng, tổ dịch vụ báo cáo và thường xuyên kết hợp với kỹ thuật viên của Trạm Trồng trọt và BVTV huyện kiểm tra và đưa ra dự báo tình hình sâu bệnh tại các vườn chè trong mô hình.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Tổ trưởng tổ dịch vụ BVTV xóm Văn Hữu, cho biết, với mỗi máy động cơ xăng khả năng phun thuốc tối đa được khoảng 0,5 -0,8ha/ngày (15 -20 bình/ngày), các tổ viên thu tiền dịch vụ phun thuốc BVTV theo giá thỏa thuận. Phun bằng máy động cơ áp lực thuốc phun ra mạnh, thuốc tơi, nhỏ dễ dàng đến được các vị trí cần thiết trên cây chè, hiệu quả cao hơn máy phun thuốc thông thường nên đã tạo được lòng tin cho người làm chè. Nếu như năm 2013, tổ dịch vụ chỉ phục vụ diện tích 5ha chè của mô hình thì đến năm 2015 mở rộng quy mô lên 30ha trên địa bàn xóm Văn Hữu. Đến đầu năm 2017, tổ mở rộng quy mô phục vụ lên trên 40ha chè và trên 70ha lúa trên địa bàn các xã Hóa Thượng và Hóa Trung (huyện Đồng Hỷ).

Theo ông Hứa Văn Phúc, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đồng Hỷ, người làm chè đã thay đổi thói quen khi sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, đã lựa chọn được đúng thuốc và phun đúng thời điểm; giảm được 30-50% số lần phun thuốc BVTV. Người dân tham gia mô hình giảm được chi phí sản suất đầu vào, năng suất chè vẫn ổn định, thu nhập của người làm chè nâng lên đáng kể.

Có thể thấy, mô hình tổ dịch vụ BVTV là hướng đi đúng trong sản xuất chè bền vững, phát huy hiệu quả đối với người làm chè nói riêng, người sản xuất nông nghiệp nói chung. Qua đó, giảm được số người tiếp xúc với thuốc BVTV, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái. Đồng thời, thông qua các tổ dịch vụ, cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý thuốc BVTV thuận lợi hơn, dễ kiểm soát nguồn thuốc, quy trình sử dụng thuốc BVTV cũng như kiểm soát được tình hình sâu, bệnh trên cây trồng... Mô hình cần nhân rộng ở các địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Dương Trung Kiên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

  • Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao.

  • TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 là giống lúa được người sản xuất bún, bánh ở miền Trung rất chuộng. Theo tính toán, 1 kg gạo TBT132 sẽ làm ra hơn 3kg bún tươi, nhiều hơn so với các loại gạo khác từ 10 - 15%.

Top