Hội Làm vườn và Trang trại (HLV&TT) huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng thành vườn kinh tế hàng hóa (2013 - 2015); đồng thời xác định mục tiêu cải tạo vườn tạp giai đoạn 2015-2020, tôn vinh cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.
Diện tích thanh long tăng mạnh trên địa bàn huyện Nga Sơn.
Bắt đầu từ việc nhỏ
Ông Vũ Thế Giao, Chủ tịch HLV&TT huyện Nga Sơn, cho hay: Nga Sơn là huyện ven biển của tỉnh Thanh Hoá; có 27 xã, thị trấn, với diện tích tự nhiên 15.053,99ha, trong đó có 9.282,51ha đất nông nghiệp, 1.013,17ha vườn...
Kết quả khảo sát toàn huyện cho thấy, có 5.216 hộ chưa biết làm kinh tế vườn, chiếm 14,9%; 1.269 hộ làm kinh tế vườn hiệu quả còn thấp, chiếm 3,63%. Sản xuất kinh tế vườn nhìn chung còn thể hiện tính tự cấp, tự túc. Do thiếu quy hoạch, kế hoạch nên cơ cấu cây trồng chưa hợp lý; đặc biệt là đối với cây ăn quả. Do đó, nghề vườn chưa có vị trí tương xứng với tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Ba năm qua, huyện Hội đã phối hợp với Hội Nông dân mời giảng viên của Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) về bồi dưỡng kiến thức trồng, chăm sóc, chiết, ghép, cải tạo giống cây ăn quả, kỹ thuật quy hoạch vườn và tư vấn lựa chọn các loại giống cây ăn quả phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao cho gần 3.000 lượt người.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp tổ chức 3 lớp dạy nghề 3 tháng cho 105 học viên. Tổ chức 12 cuộc hội thảo trao đổi rút kinh nghiệm về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả để cán bộ, hội viên rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và thực hiện.
Đến nay, toàn huyện Nga Sơn cải tạo được 256,79ha vườn tạp, trồng mới 57.829 cây ăn quả các loại; trong đó chủ yếu là bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, bưởi da xanh 14.300 cây; thanh long ruột đỏ 4.611 trụ, thanh long ruột trắng 8.459 trụ, hồng xiêm 69,47ha..., thay thế những cây ăn quả kém hiệu quả.
Nở rộ những mô hình
Anh Nguyễn Văn Hướng ở vùng đồi núi Hoàng Cương, xã Nga Thiện là điển hình tiêu biểu cho phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng thành vườn kinh tế hàng hóa. Bằng sức trẻ, dám nghĩ, dám làm, hai vợ chồng anh đã khai hoang đồi, đồng thời chặt bỏ cây nhãn, vải ít quả, chất lượng kém, khó khăn về thị trường tiêu thụ và bảo quản sau thu hoạch, giá trị thu về thấp để trồng 1.100 cây thanh long ruột trắng và ruột đỏ, hồng không hạt. Sau cải tạo vườn 3 năm, anh đã có thu 200 triệu đồng/năm. Các năm sau, riêng nguồn thu từ thanh long ước đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Trên vùng đất đồi Hoàng Cương hiện có 3 hộ (anh Hướng, anh Ngân, anh Hùng) trồng trên 5.000 trụ thanh long, năm thứ 2 bắt đầu cho thu hoạch.
Anh Hướng tâm sự: “Nếu được huyện, xã quan tâm đầu tư làm đường giao thông thuận tiện cho gần 100 hộ trong vùng đi lại sản xuất, thương lái vào mua hàng hóa thì vùng cây ăn quả ở vùng Hoàng Cương sẽ được mở rộng và phát triển hơn nữa. Nga Thiện có vùng đồi núi nên số cây thanh long hiện nhiều nhất huyện”.
Ông Mai Văn Hào (thôn Hồ Đông, xã Nga Thành) cũng là người thành công từ cải tạo vườn tạp. Với đức tính cần cù, ham học hỏi, ông đổi diện tích cơ bản và mua thêm để có diện tích vườn 0,7ha. Qua nhiều lần cải tạo vườn, gia đình ông đã lựa chọn được cơ cấu cây ăn quả có tiềm năng cho thu nhập khá. Ông đã tận dụng ưu thế của các loại cây ăn quả dài ngày, ngắn ngày, cả trên không và dưới tán cây, chính vụ và trái vụ như: Lựa chọn để lại 10 cây nhãn, 600 cây na trồng trước kia; trồng mới thêm 35 cây táo, 20 cây bưởi Diễn; trồng xen 100 cây ổi; dưới tán các loại cây ăn quả trồng 7.000 cây đinh lăng và riềng, sả; dưới tán cây nhãn làm chuồng nuôi lợn và gia cầm. Gia đình ông có thu bình quân 200 triệu đồng/năm. Ông vừa bán 526 cây đinh lăng ba năm tuổi, thu về trên 50 triệu đồng; dự kiến đến năm 2016, ông bán 7.000 cây đinh lăng, sẽ thu hơn 500 triệu đồng.
Với những thành tích đã đạt được của HLV&TT Nga Sơn, UBND huyện đã khen thưởng 35 hộ làm kinh tế vườn tiêu biểu, 8 đơn vị và 8 cán bộ Hội đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ cải tạo vườn tạp thành vườn có giá trị kinh tế.
Mặc dù còn nhiều khó khăn như: một bộ phận cán bộ, hội viên, nhân dân chưa nhận thức đúng về nghề làm vườn; diện tích vườn cần cải tạo còn tương đối lớn (417,62ha); lực lượng lao động, thợ giỏi tay nghề, làm kinh tế vườn hàng hóa còn ít..., tuy nhiên, bằng sự cố gắng không mệt mỏi của cán bộ, hội viên, sự giúp sức của UBND huyện, tỉnh, Trung ương HLV Việt Nam, chắc chắn trong thời gian tới, HLV&TT Nga Sơn sẽ đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CẢI TẠO VƯỜN TẠP, XÂY DỰNG VƯỜN KINH TẾ HÀNG HÓA GIAI ĐOẠN 2015 - 2020: Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện xóa hết vườn tạp. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, các điều kiện phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế vườn hàng hóa theo định hướng bền vững, giá trị kinh tế cao. Tạo lập được một nghề, làm kinh tế vườn hàng hóa có giá trị thu nhập đạt bình quân 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. |
Danh Hùng
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.