Như người con gái đẹp, thứ nhất là dáng, thứ nhì là da; trái sầu riêng cũng vậy, vóc dáng phải đẹp, vỏ màu xanh sáng thì mới bán được giá cao.
Đó là trao đổi của ông Nguyễn Nghĩa Nam (xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đúc kết từ chính công việc trồng sầu riêng của mình.
Tỷ phú Nguyễn Nghĩa Nam (bên phải) đang giới thiệu mô hình trồng sầu riêng với lãnh đạo huyện Di Linh. Ảnh: T.D.Hồng
Mở hướng đi mới
Ông Nam cho biết, giống như phần đông nông dân ở cao nguyên Di Linh, ông trước đây cũng trồng cà phê để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng vì giá cả của loại cây này thiếu ổn định, ông bèn nghĩ cách trồng xen sầu riêng vào đất cà phê với mục đích vừa tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích, vừa làm cây che bóng cho cà phê, đồng thời để khảo nghiệm, tìm hướng làm ăn mới.
“Năm 2003, tôi bắt đầu trồng sầu riêng khảo nghiệm trên đất cà phê. Trải qua quá trình theo dõi, nhận thấy việc trồng sầu riêng không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà công chăm sóc cũng khá nhàn hạ, tôi quyết định đốn bỏ 8 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) cà phê để trồng chuyên canh giống sầu riêng Monthong”, ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, thổ nhưỡng và khí hậu ở Lâm Đồng rất phù hợp với sầu riêng. Trồng sau 4 năm, cây đã cho trái. Những năm tiếp theo, cây càng to, tán càng rộng, năng suất sầu riêng càng tăng. Niên vụ 2017, 8 sào sầu riêng ở xã Hòa Ninh mới đạt 27 tấn; đến niên vụ 2018, sản lượng tăng lên 35 tấn. Niên vụ 2019 và niên vụ 2020, vườn sầu riêng 8 sào tiếp tục duy trì sản lượng ở mức 35 tấn.
Từ nguồn thu nhập của 8 sào sầu riêng, năm 2014, ông mở rộng diện tích trồng sầu riêng bằng việc mua thêm 2,2ha đất tại xã Đạ R’Sar, huyện Đam Rông. Hiện tại, tổng diện tích sầu riêng của ông Nam là 3ha, sản lượng khoảng 70 tấn, bán với giá 35 - 40 nghìn đồng/kg, thu về hơn 3 tỷ đồng.
“Cây sầu riêng đã mở ra hướng đi mới, phá vỡ thế độc canh của cây cà phê tại địa phương”, ông Nam tâm sự.
Chinh phục cây khó tính
Ông Nam cho hay, muốn cây sầu riêng đạt năng suất cao và ổn định, trái to, vóc dáng đẹp, đều, người trồng phải áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học, từ khâu chọn giống, xử lý đất, xử lý các loại nấm bệnh và sâu bệnh, mật độ trồng cho đến các kỹ thuật canh tác như tỉa cành tạo tán, tỉa thưa trái,… Ngoài ra, kinh nghiệm của bản thân trong áp dụng các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất cũng rất quan trọng.
“Phải hiểu rõ đặc tính sinh lý, cùng sự phát triển của cây, người trồng sầu riêng mới có quy trình chăm sóc phù hợp: Bao lâu cây cần bón phân; khi nào cây cần tưới nước và xiết nước; lúc cây đâm chồi bón loại phân gì; lúc cây ra hoa kết trái cung cấp loại dinh dưỡng gì, cũng như liều lượng dinh dưỡng bao nhiêu, lượng nước tưới như thế nào. Bởi từng thời điểm phát triển, cây có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, cách chăm sóc cũng khác. Trong mỗi khâu công việc, lại đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm thực tiễn của người trồng”, ông Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Nghĩa Nam bên vườn sầu riêng trĩu trái của gia đình.
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Di Linh, cho biết: “Sầu riêng là loại cây không dễ trồng. Vì vậy, người nông dân cần phải thường xuyên cập nhật các biện pháp chăm sóc khoa học, kết hợp với kinh nghệm thực tiễn của bản thân và cả kinh nghiệm của những nông dân giỏi đi trước thì mới chinh phục được giống cây này. Ông Nguyễn Nghĩa Nam không những nắm chắc quy trình chăm sóc, còn giàu kinh nghiệm thực tiễn trong việc xử lý để trái sầu riêng luôn to, đẹp và đều. Hiện, vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Nghĩa Nam là địa điểm nhiều bà con nông dân tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm”.
Ông Nam lưu ý rằng, trong chăm sóc nên sử dụng kết hợp hai loại phân hữu cơ và phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Đặc biệt, đừng quá vì lợi nhuận mà “ép” cho cây ra trái quá sức. “Hiện nay, nhiều nông dân thấy sầu riêng được giá nên kích thích cho cây ra nhiều trái. Như vậy, cây sầu riêng sẽ nhanh xuống sức và chết”, ông Nam thành thật.
Đó là kinh nghiệm đã giúp ông trong các năm qua luôn duy trì vườn sầu riêng sung mãn, năng suất trái ổn định, chất lượng trái đồng đều, mẫu mã trái bắt mắt. Ngay cả lúc cây đang dồn sức nuôi trái, vườn sầu riêng của ông Nam lá vẫn xanh mượt và dày, dấu hiệu cho thấy cây cực khỏe.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ninh Vũ Văn Ruyến, tự hào nói: “Ông Nguyễn Nghĩa Nam không chỉ là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương, mà còn là người Bí thư Chi bộ uy tín, hết lòng với cộng đồng. Qua vận động của ông Nguyễn Nghĩa Nam, người dân thôn 16 đã đóng góp hơn 100 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp nhà sinh hoạt thôn và làm 600 m đường giao thông nông thôn, cũng như tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Ông Nguyễn Nghĩa Nam còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm thâm canh, cách xử lý các loại sâu bệnh, nấm bệnh cây sầu riêng với nông dân trong và ngoài xã”.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.