Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, những năm qua, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) khuyến khích mở rộng vùng rau chuyên canh theo hướng hàng hóa, nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân.
Thu hoạch rau màu. Ảnh: PV
Cũng như nhiều hộ dân khác tại xã Triệu Long, gia đình chị Đoàn Thị Thanh ở thôn Đâu Kênh, ngoài làm ruộng còn tận dụng đất vườn gần 2 sào để trồng thêm các loại rau nhằm cải thiện thu nhập. Đầu vụ, chị đầu tư 5 triệu đồng làm nhà lưới và mua giống các loại cây rau như ngò gai (mùi Tàu), mồng tơi, diếp cá…; sau 3 tháng gieo trồng là cho thu hoạch. So sánh với một số loại cây trồng khác như khoai lang hay sắn thì cây rau màu cho thu nhập cao gấp 4 - 5 lần, đặc biệt là có thể trồng và thu hoạch quanh năm. Chị Thanh cho biết: “Trước đây, vùng đất trồng rau này, gia đình tôi trồng lúa, nhưng do thiếu nước, năng suất lúa không cao. Sau khi được xã tập huấn hướng dẫn trồng rau màu, tôi chuyển sang trồng các loại rau màu, thấy giá trị mang lại gấp nhiều lần trồng lúa mà công chăm bón, thu hoạch cũng nhẹ nhàng hơn”.
Ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Long, cho biết, xã đang chỉ đạo khai thác tiềm năng vùng đất ven sông Thạch Hãn để phát triển rau màu. Địa phương đã rà soát lại toàn bộ diện tích đất trên toàn xã để quy hoạch vùng sản xuất thích hợp cho từng loại cây trồng.
Xã Triệu Long hiện có 37ha rau chuyên canh, thu hút khoảng 78 hộ dân tham gia. Ngoài ra, diện tích rau xen canh, gối vụ cũng được bà con ở đây canh tác với diện tích hàng năm gần 60ha. Để giúp người dân phát triển các loại cây rau màu, xã đã phối hợp với các ban, ngành chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Theo tính toán của những người dân trực tiếp trồng rau, 1ha rau chuyên canh cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, giúp các hộ có thu nhập, nuôi con cái ăn học, cải thiện cuộc sống.
Nói về việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã, ông Sơn cho biết thêm: “Trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng của UBND huyện Triệu Phong, xã đã chỉ đạo nông dân chuyển một số diện tích đất cao, không đủ nước tưới sang trồng rau nhằm tránh tình trạng đất bỏ hoang, đồng thời đảm bảo thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân”.
Không chỉ xã Triệu Long phát triển rau màu, mà nhiều địa phương như Nại Cửu (Triệu Đông), An Lợi (Triệu Độ), Đại Hào (Triệu Đại), An Trú (Triệu Tài), Đạo Đầu (Triệu Trung)... cũng có diện tích trồng rau khá lớn. Việc hình thành các mô hình sản xuất rau chuyên canh ở các địa phương giúp huyện Triệu Phong đảm bảo được nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu hàng ngày của nhân dân. Triệu Phong có trên 1.800 ha đất chuyên canh rau. Nghề trồng rau mang lại cho người dân nguồn thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/ha. Để mô hình này mang lại hiệu quả cao hơn, đảm bảo tính bền vững, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để người trồng rau áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Qua đó, khuyến cáo bà con sử dụng phân vi sinh giúp cải tạo đất, hạn chế các đối tượng sâu bệnh gây hại cây trồng.
Ông Võ Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi đề xuất với UBND huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư mở thêm các lớp tập huấn cho hội viên. Qua đó, nhằm bổ trợ kiến thức, kỹ thuật cho nông dân để họ chủ động và tự tin hơn khi mở rộng mô hình này. Trên cơ sở đó, Hội sẽ tổ chức tham quan, học hỏi các mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn”.
Hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình chuyên canh rau an toàn đã minh chứng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở Triệu Phong là đúng hướng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, từng bước hình thành vùng sản xuất rau sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Minh Kha - Hồng Lĩnh
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.