Bước vào đầu tháng 11, trong khi ở nhiều nơi, nông dân mới bắt đầu xuống giống hoặc chăm sóc cây cà chua thì tại thôn Nà Tục, xã Đức Xuân (Thạch An - Cao Bằng), người dân đã bắt tay vào thu hoạch những trái cà chua chín sớm. Cà chua sớm có giá bán cao gấp 3-4 lần so với cà chua chính vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Mô hình trồng cà chua Savior vụ sớm tại thôn Nà Tục.
Trước đây, cà chua tại thôn chỉ được trồng vào vụ đông, thường sử dụng giống địa phương đã để qua nhiều năm, có hộ để giống qua 10 năm, cây bị thoái hóa, dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh xoăn lá virus. Mùa đông lại hay có sương muối nên mỗi vụ chỉ thu được 2 - 3 lượt quả. Mặt khác, vào chính vụ, khi cà chua thu hoạch rộ, giá thường rất rẻ, có khi chỉ 5.000-10.000 đồng/kg.
Từ thực trạng trên, Trung tâm Khuyến nông Cao Bằng đã mạnh dạn đề xuất hỗ trợ ngân sách từ Dự án VIE/036 thực hiện “Mô hình thử nghiệm giống cà chua Savior” do Công ty Syngenta cung ứng chuyển sang trồng cà chua theo cơ cấu trà sớm. Giống cà chua Savior có thể trồng trái vụ, năng suất đạt 2 tấn/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), dễ chăm sóc, kháng được các bệnh xoăn lá, đốm lá…, chất lượng quả tốt.
Mô hình thử nghiệm trong 2 năm 2016 - 2017, bước đầu thực hiện quy mô 1.000m2 trong năm 2016 với 5 hộ tham gia. Các hộ được hỗ trợ 100% giống và 50% vật tư, được tập huấn theo phương pháp lớp học hiện trường FFS áp dụng quy trình sản xuất an toàn, triển khai xuống giống đầu tháng 7 và thu hoạch vào cuối tháng 10. Trong quá trình thực hiện, mô hình gặp nhiều điều kiện bất thuận về thời tiết, khí hậu. Giai đoạn sau trồng gặp mưa lớn kéo dài cây bị ngập úng, phải trồng dặm, tuy nhiên các hộ đã chủ động khơi thông rãnh thoát nước, lên luống cao nên không ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Giai đoạn ra hoa đậu quả cây lại gặp hạn, các hộ phải bơm nước vào ruộng để duy trì độ ẩm, tránh ảnh hưởng đến năng suất.
Qua đánh giá, năng suất giống cà chua Savior trong mô hình đạt 4,7 tấn/1.000m2, tuy chưa đạt được năng suất tiềm năng của giống do gặp nhiều điều kiện bất thuận về khí hậu nhưng được đánh giá là phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Với giá bán gần 20.000 đồng/kg, trừ chi phí, mô hình có lãi hơn 60 triệu đồng, trong khi giống địa phương chỉ được gần 40 triệu đồng.
Bên cạnh việc chỉ đạo sản xuất theo hướng an toàn, Trung tâm Khuyến nông Cao Bằng còn kết hợp với Dự án VIE/036 -Thủy lợi Cao Bằng sử dụng thông minh nguồn nước và Chi cục Phát triển nông thôn hướng dẫn người dân đóng gói bao bì sản phẩm và giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các gian hàng triển lãm nông sản an toàn, chất lượng… được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao.
Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, sản xuất theo quy trình an toàn, đóng gói bao bì tạo thương hiệu cho sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động tiếp thị với các đơn vị tiêu thụ là hướng đi mới và bền vững cho bà con nông dân thôn Nà Tục.
Phùng Hồng Lan
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.