Gia đình anh Lê Văn Chính ở thôn Phước Hậu, xã An Hiệp (Tuy An - Phú Yên) thu lãi trên 100 triệu đồng/vụ từ trồng ớt sừng trâu xen hành trên diện tích 2.500m2.
Anh Chính cho biết, gia đình áp dụng mô hình trồng ớt xen hành được hơn 5 năm, năm nào cũng đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trước đó, gia đình anh Chính chỉ trồng độc canh một loại cây như ớt hoặc hành chứ không trồng xen. Từ khi tham gia các lớp tập huấn do khuyến nông tổ chức, anh được học hỏi và tham quan các mô hình làm ăn có hiệu quả, từ đó mạnh dạn áp dụng. Mỗi luống hành anh trồng xen vào hai hàng ớt, loại ớt sừng trâu. Thời gian trồng hành khoảng 30 - 35 ngày; khi đó cây ớt còn nhỏ, được hưởng đầy đủ chế độ dinh dưỡng chăm sóc cây hành. Sau khi thu hoạch hành, cây ớt tiếp tục phát triển. Sau 85-90 ngày, ớt bắt đầu cho thu hoạch; thời gian thu hoạch ớt liên tục gần 1 năm mới kết thúc một chu kỳ.
Để có được thành công như trên, anh Chính luôn tuân thủ các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng, như: thường xuyên thăm vườn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy tắc 4 đúng. Sản phẩm của gia đình được nhiều thương lái ưa chuộng và đến tận vườn thu mua. Năm 2015, với mô hình trồng ớt sừng trâu xen hành, gia đình anh thu lãi từ cây hành 60 triệu đồng, cây ớt 90 triệu đồng. Năm 2016, cây hành cho lãi 65 triệu đồng, cây ớt 45 triệu đồng.
Với hiệu quả kinh tế mang lại từ việc trồng ớt xen hành, đến nay gia đình anh tiếp tục đầu tư trại bò lai với quy mô hơn 10 bò mẹ sinh sản, đầu tư mua 2 máy cày đại, 1 máy cày băm, 1 máy tuốt lúa để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, thu nhập gia đình ngày càng tăng, đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh Chính còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ vốn cho bà con để cùng nhau phát triển kinh tế. Năm 2017, anh Chính được nhận Giấy khen Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện. Đây là động lực để anh không ngừng tăng gia sản xuất và giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.