Tại ấp 6, xã Vĩnh Trung (Vị Thủy - Hậu Giang), gia đình ông Mười Tùa (Nguyễn Văn Tùa) đã ghép trồng thành công giống xoài cát hồng lên thân cây xoài cát Hòa Lộc, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Giống xoài lạ
Theo anh Út Vàng, con trai út của ông Tùa, thì tình cờ anh đọc được trên internet biết được giống xoài cát hồng là của nhà vườn ở xã Bình Phú Xuân (Chợ Mới - An Giang) đang trồng. Thấy trái xoài to, màu sắc hồng, hỏi ra mới biết đây là giống xoài Đài Loan mà nhà vườn này đang trồng bị đột biến gen nên ra trái lạ. Khi xoài chín, chủ vườn đã mang cho nhiều người ăn thử, thấy thịt xoài có màu vàng tươi, ít xơ nhiều nước, mùi vị ngọt, thơm, da dày, trái để lâu không úng.
Do không biết nguồn gốc xuất xứ trái xoài từ đâu mà có nên nhiều nông dân, cũng như thương lái mua xoài thấy trái xoài có hình dáng bầu tròn giống trái xoài cát Hòa Lộc, chỉ khác biệt là chỗ phần da trái xoài có màu hồng nên bà con tự đặt tên là “xoài cát hồng”.
Ưu điểm của giống xoài này là thân cây khỏe tốt, khi trồng phát triển nhanh và mạnh, cây có thể cho trái sau 24 tháng trồng và trồng được ở bất cứ thời gian nào trong năm, tốt nhất là vào đầu mùa mưa ở miền Tây, từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch.
Anh Vàng cho biết, xoài cát hồng có thể trồng được trên nhiều loại đất, chỉ cần đất có độ tơi xốp, đường thoát nước tốt không bị ngập úng và không bị nhiễm mặn là có thể trồng được.
Nhận thấy đây là giống xoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời có nhiều ưu điểm hơn so với những giống xoài khác mà anh đang trồng nên từ 1,5ha trồng xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan đang cho trái, anh Vàng thuê mướn người cắt ngọn tỉa cành, rồi ghép thêm bo giống xoài cát hồng vào thân, nhánh cây xoài cát Hòa Lộc, tạo thành 1 cây 3 thứ giống như cát Hòa Lộc, Đài Loan, cát hồng, cả 3 giống đều ra hoa kết trái cùng một lúc. Anh cho biết thêm, với cách cấy ghép này thì cây ghép chỉ 1 năm là cho trái, năng suất trái từ nhánh ghép còn cao hơn cây trồng trực tiếp ở lứa đầu tiên khoảng 3 lần. Trọng lượng trung bình của trái nhỏ nhất cũng đạt 700g, còn trái to, tới trên 2kg.
Từ vài trăm cây xoài giống ban đầu trồng thử nghiệm, giờ thì vườn xoài cát hồng của ông Tùa đã phủ kín hơn 2ha, trong đó hơn 1,5ha xoài đang cho trái.
Dán tem nguồn gốc xuất xứ trên trái xoài
Nhờ áp dụng theo quy trình khoa học kỹ thuật nên năm đầu tiên vườn xoài nhà ông Tùa thu hoạch được hơn 11 tấn trái giống cát hồng, gần 5 tấn trái xoài Đài Loan, thương lái vào tận vườn mua xô xoài Đài Loan giá 15.000 đồng/kg, xoài cát hồng 47.000 đồng/kg; những ngày cận Tết Nguyên đán bán với giá 60.000-70.000 đồng/kg. Kết thúc vụ xoài cát hồng đầu tiên, trừ chi phí, ông Tùa thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.
Với nụ cười mãn nguyện, ông Tùa cho biết: “Nhờ áp dụng mô hình kinh tế ao - vườn, trên cây dưới cá, phụ thêm nghề ươm bán cây giống nên gia đình mỗi năm tích lũy được 500-600 triệu đồng”.
Theo ông Tống Bửu Sơn, Phó trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy, trạm đang lập kế hoạch cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh làm việc với hộ ông Tùa để thực hiện quy trình hỗ trợ dán tem nguồn gốc xuất xứ trên trái xoài cát hồng ông Tùa đang trồng. Đây cũng là cách giúp người tiêu dùng an tâm hơn về nguồn gốc xuất xứ của trái xoài.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.