Chưa được nghiệm thu, công trình Hạ tầng kỹ thuật Khu nghĩa trang xã Thủy Phù (giai đoạn 1), thị xã Hương Thủy đã bộc lộ những hư hỏng. Trước thực trạng này, đại diện chủ đầu tư đã sớm tính đến chuyện trùng tu, sửa chữa!?
Công trình Hạ tầng kỹ thuật Khu nghĩa trang xã Thủy Phù (giai đoạn 1), thị xã Hương Thủy (gọi tắt là công trình Nghĩa trang xã Thủy Phù - PV) được phê duyệt nhằm thực hiện di dời khoảng hơn 3.160 ngôi mộ tại khu vực sân bay Phú Bài phục vụ giải phóng mặt bằng mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài.
Công trình này đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu nghĩa trang xã Thủy Phù (giai đoạn 1), thị xã Hương Thủy theo Quyết định số 2521/QĐ-UBND ngày 30/10/2018 với tổng mức đầu tư là 9.971 triệu đồng.
Theo đó, công trình Nghĩa trang xã Thủy Phù được san nền diện tích 4,89ha tạo mặt bằng để phân khu chức năng theo quy hoạch. Bố trí 3.029 lô mộ, diện tích 3,0m2/mộ. Quyết định số 2521/QĐ-UBND cũng đã phê duyệt quy mô đầu tư và phương án xây dựng đối với các mục giao thông, thoát nước…
Đến ngày 14/3/2019 Hợp đồng thi công xây dựng của gói thầu số 8: Toàn bộ phần xây lắp công trình: Hạ tầng kỹ thuật Khu nghĩa trang xã Thủy Phù (giai đoạn 1), thị xã Hương Thủy đã được ký kết giữa Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Thủy (Chủ đầu tư) và Công ty TNHH MTV Xây dựng Tuấn Nguyên (Bên nhận thầu).
Theo đại diện của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Thủy, hiện tại các hạng mục xây lắp tại công trình Nghĩa trang xã Thủy Phù đã hoàn thành và đơn vị đang tiến hành các thủ tục để nghiệm thu.
Vậy nhưng, theo ghi nhận, tại công trình Nghĩa trang xã Thủy Phù nhiều dấu hiệu hư hỏng đã xuất hiện.
Cụ thể, tuyến đường trục chính khu nghĩa trang có kết cấu bê tông xi măng M300, dày 25 cm và đường đi bộ có kết cấu vữa bê tông đá 2 x 4, M150 đã xuất hiện hàng loạt vết nứt.
Bên cạnh đó, dường như hệ thống thoát nước với cống tròn D1000 cũng như những mương đất, gia cố có tấm bê tông xi măng M150 dường như không phát huy tác dụng khiến nhiều điểm trong Nghĩa trang xã Thủy Phù đã xuất hiện xói mòn, sạt lở… Nghiêm trọng hơn, có điểm sạt lở sâu vào lòng đường bê tông và tạo thành “hàm ếch”.
Trao đổi với PV, đại diện chủ đầu tư cho biết, đơn vị đã nắm bắt được thông tin.
Về hiện tượng rạn nứt bê tông ở đây, vị đại diện của chủ đầu tư xác nhận tại công trình Nghĩa trang xã Thủy Phù có tồn tại điều này và qua quan sát bằng mắt thường thì thấy đó là những vết nứt chân chim trên bề mặt do co ngót bê tông gây ra.
Tuy nhiên, sau khi xem những hình ảnh do PV ghi lại, vị đại diện chủ đầu tư nhanh chóng cho rằng đây là do xe tải tham gia thi công công trình cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi vào gây nên.
Không lâu sau đó khi biết rằng hiện tượng rạn nứt bê tông đang được đề cập đến nằm trong khuôn viên Nghĩa trang xã Thủy Phù, người này lại cho hay do các xe vận tải chở vật liệu xây dựng vào thi công công trình do UBND xã Thủy Phù là chủ đầu tư gây nên…
Về việc xói mòn, sạt lở trong khuôn viên Nghĩa trang xã Thủy Phù, đại diện chủ đầu tư cho rằng, đó là do những ngày vừa qua tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa gây nên.
Ông này cho biết thêm, do ít vốn nên công trình không thể thực hiện được các tuyến bờ kè hạn chế xói mòn, sạt lở; cùng với đó giả định, nếu các ngôi mộ được xây dựng lên thì sẽ hạn chế được sức mạnh của dòng chảy khi trời mưa và sẽ không còn xói mòn, sạt lở nữa…
Bên cạnh đó, đại diện chủ đầu tư cho hay, “sau này nếu mà tiếp tục bị sạt lở thì bên thị xã có nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên”.
Liên quan đến những tồn tại nêu trên, vị đại diện của chủ đầu tư công trình Nghĩa trang xã Thủy Phù khẳng định, sẽ yêu cầu đơn vị thi công khắc phục trước khi nghiệm thu công trình.
Được biết, trong quá trình thi công công trình Nghĩa trang xã Thủy Phù nói trên, vốn đầu tư đã được điều chỉnh tăng lên hơn 1 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên trên 10 tỷ đồng.
Với những diễn tiến đã nêu, ngoài băn khoăn về chất lượng công trình, dư luận có quyền hoài nghi: liệu rằng các đơn vị liên quan đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư? Đã thi công nghiêm túc theo thiết kế, phê duyệt kỹ thuật đề ra ban đầu?...
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.