Nhờ ứng dụng CN thông minh trong chăn nuôi gà đẻ ấp trứng mà năng suất, chất lượng con giống được nâng lên, gia đình anh Phạm Văn Trường xóm Tiến Bộ, xã Dương Thành (Phú Bình - Thái Nguyên) tiết kiệm tối đa thời gian, sức lao động trong từng công đoạn.
Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế rõ rệt với doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Bứt phá nhờ số hóa
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Bình, có rất nhiều hộ chăn nuôi gia cầm quy mô lớn. Trong số đó, gia đình anh Phạm Văn Trường là một trong những hộ có quy mô chăn nuôi gà đẻ lớn tại địa phương.
Ngoài chăn nuôi gà đẻ để bán trứng, gia đình anh còn đầu tư thêm 17 lò ấp trứng để bán con giống với số lượng xuất bán ra thị trường khoảng 1 triệu con giống mỗi năm.
Anh Trường cho biết: Trước đây, gia đình chủ yếu đi thu mua trứng gà từ khắp các nơi về để ấp nở con giống. Ban đầu chỉ có 5 lò ấp với công suất khoảng 1,9 vạn trứng/lần ấp. Đến nay, anh đã đầu tư và phát triển số lượng lên 17 lò ấp.
Nhằm chủ động về nguồn trứng đầu vào cũng như đảm bảo chất lượng trứng ấp, năm 2008, gia đình anh bắt đầu tập trung vào chăn nuôi gà bố mẹ với số lượng khoảng 2.000 con. Đến nay, gia đình anh có khoảng 20.000 gà mái đẻ.
Trung bình mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường trên 1 triệu con giống với giá bán bình quân 7.000 đồng/con, trung bình thu lãi khoảng 1.000 đồng/quả trứng.
Theo anh Trường, ban đầu, việc ấp nở con giống, gia đình áp dụng phương pháp thủ công như ấp trứng gà bằng thóc với quy mô nhỏ lẻ và hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó, anh đã tìm hiểu và áp dụng phương pháp ấp nở con giống bằng lò ấp hiện đại. Để đảm bảo chất lượng con giống, anh sử dụng các thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống điện chiếu sáng. Tuy nhiên, theo anh Trường tính toán, nếu để lần lượt bật và tắt tất cả các thiết bị đó thì sẽ mất rất nhiều thời gian và tốn nhiều chi phí nhân công.
Do đó, để tiết kiệm thời gian, chi phí trong chăn nuôi và sản xuất con giống gia cầm, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong quá trình chăn nuôi, anh Trường tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ trong quản lý và phát triển chăn nuôi. Việc ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất đã giúp gia đình anh tiết kiệm chi phí về nhân công, đồng thời, quản lý quá trình sản xuất được tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng con giống, tránh được rủi ro, thiệt hại về kinh tế.
Mạnh dạn thay đổi để thích ứng
Cùng với sự phát triển của nông nghiệp số trong cả nước, anh Trường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thay đổi phương thức sản xuất. Qua đó, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường.
Khởi điểm, anh Trường lên mạng tìm hiểu cách kết nối toàn bộ các thiết bị điện, hệ thống lò ấp nở trứng gia cầm trong trang trại với chiếc điện thoại thông minh để có thể chủ động điều khiển toàn bộ quy trình sản xuất ở bất cứ đâu, chỉ cần có mạng wifi hoặc 3G, 4G.
Năm 2017, anh Trường đã kết nối thành công hàng trăm thiết bị điện, máy đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong trang trại chỉ với chiếc điện thoại thông minh của mình. Nhờ đó, anh đã tiết kiệm được nhiều thời gian trong quy trình chăm sóc gà mái đẻ mà vẫn đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng chăn nuôi cũng như nhiệt độ của các máy ấp nở chính xác ở mức gần như tuyệt đối.
Ngoài ra, anh còn cài đặt chế độ hẹn giờ cho các thiết bị đo nhiệt độ, ánh sáng để tự động bật, tắt phù hợp với số ngày tuổi của gà giúp con gà tránh được những rủi ro xấu từ môi trường xung quanh.
Để đường truyền internet luôn ổn định mà không bị ngắt quãng, anh Trường đã kết nối sóng wifi cho toàn bộ 6.000m2 trang trại gà đẻ của mình. Cùng với đó, các phần mềm đo cường độ ánh sáng, nhiệt độ cũng được cài đặt trên điện thoại để có thể kiểm soát được thiết bị nào đang bật, thiết bị nào đã tắt, theo dõi được nhiệt độ lò ấp trứng là bao nhiêu để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Hiện, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Trường được xây dựng đồng bộ, khép kín với đầy đủ hệ thống quạt gió, hệ thống hút mùi và điện chiếu sáng.
Trong đó, công nghệ hiện đại nhất phải kể đến là hệ thống bạt chắn. Đây là bước đột phá trong quy trình xây dựng chuồng trại, đặc biệt đối với trang trại nuôi gà công nghiệp như hiện nay. Hệ thống này được anh Trường lắp đặt hệ thống điều khiển hoàn toàn có thể mở ra, đóng vào một cách tự động thông qua hệ thống điều khiển bằng điện thoại, tạo điều kiện thuận lợi cho gà sinh trưởng cũng như sinh sản tốt hơn, đồng thời tạo môi trường sống an toàn cho con gà.
Nhờ hàng loạt ứng dụng công nghệ thông minh nói trên, nên dù quy mô trang trại và số lượng gia cầm lớn hàng chục nghìn con như hiện nay nhưng gia đình anh Trường chỉ phải thuê 5 lao động trực tiếp tham gia sản xuất.
Với những ứng dụng thông minh đó, trung bình mỗi tháng, gia đình anh Trường tiết kiệm được đáng kể chi phí tiền điện, đồng thời chất lượng con giống gia cầm cũng được nâng lên.
Với quy mô sản xuất, chăn nuôi và ấp nở trứng gia cầm như hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình anh Trường có thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.