Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 9 năm 2021 | 10:53

Vắc xin để sống chung an toàn với Covid-19: Ý thức của mỗi người

Kết quả chống dịch bước đầu đạt kết quả nhất định: vùng xanh dần mở rộng, vùng cam và vùng đỏ thu hẹp dần, số người được tiêm vắcxin và số người được chữa khỏi tăng hằng ngày, số ca tử vong giảm rõ rệt,…

Đợt dịch Covid-19 thứ tư (từ 27/4/2021 đến nay), biến thể Delta với độc lực mạnh, thời gian ủ ngắn, dễ lây lan, tấn công âm thầm (Người bệnh gần như không có triệu chứng. Khi phát hiện, bệnh đã khá nặng). đã lan vào các khu công nghiệp, đặc biệt ở TP. Hồ Chí Minh và 18 tỉnh khu vực Đông và Tây Nam Bộ - vùng kinh tế trọng điểm cả công nghiệp và nông nghiệp. Để ngăn chặn dịch, chúng ta đã chủ động thực hiện giãn cách và giãn cách xã hội tăng cường trên diện rộng, thời gian dài. Bước đầu đã đạt những kết quả nhất định: vùng xanh dần mở rộng, vùng cam và vùng đỏ thu hẹp dần, số người được tiêm vắcxin và số người được chữa khỏi tăng hằng ngày, số ca tử vong giảm rõ rệt,… 

Mặc dù vậy, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng  đến đời sống nhân dân và gây thiệt hại nặng nề đến  kinh tế - xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nếu khống chế được dịch trong tháng 9/2021, nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới từ quý IV/2021 thì tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 3,5-4,0% (chỉ tiêu Quốc hội thông qua là 6%).  Ông cho biết thêm, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước) có thể tăng trưởng  - 0,13% so với kế hoạch cho cả vùng là 6,2-6,5%. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, có khoảng 85.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp khó đáp ứng được đơn hàng với đối tác, chuỗi sản xuất cung ứng một số ngành hàng đình trệ,…

Trên cơ sở phân tích khoa học diễn biến của dịch bệnh trên thế giới và trong nước, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chốnh dịch Covid-19 nhấn mạnh tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 địa phương sáng 29/8: Phải xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh, phải xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải thích ứng và có cách làm phù hợp... Trong bối cảnh dịch Covid-19 biến đổi phức tạp, khó lường, chưa thể biết khi nào hết dịch, để “chung sống an toàn” trong dịch bệnh, chỉ có tuân thủ “5K + xét nghiệm diện rộng + đủ vắcxin và thuốc + áp dụng công nghệ + ý thức người dân”. Trên thực tế, đa số người dân đều tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của Ban chỉ đạo và Bộ Y tế.

t2sss.jpgMặc dù thành phố khuyến cáo người dân không ra đường khi không cần thiết, nhưng tình trạng tập trung đông người vẫn xảy ra ở các phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố trung tâm Thủ đô vào tối (21/9). Ảnh: Nam Nguyễn.

 

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít người do thiếu ý thức đã làm cho tình hình dịch bệnh thêm phức tạp. Lấy ví dụ từ Hà Nội, trong khoảng 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với trên 30.880 trường hợp do vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng. Thêm nữa, ngay trong tối 21/9 (Rằm tháng Tám âm lịch – Tết Trung thu), khi Hà Nội chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15, nghĩa là dịch bệnh vẫn còn nguy hiểm thì rất đông người đã đổ ra đường đón Trung thu mà không đảm bảo 5K, vi phạm nghiêm trọng quy định về tập trung đông người. Điều này cho thấy ý thức, trách nhiệm xã hội của một bộ phận người dân còn thấp.

Để ngăn chặn, đẩy lùi dịch  bệnh nhanh nhất, hiệu quả nhất và phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu của năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý công tác truyền thông phải chủ động trong thông tin, truyền thông về phòng chống dịch, hỗ trợ y tế,chính sách an sinh xã hội để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền đã rất nỗ lực, cơ bản làm tốt nhiệm vụ: lượng vắc xin và thuốc chữa Covid-19 ngày càng nhiều, số người được tiêm vắcxin và khỏi bệnh tăng, an sinh xã hội phủ rộng khắp, nhiều phương án tổ chức cuộc sống, sản xuất và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được triển khai,…  Việc còn lại là người dân - chiến sĩ, cần tuân thủ nghiêm mọi quy định của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và chính quyền.

Xã hội chỉ an toàn khi từng cá nhân an toàn. Do đó, ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân sẽ có vai trò rất lớn trong giảm thiểu nguy hiểm cho gia đình và nguy cơ cho cộng đồng. Phòng, chống dịch Covid-19 là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhưng trước hết đó là trách nhiệm của từng cá nhân. Ý thức của mỗi người là vắcxin đặc biệt hữu hiệu trong ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục sản xuất và ổn định xã hội trong trạng thái bình thường mới theo lộ trình phù hợp.

Vắcxin là mấu chốt để khởi động lại cuộc sống và sản xuất nhưng vắcxin Ý thức còn quan trọng hơn vì nó giúp việc tổ chức cuộc sống và sản xuất an toàn trong dịch bệnh.

 

 

 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top