Sau 8 tháng triển khai mô hình cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, cảnh quan, môi trường của bản Vàng Pheo, xã Mường So (Phong Thổ - Lai Châu) đã có nhiều thay đổi; bản vừa sáng, xanh, sạch, đẹp, vừa thân thiện.
Tạo dựng vườn nhà gọn gàng, thu nhập cao
Bản Vàng Pheo hiện có 122 hộ, 498 nhân khẩu, 97% dân số là đồng bào dân tộc Thái trắng. Sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên hầu hết các gia đình đều có mảnh vườn quanh nhà. Có điều, trước đây bà con chưa chú ý nhiều đến việc bố trí, khiến vườn nhiều loại cây tạp, lộn xộn và hiệu quả kinh tế không cao. Nhằm giúp nhân dân làm quen với việc tạo dựng vườn nhà gọn gàng, bố trí khoa học và mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2020, Hội Làm vườn và Hội Nông dân tỉnh Lai Châu triển khai mô hình cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu.
Để mô hình mang lại hiệu quả, các bên liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá chính xác thực trạng vườn hộ; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng vườn mẫu đến người dân. Đặc biệt, nhấn mạnh nội dung mô hình gồm: chỉnh trang vườn, đường vào nhà trồng các loại cây xanh, đảm bảo khoảng cách chuồng trại chăn nuôi đối với nhà ở… Trên cơ sở đó, tổng hợp nhu cầu và chọn 7 hộ tham gia mô hình. Các hộ được chọn có vườn rộng từ 200m2 trở lên, ở gần trục đường chính của bản.
Anh Teo Văn Duyên, Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng bản Vàng Pheo cho biết: “Mỗi hộ tham gia mô hình được tập huấn về khu dân cư mẫu, cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu và được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ để thực hiện. Tháng 7/2020, mô hình chính thức triển khai. Chỉ trong thời gian ngắn, các hộ tham gia mô hình đã chặt hạ xong cây tạp trong vườn (muỗm, mít già cỗi, bụi tre, cây dại...). Một số hộ làm đất trồng rau các loại phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình và bán ra thị trường, tạo thu nhập. 4/7 hộ làm được cổng sắt, 1/7 hộ làm được tường rào bao quanh vườn, nhà (kết hợp xây và quây lưới B40)”.
Cùng với anh Duyên, chúng tôi đến thăm các hộ gia đình tham gia mô hình. Đường vào mỗi gia đình được bêtông hóa, cổng làm khá chắc chắn, đảm bảo an ninh trật tự. Việc giữ gìn vệ sinh chung tốt. Các vườn quy hoạch gọn gàng, thoáng đãng, sạch sẽ. Lối đi trong vườn cũng được xếp gạch ngay ngắn, đẹp mắt, tính ứng dụng cao.
Chị Teo Thị Nơi, một người tham gia mô hình chia sẻ: “Được cán bộ hướng dẫn, gia đình quy hoạch 400m2 vườn thành từng vùng trồng rau và giàn bầu, mướp, đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi tháng, sau khi xuất bán rau ra thị trường, gia đình thu lãi 1 triệu đồng. Từ đó, có thêm kinh phí đầu tư 10 triệu đồng làm cổng, tường rào, đường đi lối lại trong vườn”.
Thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm
Mô hình cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu tại bản Vàng Pheo đã mang lại hiệu quả bước đầu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân. Mô hình giúp các hộ nâng cao hệ số sử dụng đất trên cùng diện tích; cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế, tạo được cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Là một trong những yếu tố làm thay đổi diện mạo nông thôn, thu hút du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm tại bản (năm 2020 có trên 4.000 lượt khách đến bản).
Theo lộ trình, thời gian tới các hộ gia đình tham gia mô hình tiếp tục hoàn thiện làm cổng, tường rào, trồng hoa, cây leo trước và dọc 2 bên cổng, tạo cảnh quan, thân thiện với môi trường. Triển khai trồng đồng loạt cây xoài trong vườn; 100% diện tích áp dụng sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm…
Với bước đi cụ thể, hy vọng mô hình sẽ đạt mục tiêu đề ra và nhân rộng ra toàn bản. Từ đó, giữ được nét đẹp truyền thống của làng quê Việt Nam cũng như thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.