Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 4 năm 2016 | 8:30

Việt Nam sẽ nghiên cứu giống ngô chịu hạn

Đó là khẳng định của PGS.TS. Nguyễn Văn Tuất, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) tại hội nghị 20 năm thương mại hóa cây trồng biến đổi gen trên thế giới và kết quả nổi bật năm 2015 do VAAS phối hợp với Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp (ISAAA) tổ chức.

Ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), so với lịch sử phát triển 20 năm của thế giới, Việt Nam có những bước đi rất thận trọng trong việc đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất. Cho phép đưa vào thử nghiệm từ năm 2014, cây trồng biến đổi gen phải qua 3 cửa thẩm định: Thứ nhất là đánh giá, kiểm tra về an toàn sinh học, thứ hai là đánh giá xem sản phẩm có an toàn để sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không với sự tham gia đánh giá của một hội đồng khoa học có uy tín. Sau khi qua 2 cửa này, các doanh nghiệp phải trải qua khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng rồi mới được phép thương mại hóa. Trong năm 2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công nhận 11 giống ngô biến đổi gen, trong đó có 8 giống của Dekalb và 3 giống của Syngenta.

Mô hình khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen của Dekalb tại Sơn La.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Tuất, Phó giám đốc VAAS, hiện nay, ngô biến đổi gen mới có hai  tính trạng là kháng sâu đục bắp và thuốc trừ cỏ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay, rất cần nghiên cứu những đặc tính gen chịu hạn, mặn. “Từ năm 2013 – 2015, diện tích ngô chịu hạn của thế giới đã tăng 15 lần. Điều đó cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, chúng ta cũng cần tập trung nghiên cứu những giống cây trồng có khả năng này. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã chấp thuận một đề tài nghiên cứu lớn về các đặc tính gen chịu hạn, trong đó tập trung vào cây ngô”, ông Tuất nói.

TS.Paul S.Teng, Chủ tịch ISAAA đánh giá, trong 20 năm qua đánh dấu sự gia tăng toàn cầu về diện tích canh tác cây trồng CNSH, từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên 179,7 triệu ha năm 2015. Sự tăng trưởng gấp 100 lần chỉ trong 20 năm làm cho CNSH trở thành công nghệ cây trồng được áp dụng nhanh nhất trong thời gian gần đây, phản ánh sự hài lòng của người dân đối với các loại cây trồng công nghệ sinh học.

Kể từ năm 1996, 2 tỷ ha đất canh tác - một diện tích lớn hơn gấp đôi so với diện tích đất canh tác của Trung Quốc hay Hoa Kỳ - đã được dùng để canh tác cây trồng CNSH. Ngoài ra, nông dân của 28 quốc gia đã thu về hơn 150 tỷ đô la từ những lợi ích của cây trồng công nghệ sinh học. Điều này đã giúp xóa đói giảm nghèo cho hơn 16,5 triệu tiểu nông và gia đình của họ với khoảng 65 triệu người, là những người nghèo nhất trên thế giới.

“Càng ngày càng có nhiều nông dân ở các nước đang phát triển canh tác cây trồng công nghệ sinh học vì cây trồng CNSH đã được kiểm tra một cách nghiêm ngặt trong việc nâng cao năng suất cây trồng" Clive James, người sáng lập và là chủ tịch danh dự của ISAAA, tác giả của báo cáo ISAAA trong hai thập niên vừa qua cho biết.

Trong bốn năm liên tiếp, các nước đang phát triển đã canh tác cây trồng CNSH nhiều hơn  so với các nước công nghiệp (14,5 triệu ha). Năm 2015, diện tích canh tác cây trồng CNSH ở Mỹ Latin, châu Á và châu Phi đã tăng và đạt 54% tổng diện tích của toàn cầu (97,1 triệu ha /179,7 triệu ha) và trong 28 quốc gia canh tác cây trồng CNSH có tới 20 quốc gia là các nước đang phát triển. Từ năm 1996-2015, có đến 18 triệu nông dân, 90% trong số đó là các hộ nhỏ, nghèo tài nguyên ở các nước đang phát triển, được hưởng lợi từ việc canh tác cây trồng CNSH.

"Trung Quốc là một ví dụ về những lợi ích mà công nghệ sinh học mang lại cho nông dân ở các nước đang phát triển. Từ năm 1997 đến 2014, các giống bông CNSH đã mang lại lợi nhuận khoảng 17,5 tỷ đô la cho nông dân trồng bông ở Trung Quốc, và họ nhận được 1,3 tỷ  đô la chỉ riêng năm 2014", điều phối viên toàn cầu của ISAAA, Randy Hautea giải thích.

Cũng trong năm 2015, Ấn Độ đã trở thành nhà sản xuất bông hàng đầu trên thế giới với đóng góp không nhỏ từ giống bông Bt. Ấn Độ là nước trồng bông CNSH lớn nhất thế giới với 11,6 triệu ha canh tác và 7,7 triệu nông dân năm 2015. Trong các năm 2014 và 2015, 95% cây bông của Ấn Độ là giống biến đổi gen; và ở Trung Quốc là 96% trong năm 2015.

Sau một chặng đường 19 năm tăng trưởng ấn tượng liên tiếp 1996-2014, trong đó có 12 năm tăng trưởng hai con số, diện tích cây trồng CNSH năm 2015 là 179,7 triệu ha, giảm 1% so với năm 2014 (181,5 triệu ha). Sự thay đổi này chủ yếu là do tổng diện tích canh tác cây trồng toàn cầu suy giảm, kết hợp với giá các loại cây trồng hàng hóa thấp trong năm 2015. ISAAA dự đoán rằng tổng diện tích sẽ tăng trở lại khi giá cả nông sản được cải thiện. Ví dụ, Canada đã dự đoán rằng diện tích trồng cải dầu năm 2016 sẽ trở lại với mức cao hơn năm 2014. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến diện tích cây trồng CNSH vào năm 2015 bao gồm hạn hán tàn phá ở Nam Phi, dẫn đến sự sụt giảm tới 23% trong 700.000 ha cây trồng. Hạn hán ở miền Đông và miền Nam châu Phi trong 2015/2016 đã đẩy 15 - 20 triệu người nghèo vào nguy cơ mất an ninh lương thực và buộc Nam Phi, vốn là một nước xuất khẩu ngô, phải nhập khẩu ngô.

Anh Thơ

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

  • Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao.

  • TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 là giống lúa được người sản xuất bún, bánh ở miền Trung rất chuộng. Theo tính toán, 1 kg gạo TBT132 sẽ làm ra hơn 3kg bún tươi, nhiều hơn so với các loại gạo khác từ 10 - 15%.

Top