Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 29 tháng 6 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 năm 2016 | 2:14

Vượt khó vươn lên

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều đơn vị Hội Làm vườn vẫn hoạt động khá hiệu quả, đạt được nhiều thành tích nổi bật.

Hội làm vườn thời gian qua đã góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo.

Được đánh giá là một trong những đơn vị Hội năng động, những năm qua, HLV tỉnh Tiền Giang đã có nhiều cố gắng nhằm duy trì hoạt động, giúp bà con nông dân xóa đói giảm nghèo. Theo đó, Hội vận động hội viên phát triển kinh tế nông hộ theo mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương, tạo ra diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn.

Xây dựng các mô hình sản xuất đạt chất lượng VietGAP

Trên thực tế, tại Tiền Giang, kinh tế vườn mang lại hiệu quả cao gấp 1,8 - 2,2 lần so với trồng lúa 3 vụ/năm. Thông qua thực hiện mô hình kinh tế VAC, nhiều hình thức chuyển đổi phong phú đang được nông dân áp dụng rộng rãi như: chuyển dịch từ đất lúa kém hiệu quả sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; cải tạo vườn tạp sang chuyên canh cây ăn quả đặc sản; xây dựng trang trại VAC…

Để hỗ trợ và giúp nông dân áp dụng thành công mô hình VAC, Tiền Giang đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, khuyến viên, hỗ trợ vốn sản xuất, xây dựng những chương trình, dự án thu hút nguồn vốn trợ giúp trong và ngoài nước như: Dự án tăng cường hệ thống khuyến nông cây có múi cho người nghèo 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long do Nhật Bản tài trợ; dự án trồng thâm canh cây cam, cây thanh long theo hướng GAP do Trung ương HLV Việt Nam tài trợ. Trong thời gian qua, dự án trên đã giúp nông hộ trồng cam đạt thu nhập 170 triệu đồng/ha, hộ trồng thanh long đạt thu nhập 110 triệu đồng/ha.

Hiện, toàn tỉnh Tiền Giang có gần 2.000 hộ áp dụng mô hình VAC đạt hiệu quả cao với thu nhập từ 50 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/hộ/năm.

Bà Trần Thanh Phong, Phó chủ tịch Thường trực HLV tỉnh Tiền Giang, cho biết, tất cả các thành viên trong Ban chấp hành Hội đều kiêm nhiệm (21 người). Kinh phí hoạt động của Hội chủ yếu từ nguồn của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang hỗ trợ với mức khiêm tốn khoảng 100 triệu đồng/năm. Để hoạt động hiệu quả, Hội dựa vào kinh phí từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đồng thời, huy động kinh phí từ nhiều nguồn khác để đảm bảo hoàn thành kế hoạch do Trung ương Hội giao. “Ngoài ra, chúng tôi có những dự án về phát triển kinh tế vườn, xây dựng các mô hình sản xuất đạt chất lượng VietGAP, liên kết tiêu thụ, từ đó góp phần đem lại nguồn thu khá lớn”, bà Phong cho biết.

Theo bà Phong, khó khăn lớn nhất của HLV tỉnh Tiền Giang trong hoạt động là không có cán bộ chuyên trách, chủ yếu là kiêm nhiệm.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch trong thời gian tới, bà Phong đề xuất, bên cạnh việc phải tăng cán bộ chuyên trách cho tổ chức, UBND tỉnh Tiền Giang cần cấp thêm kinh phí cho hoạt động Hội để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế vườn của tỉnh.

Đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC

HLV và Trang trại tỉnh Thanh Hóa cũng là đơn vị luôn chủ động, tích cực triển khai các phong trào phát triển kinh tế VAC. Ông Lôi Xuân Len, Chủ tịch Hội, cho biết,  thời gian qua, HLV&TT Thanh Hóa đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục nhân rộng và phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, các dự án khoa học công nghệ, dự án khuyến nông. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật với 2.000 lượt người tham gia; trồng mới hơn 25.000 trụ thanh long, hơn 50ha gấc, gần 80ha cây ăn quả các loại… Tiếp tục di ương sản xuất và cung cấp các loại giống cá lóc, cá rô đầu vuông; xây dựng thêm hàng chục mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học; tiếp tục xây dựng mô hình làm hầm biogas composite; triển khai các dự án khuyến nông như xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học tại Đông Sơn được 25ha; triển khai sản xuất mạ khay máy cấy… Ngoài ra, Hội còn tiếp tục tăng cường phối hợp liên kết với các ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo nguồn lực phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại. “Hội sẽ tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương, tổ chức cho hội viên hình thành các mối liên kết phát triển cây thanh long ruột đỏ. Kiến nghị để ngành nông nghiệp và UBND tỉnh ban hành đề án, dự án về cây ăn quả, trong đó có thanh long, giúp các địa phương đầu tư phát triển loại cây triển vọng này”, ông Len nói.

Cảnh - Trang (ghi)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top