Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 1 năm 2016 | 1:54

Xây dựng khu nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao ở Bạc Liêu: Xu thế tất yếu

Bạc Liêu cơ bản là tỉnh nông nghiệp, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó nuôi trồng và đánh bắt thủy sản đóng vai trò quan trọng. Đánh giá được tầm quan trọng và thế mạnh nuôi trồng thủy sản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, năm 2012, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê quyệt Quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu cụ thể là chuyển dịch cơ cấu tổng sản phẩm nội ngành nông, lâm, thủy sản theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành thủy sản đến năm 2020 đạt 80,54%, định hướng đến năm 2030 đạt 81,55%.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín tại Công ty Việt Úc – Bạc Liêu.

Năm 2014, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Bạc Liêu đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, đề ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu tổng sản phẩm nội ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng duy trì mức tăng trưởng ổn định ngành thủy sản. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) cũng đề ra một trong những nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện là xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, kiến nghị Chính phủ đưa vào quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hình thành một số vùng nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín.

Thực hiện chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh, hiện nay Bạc Liêu đã xây dựng và hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung khoảng 125.000 ha. Phương pháp nuôi có nhiều cải tiến, nhiều mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao được áp dụng như nuôi tôm trong nhà kín, nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ biofloc,… nhưng số lượng áp dụng còn chiếm tỷ lệ thấp. Đa phần các hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn theo hướng truyền thống, không áp dụng công nghệ tiên tiến.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế do các nguyên nhân khách quan, chủ quan như: việc tổ chức quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa được thực hiện nghiêm túc, sản xuất nhiều loại sản phẩm nhưng lại manh mún, chưa gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Song song đó, thời gian qua, tình hình nuôi tôm nước lợ của tỉnh Bạc Liêu diễn ra trong bối cảnh thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa, nguồn nước ô nhiễm làm cho các bệnh đốm trắng, phân trắng, đặc biệt là hoại tử gan tụy bùng phát trên diện rộng, khiến tôm chết, giảm sản lượng thu hoạch và gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi. Ngoài ra, hoạt động nuôi trồng thủy sản còn đối mặt với nhiều áp lực khác như: kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng phát triển chưa đồng bộ. Tình trạng kinh doanh tôm giống kém chất lượng, trốn tránh kiểm dịch, bán trôi nổi trên thị trường vẫn thường xuyên xảy ra. Hoạt động kinh doanh thuốc thú y thủy sản, thức ăn nuôi tôm, chế phẩm sinh học, chất cải tạo môi trường sử dụng trong nuôi trồng thủy sản kém chất lượng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và định hướng phát triển thủy sản của tỉnh Bạc Liêu, việc xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ giảm tổn thất trong nuôi trồng thủy sản là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển hiện nay.

Khu nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao sẽ là nơi trình diễn các mô hình nuôi thủy sản năng suất cao và sạch bệnh dựa trên các thiết bị tiên tiến và sử dụng công nghệ vi sinh, hệ thống nuôi sinh học, khép kín… Đây cũng là nơi có khả năng tổ chức thực nghiệm và triển khai các nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản. Bên cạnh đó, khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao còn trở thành cầu nối giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu, các trường đại học, trường học với công tác nghiên cứu, quản lý bảo vệ hệ sinh thái nước lợ-mặn ở tỉnh Bạc Liêu, là nơi ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản ứng dụng công nghệ cao, đồng thời thu hút và quy tụ các nguồn lực, năng lực công nghệ cao trong thủy sản vào khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao với đầy đủ điều kiện thích hợp để du nhập, tiếp thu và thích nghi, sáng tạo công nghệ cao trong và ngoài nước.

Sở Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top