Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2019 | 14:43

XD bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Giải pháp nâng tầm bưởi Năm Roi Bình Minh

Là loại trái cây mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, nhiều năm qua, bưởi Năm Roi Bình Minh luôn được nhà vườn TX. Bình Minh (Vĩnh Long) chú trọng đầu tư phát triển, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở.

Tuy nhiên, việc phát triển cây bưởi trên địa bàn còn nhiều việc phải làm.

 

tr4t.jpg
Vườn bưởi Năm Roi  (3 công) của gia đình ông Lê Văn Nhanh ở ấp Mỹ Phước 2 (xã Mỹ Hòa), cho thu khoảng 25 tấn năm Ảnh Nguyên Nhân.

 

Yêu cầu cấp thiết

Ông Nguyễn Văn Dân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TX. Bình Minh, cho biết: TX. Bình Minh có diện tích trồng bưởi Năm Roi trên 2.000ha, ở 2 xã Mỹ Hòa và Đông Thành, cung cấp cho thị trường 24.000 tấn bưởi/năm.

So với các loại cây trồng khác, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi Năm Roi mang lại luôn cao và ổn định. Với năng suất bình quân 30 tấn/ha, giá bán trong các năm qua luôn ổn định, thu nhập của nhà vườn từ cây bưởi cao gấp 7- 9 lần so với trồng lúa. Điều này giúp người trồng bưởi yên tâm đầu tư sản xuất.

Theo ông Dân, thị xã cơ bản đã hình thành vùng nguyên liệu bưởi Năm Roi tập trung, quy mô lớn, phù hợp với quy hoạch của tỉnh.

Hệ thống giao thông vận chuyển mua bán sản phẩm bưởi dễ dàng, thuận tiện cả đường thủy lẫn đường bộ. “Đây là điều kiện thuận lợi so với các vùng trồng bưởi khác. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, bưởi Năm Roi Bình Minh chưa xảy ra tình trạng “thừa hàng, ế chợ” hay trúng mùa, mất giá”.

Thời gian qua, để hỗ trợ phát triển  bưởi Năm Roi, các dự án hỗ trợ đầu tư của tỉnh Vĩnh Long đã có sự chuyển hướng tích cực từ việc chỉ tập trung nâng cao năng suất, phòng trừ dịch bệnh chuyển dần sang nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Cụ thể, tập trung về mặt xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu, xây dựng nhãn hiệu và các tiêu chuẩn sản xuất an toàn GlobalGAP, VietGAP, hiệu quả mang lại rất khả quan, giá bán luôn cao hơn bên ngoài, được nông dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, việc phát triển cây bưởi trên địa bàn thị xã chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, sức cạnh tranh còn yếu, sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị chưa chặt chẽ.

Dù đã hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn nhưng quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu, điều này gây khó khăn khi cần áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác thống nhất để tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, mẫu mã.

Bên cạnh đó, theo Sở Khoa học- Công nghệ, công tác quản lý và phát triển chưa tốt, hầu hết các loại bưởi từ nhà vườn được thương lái “gắn mác” bưởi Năm Roi Mỹ Hòa hoặc bưởi Năm Roi Bình Minh.

Lợi dụng sự khó nhận biết, một số cơ sở thu mua đã trà trộn bưởi trồng ở các nơi khác, thậm chí móc nối với nhà vườn đánh đồng các loại nông sản trôi nổi với bưởi Năm Roi Bình Minh và đẩy giá bưởi lên cao.

Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển sản phẩm, giữ vững và nâng cao thương hiệu bưởi Năm Roi Bình Minh trên thị trường, cần có sự vào cuộc quyết liệt và sự hỗ trợ của các cấp, ngành. Trong đó, việc thực hiện dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh của tỉnh là yêu cầu cấp thiết.

Nâng tầm và phát huy danh tiếng

Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay, yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc ngày càng cao nên  nông sản cần có chỉ dẫn địa lý. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Long đã triển khai Dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh cho các hộ dân trồng bưởi trên địa bàn thị xã.

Ông Nguyễn Trọng Danh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Long, cho hay: “Mục tiêu của dự án là thiết lập và vận hành được mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, góp phần đảm bảo chất lượng, phát huy danh tiếng của sản phẩm.

Đồng thời, kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm bưởi Năm Roi, bảo vệ giá trị thương hiệu không thể nhầm lẫn với các sản phẩm khác của các vùng miền khác, bởi bưởi Năm Roi Bình Minh có đặc trưng ngọt thanh, không hạt, vỏ múi tróc. Do đó, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là rất quý”.

Ông Nguyễn Thành Chua, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa), cho rằng: “Chỉ dẫn địa lý cũng được xem là công cụ quan trọng cung cấp sự bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng, khách hàng sẽ tin tưởng hơn. Từ đó, thị trường tiêu thụ cũng sẽ  mở rộng hơn, “tiếng thơm” bưởi Năm Roi Bình Minh sẽ đi xa hơn”.

Có thể thấy, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản địa phương đang là hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị hàng hóa trong nước, mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài. 

 

 

Thảo Nguyên
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top