Người dân bức xúc khi phải gánh chịu ô nhiễm không khí và nguy cơ tai nạn do đường sá bị hư hại khi hàng chục, hàng trăm lượt xe chở bê tông ra vào tuyến đường này. Đặc biệt, tình trạng này thường xuất hiện ở những khu vực nông thôn...
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Người dân tổ dân phố 2 và 3 thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, nhiều năm nay hoạt động khai thác mỏ đá ở đây diễn ra rầm rộ, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải có tải trọng lớn vào ra vận chuyển đá phá nát đường liên xã làm mất an toàn giao thông, không những vậy bụi mù mịt gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Được biết, đoạn đường trên có khoảng 1 km bị hư hỏng nghiêm trọng, mặt đường bị cày xới, chỉ còn đất đá lổm nhổm, xuất hiện dày đặc “nhiều ổ gà, ổ voi”. Người dân cho biết, ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì nước ngập cả một đoạn đường dài, khiến cho giao thông nơi đây vô cùng phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Là tuyến đường vốn đã xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp. Thế nhưng mỗi ngày còn phải “cõng” hàng trăm lượt xe trọng tải lớn ra vào các mỏ đá, khiến mặt đường hư hỏng hoàn toàn. Trong đó, điển hình nhất là đoạn từ tổ dân phố 3, thị trấn Lệ Ninh nối ra Quốc lộ 9B.
Đây cũng là tuyến đường ngắn nhất để cho các em học sinh thuận tiện trong việc đến trường. Thế nhưng, việc xe ra vào các mỏ đá với mật độ dày đặc và lưu thông với tốc độ nhanh khiến cho con đường đến trường của các em tại tổ dân phố 3 Lệ Ninh trở nên vất vả hơn. Đó cũng là nỗi bất an của rất nhiều phụ huynh.
“Hiện tại là thời điểm các cháu nghỉ dịch Covid-19, rồi nghỉ hè chứ bình thường, các cháu cứ nối nhau cả đoàn đi học trên tuyến đường này. Các cháu phải rất vất vả để quan sát và lưu thông, bởi đường thì hẹp, mỗi lần xe tải cỡ lớn chở đá lưu thông qua là phải nép sát bên lề đường, đợi một lúc cho hết bụi mới có thể tiếp tục đi.
Chúng tôi cũng đã đề nghị nên cấm xe tải chở đá vào các giờ cao điểm để người dân và đặc biệt là các em học sinh đi lại cho an toàn. Về lâu dài phải có kế hoạch để nâng cấp, sửa chữa lại tuyến đường mới bảo đảm được sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân”, chị Nguyễn Thị Duyên, phụ huynh sống dọc tuyến đường này cho biết.
Theo tìm hiểu, các phương tiện đang ngày ngày lưu thông qua tuyến đường liên xã đoạn qua thị trấn Lệ Ninh để vận chuyển vật liệu xây dựng từ 5 mỏ đá thuộc xã Ngân Thủy ra ngoài.
Thời điểm này, hoạt động khai thác mỏ đá ở đây diễn ra rầm rộ và quy mô. Điều này đồng nghĩa với việc người dân hằng ngày phải chịu cảnh sống chung với bụi đất và nỗi lo thường trực mỗi khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.
Bà Trương Thị Hiệu (63 tuổi), trú tổ dân phố 2, thị trấn Nông trường Lệ Ninh cho biết, không chỉ bà mà hàng trăm hộ dân nơi đây đều bức xúc vì tuyến đường bị các loại xe cỡ lớn ra vào mỏ đá phá nát.
Ở các cuộc tiếp xúc cử tri, bà và một số hộ dân cũng đã có ý kiến phản ánh và đề nghị chính quyền địa phương giải quyết. Thế nhưng, các động thái của chính quyền và ngành chức năng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Suốt nhiều năm qua, người dân vẫn phải sống chung với ô nhiễm môi trường và nguy hiểm rình rập.
Bà Hiệu cho biết: “Xe tải chở đá thì cứ chạy ầm ầm cả ngày, bụi mù mịt, toàn xe lớn lấn hết đường. Tui đạp xe về thị trấn mà cứ vài trăm mét lại phải dừng nép sát bên đường vì sợ. Đi đường vòng thì xa, mà đi tuyến đường này về thì áo quần lấm lem vì bụi. Dân chúng tôi đã đề nghị nhiều lần nhưng tình trạng trên vẫn cứ xảy ra”.
Ông Phạm Minh Điền - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Lệ Ninh cho biết: “Chính quyền địa phương đã nhiều lần mời các chủ mỏ đá họp, bàn phương án giải quyết, cam kết tu sửa. Phía các chủ mỏ đá cũng đã tiến hành tu sửa, nhưng chỉ làm qua loa, đối phó, bởi mỏ đá thuộc địa giới hành chính của xã Ngân Thủy.
Chính quyền thị trấn Nông trường Lệ Ninh đã có văn bản đề nghị huyện Lệ Thủy vào cuộc giải quyết những bức xúc của người dân cũng như giao cho các đơn vị mỏ đá phải cam kết rõ ràng thì mới cho phép xe lưu thông trên tuyến đường này”.
Ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết đã nắm được những phản ánh cũng như nhận được báo cáo từ UBND thị trấn Nông trường Lệ Ninh về vấn đề nêu trên. Ông cho biết, ngay trong tuần tới, huyện Lệ Thủy sẽ lập đoàn công tác, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra giao thông và CSGT trực tiếp lên khu vực khai thác mỏ đá để kiểm tra và xử lý.
Đoàn xe cố thủ không chấp hành cân tải trọng
Mới đây, lực lượng thanh tra giao thông và Đội giao thông công an huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã tiến hành cân tải trọng đối với đoàn 10 xe đầu kéo, rơ - mooc vận chuyển cát lưu thông tại tuyến đường ĐT183 thuộc thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang (Hà Giang).
Ông Đàm Quốc Tuấn, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông và Vận tải cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết những chiếc xe này đều vi phạm vượt quá từ 150% đến hơn 300% tải trọng được phép. Hiện nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản, hoàn thiện thủ tục xử lý theo quy định.
Trước đó, khoảng 17h ngày 2/7, trong quá trình tuần tra trên tuyến ĐT 183, thuộc tổ dân phố Tân Long, thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, đội đã phát hiện 10 xe có hiện tượng cơi nới, quá khổ quá tải lưu thông. Các xe trên đều là xe đầu kéo, kéo theo rơ - moóc vận chuyển cát chạy từ địa phận tỉnh Yên Bái vào thị trấn Vĩnh Tuy.
Khi được yêu cầu cho xe lên cân tải lưu động của tổ công tác, các lái xe đều không chấp hành, bỏ lên xe đóng cửa cố thủ. Lực lượng chức năng đã nhiều lần yêu cầu lái xe chấp hành nhưng đều không nhận được sự hợp tác. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, sau gần 1 ngày cố thủ không chấp hành, 10 lái xe đầu kéo trên mới chấp hành, cho xe di chuyển lên cân tải.
Theo quy định, Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải có tỉ lệ quá tải trên 150% sẽ bị xử phạt 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng
Ngoài ra, khi xe vượt quá tải trọng cho phép, không chỉ người điều khiển xe mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt. Cụ thể, xe có tỉ lệ quá tải trên 150%, đối với cá nhân sẽ bị xử phạt từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; đối với tổ chức sẽ bị xử phạt từ 36.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; kèm theo hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 đến 5 tháng.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.