Từ giữa tháng 3 cho tới nay, khách mua hàng từ thị trường Mỹ và châu Âu (EU) đã thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng và giãn đơn hàng đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam, khiến các doanh nghiệp này sụt giảm 80% đơn hàng.
Doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang gặp khó vì dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, 5 thị trường xuất khẩu chính gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm tới trên 90% thị phần xuất khẩu có diễn biến phức tạp bởi dịch Covid-19, hiện đang thực hiện lệnh phong tỏa khiến các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ Việt Nam liên tiếp nhận được các thông báo hủy đặt hàng, giãn đơn hàng trong thời gian gần đây.
Cụ thể, theo báo cáo sơ bộ từ các hiệp hội gỗ địa phương và các DN chế biến gỗ, từ giữa tháng 3 cho tới nay đã có trên 80% các nhà mua hàng xuất sang thị trường Mỹ đã thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng. Tại thị trường EU, 81% DN cũng đã nhận được thông báo hủy đơn và và giãn đơn hàng.
Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng giảm từ 60-80%; trong khi đó, 96% DN có quan hệ vay vốn ngân hàng và chịu áp lực về lãi vay cũng như thời gian trả nợ.
Trong khi các thị trường trọng điểm liên tiếp có các tín hiệu không lạc quan, để duy trì các đơn hàng còn lại, đơn hàng nhỏ lẻ, các DN còn phải đối mặt với việc giá gỗ nguyên liệu tăng cao từ 10-20 USD/m3 gỗ nguyên liệu.
Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt DN chế biến gỗ tại Việt Nam sẽ phải ngưng hoạt động, hàng nghìn người lao động không có việc làm, khả năng nhiều DN bị phá sản nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Không chỉ gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh với khách hàng khi đề nghị chậm giao hàng, chậm thanh toán, các DN ngành gỗ cũng cho biết, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến sự sinh tồn của DN lúc này là các hợp đồng tín dụng đến hạn vào khoảng tháng 4-6/2020 đang không biết trông vào đâu để trả nợ. Việc này cần phải giải quyết ngay, phải thỏa thuận với ngân hàng nếu không sẽ mất khả năng thanh toán./.