Hiện nay, cơ quan chức năng đang lập dự án "hồi sinh" cho nhiều kênh rạch đang bị ô nhiễm nặng mà phần lớn do con người gây ra.
1.001 lý do gây ô nhiễm dòng chảy
TP.HCM có dân số hơn chục triệu người, mỗi ngày có hàng chục ngàn tấn rác thải nhưng khâu xử lý hiện nay phần lớn là chôn lấp, lâu ngày hẳn sẽ tác hại đến môi trường. Có thể nói xả rác bừa bãi đã trở thành thói quen xấu của nhiều người.
Đủ các loại rác thải ra môi trường ở nội thành lẫn ngoại thành, như vứt rác, xà bần và những đồ gia dụng bị hư hỏng không còn dùng như chăn màn, giường tủ, bàn ghế. Đêm khuya đổ trộm phế thải xây dựng, phế liệu xuống sông, kênh, rạch, ao, hồ.
Thậm chí, còn thải ra môi trường nước các loại rác thải điện tử như máy in, máy vi tính, điện thoại, nhựa...
Bên cạnh rác sinh hoạt thì vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất xả nước thải trái phép chưa qua xử lý hoặc có hệ thống xử lý nhưng chỉ để đối phó khi có cơ quan chức năng kiểm tra. Chừng nào mức xử phạt còn thấp hơn chi phí bỏ ra xử lý chất thải thì vẫn còn tình trạng xả thải gây ô nhiễm, vi phạm bảo vệ môi trường.
Rác làm ô nhiễm nguồn nước khiến cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chết hàng loạt
Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, việc vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm hằng ngày nhưng cũng chỉ cải thiện được một phần tình trạng ô nhiễm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cá trên dòng kênh này chết hàng loạt trong thời gian qua, nhất là vào đầu mùa mưa.
Lý giải tình trạng tái ô nhiễm các dòng kênh, giới chuyên môn cho rằng đó là hệ quả tất yếu của việc chưa xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra môi trường. Cụ thể, tuyến cống bao dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 1) đã được hoàn thành với dự kiến thu gom toàn bộ lượng nước thải của khoảng bảy quận ven kênh.
Tương tự, đối với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, nhà máy Bình Hưng (giai đoạn 1) mới chỉ xử lý nước thải cho lưu vực 1.000ha tại các quận 1, 3, 5 và một phần quận 10, 11. Còn lưu vực rộng 2.000ha thuộc các quận 6, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh vẫn phải chờ triển khai giai đoạn tiếp theo.
Dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng chưa có nhà máy xử lý nước thải, do đó phần lớn nước thải sinh hoạt từ các hộ dân dọc các kênh này đều đổ trực tiếp ra kênh gây ô nhiễm.
Giải bài toán thu gom, xử lý nước thải
Thực tế cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xử lý nước thải kém hiệu quả là do đầu tư không đồng bộ. Có nơi xây xong hệ thống cống bao thu gom thì chưa xây xong nhà máy xử lý nước thải (như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), có nơi xây xong nhà máy xử lý nước thải thì lại chưa có hệ thống cống bao thu gom và chuyển tải nước thải về nhà máy (dự án Tham Lương - Bến Cát).
Theo quy hoạch, ở 12 lưu vực thoát nước sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải, nhưng đến nay chỉ có ba nhà máy được xây xong và hoạt động chưa hết công suất bao gồm: Bình Hưng (công suất 141.000m3/ngày), Bình Hưng Hòa (30.000m3/ngày) và Tham Lương - Bến Cát (15.000m3/ngày). Ngoài ra, còn có một số trạm xử lý nước thải phân tán của khu dân cư. Với các nhà máy này, tổng lượng nước thải qua xử lý hiện nay chỉ chiếm 12,6%.
Hiện nay, lượng nước thải đô thị phát sinh của TP.HCM khoảng 1,54 triệu m3/ngày. Nguồn nước thải chưa được xử lý xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân.
Nếu không hoàn thiện hạ tầng thu gom, tách biệt các nguồn nước thải (nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp) và không có giải pháp xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra môi trường thì không thể giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm sông, kênh, rạch ở TP.HCM.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để cải thiện vấn đề môi trường cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc đầu tư các công trình xử lý rác, nước đạt chuẩn phải song song với xây dựng các chế tài đủ mạnh, làm quyết liệt.
Bất cứ khu vực nội ngoại thành, trung tâm thương mại, khu công nghiệp đều phải ban hành quy ước ứng xử với môi trường tự nhiên và không xả rác. Quy ước đặt ra đi kèm theo hình phạt cụ thể, bắt buộc phải tuân thủ.
Hình thức chế tài phải mang tính răn đe cao, áp dụng mức phạt gấp nhiều lần và thậm chí lên đến hàng chục lần chi phí xử lý nước thải.
Tổ chức hoặc cá nhân vi phạm phải bồi thường thiệt hại gây ra, đồng thời nộp lại số lợi do vi phạm. Bổ sung các trường hợp tái phạm sẽ bị rút giấy phép hoạt động, xử lý hình sự đối với đối tượng vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Ở ngoại thành tùy khoảng cách và điều kiện phù hợp có thể xây bể chứa rác trên cánh đồng và nơi nhiều người qua lại như nút giao, ngã ba, ngã tư, khu sinh hoạt cộng đồng.
Công nhân vớt rác làm sạch nước tại nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Những ai có đồ gia dụng hư hỏng không còn sử dụng, rác thải cần vứt đi thì mang đến bỏ vào bể chứa rác để đơn vị thu gom xử lý theo quy trình, không vứt ra môi trường tự nhiên. Đã đến lúc sử dụng công nghệ hiện đại xử lý rác bằng cách tái chế, tiêu hủy nhanh lượng rác lớn đến hàng chục ngàn tấn.
Về nhân lực, phường, xã nào cũng nên lập những nhóm thanh niên tình nguyện thu gom rác điện tử, rác nhựa tại nhà dân, vừa tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng vừa tuyên truyền ý thức tự giác phân loại rác tại nhà, đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định.
Tại địa phương, trên đường phố, khu vực công cộng đều có thể huy động công an khu vực, lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ tham gia. Ở các chung cư có thể sử dụng nhân sự ban quản lý, bảo vệ, đại diện cư dân tham gia công tác đảm bảo vệ sinh chung.
Cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa, xử lý xả rác, bảo vệ môi trường. Nhất thiết hoàn thành hệ thống thu gom, xử lý nước thải càng sớm càng tốt.
Ví dụ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải kịp đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải. Đây là vấn đề quan trọng giúp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nước, cá chết dưới kênh.
Bảo vệ môi trường nếu chỉ tuyên truyền suông chưa đủ, khó thuyết phục những thói quen cố hữu. Cơ quan chức năng, quản lý nhà nước cần thiết kế hệ thống kiểm soát theo cơ chế đặc thù, phù hợp thực tế, xử lý nghiêm các trường hợp xả rác bừa bãi.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.