Cởi "chiếc áo cũ" lấm màu cực khổ, nền nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến "chuyên nghiệp hóa" tích hợp đa giá trị với sự hiện hữu của những người nông dân thế hệ mới, chuyên nghiệp, thực hiện sứ mệnh phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Nông dân thu hoạch rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại Bắc Giang. (Ảnh: Thanh Tâm)
Theo Tư lệnh ngành Nông nghiệp Lê Minh Hoan, hiện, sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, chủ yếu được đánh giá qua tiêu chí về thu nhập.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh thêm, đánh giá về cuộc sống người nông dân, thì thu nhập chưa phản ánh hết, mà còn phải nhìn nhận cả chất lượng sống, niềm hạnh phúc của người nông dân.
Bài 1: Hình ảnh nông dân thời đại mới
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Thực tế, trong mọi thời kỳ phát triển của đất nước, nông nghiệp luôn thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, chúng ta thấy rõ những tiến bộ vượt bậc của thế hệ nông dân thời đại mới với trình độ, kiến thức, sự năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đưa công nghệ vào thửa ruộng, mảnh vườn để gia tăng giá trị sản phẩm.
Phát huy vai trò chủ thể
Trong triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, người nông dân được xem là chủ thể, được đặt vào vị trí trung tâm. Nhưng muốn thực hiện được vai trò chủ thể và tương xứng với vị trí trung tâm, điều cần làm và phải làm là người nông dân cần được nâng cao năng lực thông qua trí thức hoá.
Bởi cùng với sự phát triển ngày càng đi vào chiều sâu của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP… thì yếu tố lao động cũng cần được quan tâm.
Bàn về nông nghiệp thông minh, PGS.TS Vũ Trọng Khải khẳng định, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lí là một trong những yếu tố rất quan trọng để hiện đại ngành nông nghiệp.
Nói tới việc áp dụng công nghệ cao, thì có 3 yếu tố phải được tạo ra. Trước hết, phải đào tạo một tầng lớp nông dân có học, những “thanh nông tri điền”, những nông dân chuyên nghiệp, thay thế cho “lão nông tri điền”, cha truyền con nối.
Chỉ có một lực lượng lao động trẻ được đào tạo, lành nghề thì mới thực hiện được tốt tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ cao. Cần phải có chính sách dạy nghề nông miễn phí cho con em nông dân với điều kiện học xong phải trở về làm nông dân.
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã nhấn mạnh “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn”. Nghị quyết 19 cũng xác định: Cần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.
Đề cập đến người nông dân chuyên nghiệp thời đại mới, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Bùi Thị Thơm cho rằng: đó là những người nông dân có tư duy kinh tế, kiến thức tổng hợp về khoa học kĩ thuật, nông nghiệp, thị trường. Đó còn là những người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm hiệu quả, “bán cái mà thị trường cần”, hiểu được giá trị của tinh thần hợp tác và liên kết. Họ cũng là những người nhận thức một cách sâu sắc rằng “đi một mình không thể tiến xa hơn mà phải đi chung nhóm, đồng hành tập thể, duy trì liên kết, tăng cường hợp tác phát triển”; là những người nông dân biết nghĩ đến xã hội cộng đồng với cung cách làm ăn tử tế, bền vững, có trách nhiệm; là những người yêu nước, yêu quê hương, có tinh thần làm giàu chính đáng cho bản thân, cho cộng đồng và xã hội.
"Hơn tất thảy, họ là người có kiến thức tổng hợp, kỹ năng đa dạng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và có tinh thần trách nhiệm chung vì tập thể, vì cộng đồng”, bà Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.
Hình thành thế hệ nông dân chuyên nghiệp
Nông dân chuyên nghiệp là yêu cầu tiên quyết để hình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Do đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, cùng với sự chạy đua của cuộc Cách mạng 4.0, đặt ra yêu cầu người nông dân phải là người vừa có tri thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan (đội mũ) kiểm tra việc trồng thanh long tại Trang trại Nông nghiệp công nghệ cao Bình An, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, tôi quan tâm đến việc nâng cao vị thế của người nông dân, để người nông dân thực sự là trung tâm của sự phát triển. Nói cách khác, chúng ta cần định vị lại vị thế của người nông dân, bảo đảm mỗi tiếng nói, nguyện vọng đều được cầu thị ghi nhận, lắng nghe, khuyến khích tinh thần tự nguyện, tự lực, tự chủ.
Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tri thức hóa người nông dân bằng một hệ thống cơ chế, chính sách, huấn luyện, đào tạo, với những lộ trình cụ thể, nội dung phù hợp, gần gũi, đời thường. Không để người nông dân bị đơn độc trong ốc đảo của mình, trong mảnh vườn, thửa ruộng, ngôi nhà của mình.
Người nông dân thực sự bước ra và chủ động hòa nhập với không gian lớn hơn, không gian cộng đồng, không gian làng xã. Người nông dân cùng nhau hợp tác, quây quần bàn luận, quyết định vận mệnh của mình, với sự hỗ trợ, đồng hành của xã hội, cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp.
Phải tạo ra nhịp cầu để người nông dân sẵn sàng và sẵn lòng thay đổi, vượt qua những vùng quen thuộc. Nhờ mối quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng bền chặt, khăng khít, người nông dân không còn cảm giác lẻ loi, đơn độc. Vai trò trung tâm của người nông dân được thể hiện qua chất lượng sống, niềm hạnh phúc, tri thức, và nhất là tinh thần hợp tác, liên kết.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người nông dân chuyên nghiệp phải biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo ý của mình; biết sản xuất sao cho tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng.
Nông dân chuyên nghiệp trước hết là người có tâm, biết nghĩ đến sức khoẻ của người khác, không làm tổn thương lợi ích chung của cộng đồng, là người có kiến thức và hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững cho hôm nay và cho thế hệ tương lai.
Nông dân chuyên nghiệp cũng là người có tri thức, vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế, hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.
Tiếp tục vẽ nên chân dung người nông dân, Bộ trưởng chia sẻ, nông dân ngày xưa “đèn nhà ai nấy sáng, đất nhà ai nấy làm”, sống một mình, làm cũng một mình. Bởi vậy, dẫn đến một “lời nguyền” về một nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Muốn vượt qua lời nguyền đó, phải mở rộng quy mô sản xuất. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, thì phải biết hợp tác với nhau. Nông dân chuyên nghiệp là người hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.
Bộ trưởng nhận định, người nông dân trước nay quanh quẩn trong nhà, bên trong luỹ tre làng, suốt ngày ra vô cánh đồng, mảnh vườn. Không gian sống bó hẹp thì suy nghĩ, tầm nhìn, khát khao cũng bị bó hẹp. Theo đó, muốn suy nghĩ lớn hơn, tầm nhìn xa hơn, khát khao mãnh liệt hơn, thì phải vượt ra không gian làng xã, kết nối với không gian liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên vùng.
Trong không gian kết nối đó, người nông dân được tiếp xúc với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, được cung cấp kiến thức, kỹ năng, tư vấn, liên kết... Do vậy, nông dân chuyên nghiệp là người có tư duy mở, luôn mong muốn mở rộng không gian giao tiếp, chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội.
Hiện, sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, chủ yếu được đánh giá qua tiêu chí về thu nhập. Nhưng tôi cho rằng, đánh giá về cuộc sống người nông dân, thì thu nhập chưa phản ánh hết, mà còn phải nhìn nhận cả chất lượng sống, niềm hạnh phúc./.
Bài 2: Hạnh phúc vì “tôi là người nông dân”
Những năm qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, góp phần làm gia tăng giá trị nông sản, nâng cao năng suất lao động, thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và cộng đồng.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.