Mô hình liên kết nuôi, chế biến, tiêu thụ ốc nhồi thương phẩm gắn với định hướng phát triển sản phẩm OCOP tại 4 xã thuộc huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội, được bà con và chính quyền sở tại ghi nhận và huyện định hướng nhân rộng.
Ở đây không những tạo thêm việc làm mà tư duy sản xuất hàng hóa cũng như liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của các hộ cũng được nâng lên.
Bài 1: Tiềm năng, thực trạng và những vấn đề đặt ra
Điều kiện “cần” và “đủ”
Nhận rõ tiềm năng, cơ hội và xu hướng phát triển trong nuôi, chế biến ốc nhồi thương phẩm, Công ty TNHH Thiên Bảo đã chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan, tiến hành khảo sát, lựa chọn liên kết với 20 hộ đang nuôi ốc nhồi theo phương thức truyền thống tại địa bàn các xã: Quảng Trạch, Quảng Long, Quảng Văn, Quảng Hợp (Quảng Xương).
Trong đó, việc thiết lập nền tảng liên kết bền vững, bao gồm các yếu tố: “Điều kiện địa lý, thực trạng quản lý quỹ đất, diện tích ao nuôi, đánh giá tình hình, khả năng xử lý môi trường”, được xác định là điều kiện cần. “Nhu cầu về đầu tư, khả năng đối ứng nguồn lực, những nội dung hỗ trợ, tài sản, nhân công thực hiện, thị trường, thu nhập và các yếu tố đầu vào khác” là điều kiện đủ, ông Bùi Văn Bình Giám đốc công ty TNHH Thiên Bảo, nhấn mạnh.
Theo ông Bình, các điều kiện cần và đủ nêu trên, là cơ sở để cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu lâu dài trong sản xuất kinh doanh ốc nhồi thương phẩm quy mô lớn.
Công ty có vai trò làm hạt nhân tư vấn kỹ thuật, cung ứng con giống, vật tư, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đồng thời phối hợp tổ chức cho các hộ tham quan thực tế, tham dự hội thảo, trao đổi kinh nghiệm đầu bờ. Khi có sản phẩm, Công ty TNHH Thiên Bảo trở thành một bên thu mua theo giá thỏa thuận.
Ông Hà Thế Anh (ngoài cùng bên phải), Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) thăm cớ sở chế niến ốc nhồi của Công ty TNHH Thiên Bảo.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Khải, chủ hộ nuôi ốc ở xã Quảng Long, phấn khởi cho biết: “Sau khi được tập huấn, tham quan và được kết nối chính thức của Công ty TNHH Thiên Bảo, chúng tôi tự nhắc nhau phải kiên trì, nhất quán, tin tưởng với mối liên kết. Từ đó chủ động triển khai thực hiện, cũng như khắc phục những vướng mắc khó khăn phát sinh”.
Cho ý kiến về việc này, ông Trần Ngọc Bảo, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Văn, nhấn mạnh: “Lãnh đạo địa phương rất quan tâm đến việc liên kết nuôi ốc, xem đây là cơ hội tốt. Vì vậy, đã nhắc nhở bà con cần phải xác định sự hợp tác trên tinh thần tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm là chính, không nên quá trông chờ ỷ lại công ty. Từ những kiến thức được tư vấn và sự hỗ trợ của công ty cùng kinh nghiệm đã có, căn cứ vào điều kiện thực tế ao nuôi của mình, các hộ nên chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ quy trình kỹ thuật nuôi. Đồng thời, thường xuyên thông tin, trao đổi, học tập kinh nghiệm hỗ trợ lẫn nhau. Khi thu hoạch sản phẩm, nên dành bán cho công ty theo giá thỏa thuận, đôi bên phải trung thành với nhau.
Điều quan trọng được rút ra trong kỹ thuật nuôi ốc nhồi, đó là: Ốc nhồi có những đặc tính riêng biệt, chúng sinh sản và phát triển theo mùa, từ tháng 4 đến tháng 11 trong năm là thời gian tốt nhất, nên công tác chăm sóc, bảo quản con giống qua đông là vấn đề quan trọng đầu tiên. Thứ hai, tạo và giữ môi trường nước luôn sạch, tránh ô nhiễm để đảm bảo cho sự phát triển, sinh sản cũng như an toàn dịch bệnh cho ốc. Thứ ba, nguồn thức ăn luôn phải phù hợp và thường xuyên đầy đủ, đây được xem là vấn đề then chốt quyết định đến sản lượng và chất lượng. Mặt khác, số lượng con giống được thả cần phù hợp với diện tích, và ao đã nuôi ốc thì không nên nuôi kết hợp, lẫn lộn với các con nuôi khác...
Thành công từ liên kết
Tổng hợp, đánh giá từ báo cáo của các hộ thành viên, với diện tích ao nuôi ban đầu 13 ha, sau một chu kỳ sản xuất (pha 1): Sản lượng thu được 22.150 kg ốc thương phẩm (tăng 10,05 tấn so với trước khi liên kết); ốc giống đưa xuống ao nuôi và bán ra thị trường là 650 vạn con. Tổng doanh thu 1.744 triệu đồng.
Chi phí đầu tư 795 triệu đồng. Lợi nhuận: 949 triệu đồng, theo đó: bình quân lợi nhuận 73 triệu đồng/ha/năm; bình quân theo hộ là 47,5 triệu đồng/hộ (tăng tương ứng so với trước khi liên kết: 429 triệu đồng, 33 triệu đồng, và 21,5 triệu đồng).
Điển hình trong việc nuôi ốc mang lại hiệu quả cao phải kể đến: hộ ông Nguyễn Văn Toàn (Quảng Long) ao nuôi 1ha, thu nhập 480 triệu đồng; hộ ông Vũ Văn Khải (Quảng Long) ao nuôi 1ha, thu nhập 330 triệu đồng; hộ ông Hoàng Văn Toán (Quảng Trạch) ao nuôi 1ha, thu nhập 260 triệu đồng; hộ ông Trần Văn Thuấn (Quảng Hợp) ao nuôi 1ha, thu nhập 280 triệu đồng…
Về thu mua, chế biến, tiêu thụ, ông Bùi Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Bảo, cho biết: Song song với các hoạt động của hộ nuôi ốc (pha 1), công ty đã chủ động đầu tư máy móc thiết bị mới và tiến hành thu mua sản phẩm ốc thịt, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm: ốc nhồi đóng gói nguyên con, ốc nhồi tách vỏ, ốc nhồi ống nứa, theo chuỗi giá trị đưa ra thị trường (pha 2).
Kết quả giai đoạn pha 2 với tổng chi phí thu mua, chế biến năm 2022 đạt 75 tấn/giá trị 5.250 triệu đồng. Trong đó, mua ở các hộ tham gia mô hình là 15 tấn/1.110 triệu đồng (tăng so với trước khi liên kết là 12 tấn/giá trị 900 triệu đồng). Doanh số bán hàng: 5.771 triệu đồng. Lợi nhuận 521 triệu đồng.
So sánh hiệu quả giữa trước và sau khi thực hiện liên kết, được ông Bùi Văn Bình cho biết cụ thể: Pha 1, chi phí tăng 1,6 lần, sản lượng tăng 1,8 lần, doanh thu tăng 1,7 lần, lợi nhuận tăng 1,8 lần. Pha 2, chi phí tăng 1,09 lần, sản lượng tăng 1,25 lần (trong đó nhập từ số hộ tham gia mô hình tăng 5 lần), doanh thu tăng 1,25 lần, lợi nhuận tăng 1,62 lần.
Là đơn vị nòng cốt trong mối liên kết này, ông Bùi Văn Bình đánh giá: Sau một thời gian thực hiện, đến nay người dân đã khắc phục được việc nuôi tự phát, đã hình thành được phương thức nuôi theo kế hoạch. Đặc biệt, bà con đã cơ bản nắm được quy trình, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng.
Huy động vốn đầu tư của các hộ từ đó cũng mạnh dạn hơn. Một mặt nhờ vào sản xuất hiệu quả, mặt khác là nhờ vào xác lập được điều kiện trở thành là đối tượng vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Theo đó, nhân công lao động chính của các hộ đã được chú trọng huy động và thường xuyên hơn.
Sản phẩm sản xuất ra chủ yếu được bán sỉ cho cơ sở thu mua của công ty, có ghi nhớ, ràng buộc ổn định và sản lượng, giá cả cũng ổn định, nên đôi bên rất yên tâm hợp tác liên kết để cùng phát triển.
Ông Hà Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, đánh giá: “Mô hình liên kết nuôi, chế biến, tiêu thụ ốc nhồi thương phẩm gắn với định hướng phát triển sản phẩm OCOP tại 4 xã thuộc huyện Quảng Xương đã đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Đây mới chỉ là kết quả khởi đầu của sau một năm liên kết. Còn hiện tại, kết quả nuôi, thu mua, chế biến ốc nhồi trên địa bàn đã nhân rộng, được nâng tầm quy mô.
Ông Bảo cho biết, công ty hiện có hơn 200 hộ liên kết, với diện tích hơn 80ha. Tổng sản lượng thu được từ chăn nuôi ốc giống ước đạt 3 triệu con, giá trị thu được khoảng 9 tỷ đồng; sản lượng ốc thương phẩm ước đạt 150 tấn, giá trị thu được trên 12 tỷ đồng. Bình quân thu nhập 260 triệu đồng/ha năm.
Đáng chú ý trong số lượng thu mua 150 tấn/năm, Công ty TNHH Thiên Bảo đưa vào chế biến 70-80 tấn, bán thô 60-70 tấn. Tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động chính thức và 6 lao động thời vụ, với mức lương từ 6 tới 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hằng năm 13 tỷ đồng, lợi nhuận 600-800 triệu đồng/năm. Và đã có sản phẩm ốc nhồi ống nứa được công nhận OCOP 3 sao và sản phẩm ốc nhồi tách vỏ đang chờ phân loại xếp hạng.
Trên cơ sở thành công và thấy được thuận lợi của việc nuôi ốc là nghề mang lại hiệu quả và cho lợi nhuận cao; việc chăm sóc, nuôi dưỡng ốc hoàn toàn có thể tận dụng được sức lao động hiện có ở nông thôn và với nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường, mô hình nuôi ốc thương phẩm sẽ tiếp tục được nhân rộng và phát triển trong thời gian tới.