Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 7 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 7 năm 2024 | 11:20

Giải pháp phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 4 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm, có tính lan tỏa lớn, có tính liên kết vùng, liên tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Kinh tế tăng trưởng khá

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo tình hình triển khai Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tình hình triển khai các hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng; sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022; rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tình hình, tiến độ chuẩn bị các dự án Mekong DPO vay vốn các ngân hàng phát triển và các dự án cầu có liên quan.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng các đại biểu cắt băng khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, qua 02 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù nền kinh tế trong nước phải đối mặt với không ít rủi ro, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh; thiên tai, sạt lở diễn biến phức tạp tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng có nhiều kết quả khả quan.

Đến nay, vùng ĐBSCL đã hoàn thành 4/26 nhiệm vụ. Trong đó, trọng tâm là phê duyệt quy hoạch tỉnh,thành phố của 13/13 địa phương trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành 5 dự án quan trọng kết nối vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ, như: tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2; đang triển khai xây dựng nhiều công trình lớn như cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của Vùng đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc), gấp gần 1,3 lần so với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%). Trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng khá cao như: Trà Vinh (8,25%), Cà Mau (7,83%), An Giang (7,34%), Bạc Liêu (7,24%), đặc biệt là Hậu Giang cao thứ 2 cả nước với mức tăng trưởng là 12,27% (sau Bắc Giang 13,45%).

Năm 2023, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.263 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,1% so cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp giảm dần, đạt 30,5% (năm 2020 là 31,86%); tỷ trọng công nghiệp - xây dựng có xu hướng tăng, đạt 27,62% (năm 2020 là 21,1%); tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng nhẹ, đạt 37,07% (năm 2020 là 36,1%); thuế trừ trợ cấp sản phẩm là 5,26%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 hầu hết các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long duy trì tăng trưởng tốt, trong đó 3 tỉnh là Trà Vinh, Kiên Giang và Hậu Giang có mức tăng trưởng cao (Trà Vinh tăng trưởng là 27,4%; Kiên Giang là 11,7% và Hậu Giang là 11,1%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn vùng năm 2023 tăng khoảng 12,9%, cao hơn bình quân cả nước (9,6%), trong đó có 8/13 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước.

Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần so năm 2020, đạt 72,3 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 4/6 vùng trên cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn phát triển trên địa bàn toàn vùng đạt 424.603 tỷ đồng, đạt 98% so kế hoạch, tăng 12,2% so năm 2022.

Tổng thu ngân sách toàn vùng năm 2023 đạt 108,186 tỷ đồng, vượt 8,725% so dự toán; tăng 3,2% so năm 2022. Một số địa phương thu vượt so dự toán như Vĩnh Long (vượt 8,2%), Hậu Giang (vượt 19,75%), An Giang (vượt 21,07%), Đồng Tháp (vượt 7,79%), Kiên Giang (vượt 24,2%), Cà Mau (vượt 11,43%).

Môi trường kinh doanh được cải thiện, toàn vùng có 8/13 địa phương nằm trong nhóm 30 các địa phương có Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI tốt nhất, trong đó, Long An là địa phương bứt phá mạnh mẽ, đứng thứ 2 về chỉ số PCI năm 2023 (sau Quảng Ninh)...

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của Vùng đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc), gấp gần 1,3 lần so với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%).

Ước 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế vùng vẫn ổn định và tăng trưởng ở mức khá. GRDP dự kiến đạt khoảng 6,12%; xuất khẩu 5 tháng đạt khoảng 10 tỷ USD, chiếm khoảng 6,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước (156,77 tỷ USD); thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 59,256 nghìn tỷ đồng (đạt 53% dự toán được giao), bằng 6,6% số thu cả nước (899,079 nghìn tỷ đồng); giải ngân vốn đầu tư công của Vùng 5 tháng đạt hơn 21.798 tỷ đồng, đạt 28,24 % kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân chung cả nước (21,44%%).

Còn nhiều hạn chế, vướng mắc

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua còn một số hạn chế. Kinh tế của Vùng tuy tăng trưởng khá nhưng còn chưa thực sự bền vững, tăng trưởng kinh tế tại một số địa phương còn chậm; khả năng cạnh tranh và tiêu thụ nhiều loại nông sản chưa cao; hoạt động liên kết vùng chưa hiệu quả, một số thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa thực chất; ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số còn chậm. Liên kết hợp tác còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức, hiệu quả còn thấp, chưa tạo ra được chuỗi sản xuất kinh doanh mang nét đặc trưng của vùng. Việc thực hiện theo các chương trình dự án còn hạn chế, thiếu thể chế chính sách liên kết vùng; sự đồng bộ giữa quy hoạch vùng và quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể của các địa phương dựa trên lợi thế của từng vùng còn hạn chế...

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị, Trung ương sớm thực hiện dự án Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2), đồng thời quan tâm hơn nữa đến vấn đề phòng, chống sạt lở ở vùng ĐBSCL và có cơ chế, nhất là về vốn để giải quyết tình trạng nhà người dân xây cất trên sông, trên rạch…

Tuy nhiên, hiện tượng sạt lở ở ĐBSCL đang ngày một gia tăng.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đưa ra nhiều đề xuất, trong đó nổi bật là đề xuất đầu tư thêm một số hồ chứa nước ngọt cho tỉnh Cà Mau, để giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Đề xuất Trung ương vấn đề xuất khẩu năng lượng tái tạo.

Theo lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, một hiện tượng cần được nghiên cứu sâu, đó là hiện tượng giảm sạt lở, có dấu hiệu bồi lắng vùng ven biển nơi có các trụ điện gió. Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có sự nghiên cứu khoa học cụ thể hơn để có cơ sở hoạch định phát triển trong tương lai. Nên chăng mỗi hộ dân tự trữ nước để khắc phục hạn chế thiếu nước sinh hoạt. Có thể sử dụng các túi chứa nước đặt dưới lòng đất. Bên trên có thể phủ lại đất để trồng trọt, canh tác nông nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh An Giang, Sóc Trăng đề cập vấn đề cần mở rộng phạm vi ứng dụng cát biển vào xây dựng phổ biến. Hiện nay, theo Nghị Quyết 106 của Quốc Hội, cát biển chỉ được ứng dụng làm cho hệ thống đường cao tốc và kết thúc việc này trong năm 2025. Trong khi với nhu cầu xây dựng hiện nay, và trước áp lực giải ngân nhanh vốn đầu tư công, nguồn cát xây dựng là vấn đề then chốt để đáp ứng các nhu cầu này. Bộ ngành ở Trung ương cần nghiên cứu để mở rộng việc ứng dụng cát biển.

Các tỉnh ven biển cũng nêu ra một vướn mắc về thủ tục giao khu vực biển. Với nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế vùng đã đề ra, kinh tế biển là một nguồn lực không thể thiếu vắng. Tuy nhiên, vấn đề giao khu vực biển cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế biển đang còn nhiều vướn mắc về thủ tục giao khu vực biển mà địa phương không thể tự quyết định được. Điều này đã gây khó cho kinh tế biển các tỉnh như: Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Điểm chung ở 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL là vấn đề thực hiện các nhiệm vụ an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu, nạn sạt lở bờ sông, bờ biển. Hầu hết các tỉnh đề xuất cho cơ chế đặc thù trong xử lý vấn nạn sạt lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Nội dung cơ chế đặc thù này bao gồm quyền được kêu gọi xã hội hóa để huy động nguồn lực xã hội vào chống sạt lở, chống biển đổi khí hậu, nước biển dâng... Tỉnh Cà Mau nêu ra ví dụ tỉnh này đã nhiều năm qua đề xuất được xã hội hóa làm bờ kè chống sạt lở bờ biển, bằng cách giao khu vực biển để doanh nghiệp làm kinh tế, vừa bảo vệ, chống sạt lở. Tuy nhiên, việc làm này dính đến rừng phòng hộ nên chưa được các Bộ ngành Trung ương chấp thuận.

7 giải pháp căn cơ

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, các Bộ, địa phương cần đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm để đón nhận thời cơ mới, vận hội mới nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng.

Phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải.

Từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị cho toàn vùng, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn.

Về các giải pháp trong thời gian tới đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm.

Một là, cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 324/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Hai là, tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh như: Phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững gắn với các sản phẩm trọng tâm của vùng là thủy sản, trái cây và lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối.

Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.

Phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển.

Thời gian tới vùng ĐBSCL tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ (Ảnh: Dangcongsan.vn).

Ba là, ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm, có tính lan tỏa lớn, có tính liên kết vùng, liên tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng như dự án xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề, Hòn Khoai…

Đối với các dự án cao tốc có vướng mắc về giải phòng mặt bằng, vật liệu cát đắp, đề nghị các bộ, ngành, UBND tỉnh có dự án đi qua tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng và thiếu vật liệu cát đắp nền để đảm bảo tiến độ cho các công trình này.

Bốn là, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai và tài nguyên nước; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, trong xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển vùng.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, thoát lũ, vùng trữ - chuyển nước ngọt, hệ thống quản lý và kiểm soát xâm nhập mặn nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động đến từ sự thay đổi nguồn nước thượng lưu sông Mêkông. Xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh trong vùng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại các tỉnh, nhất là trung tâm đầu mối tổng hợp tại Cần Thơ.

Năm là, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa - lịch sử, văn hóa sông nước, miệt vườn, văn hóa các dân tộc. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực số gắn với ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách ưu đãi người có công, giảm nghèo, trợ giúp xã hội. Kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Sáu là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu tiêu chí, nguyên tắc xây dựng các dự án trọng điểm của vùng và đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để bố trí nguồn lực thực hiện. Phó Thủ tướng lưu ý cần tập trung cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở, xâm nhập mặn, dự trữ nước ngọt; các dự án của ngành giao thông như: nghiên cứu dự án khả thi đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; các dự án cao tốc trục đông tây, các sân bay Cà Mau, Phú Quốc...

Bảy là, về kế hoạch triển khai kế hoạch điều phối vùng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương trên tinh thần các nội dung điều phối phải thực chất, hiệu quả, các nhiệm vụ phù hợp triển khai trong năm 2024 sát với thực tiễn và khả thi.

Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên trong Hội đồng điều phối vùng bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng và quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, hoàn thành nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất, báo cáo kết quả theo quy định.

 

Tổng hợp từ nguồn: Tiengiang.gov; Tapchicongthuong.vn; Doanhnghiepvn; PLO.vn.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top