Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 7 tháng 7 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 7 năm 2024 | 15:48

Cần có biện pháp để bảo tồn các giống mít quý của Hà Nội

Mít là loại quả có từ rất lâu và được trồng nhiều ở các tỉnh thành trên cả nước, đối với các tỉnh miền Bắc, nhiều loại mít có chất lượng rất ngon, năng suất cao.

Tại Hà Nội, hiện nay, có nhiều giống mít chất lượng, nhưng đang dần dần bị thoái hóa, biến chất. Do đó, rất cần được bảo tồn và phát triển nguồn gen quý về giống mít bản địa.

Hà Nội phong phú chủng loại mít

Theo số liệu thống kê năm 2023, diện tích trồng mít trên địa bàn thành phố có 1.135ha, năng suất bình quân đạt 147,23 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 14.075 tấn/năm, hiệu quả đạt hơn 280 tỷ đồng/năm. Mít được trồng tập trung ở một số huyện, thị xã như: Phúc Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đông Anh, Thanh Oai, Sơn Tây...

Các giống mít được trồng đa dạng, phong phú về chủng loại, như: Mít Thái da xanh, mít nghệ siêu sớm, mít ruột đỏ Malaysia, mít ruột đỏ Indonexia. Tuy nhiên, chất lượng với các tiêu chí độ giòn, ngọt, mùi thơm của các giống mít đặc sản truyền thống ở Hà Nội vẫn có sự vượt trội, ổn định và được người tiêu dùng ưa chuộng hơn.

Tại Sơn Tây, việc quảng bá nông sản như mít được chú trọng. Ảnh: Đinh Luyện

Tại Hà Nội, có 1 cây mít của xã Cổ Loa, huyện Đông Anh (với tuổi đời hơn 300 năm) đã được công nhận là cây di sản; có 28 cây mít đầu dòng. Đây là nguồn cung cấp giống chất lượng cao để mở rộng diện tích trồng cây mít đặc sản.

Năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm quả mít tươi được trồng tại thị xã Sơn Tây. Đây là tiền đề giúp người trồng mít Sơn Tây nói riêng, Hà Nội nói chung quảng bá, phát triển kinh tế từ cây mít, sản phẩm chế biến từ mít.

Nhằm quảng bá, giới thiệu các giống mít đặc sản Hà Nội, từ đó thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, tạo đầu ra ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng mít, tại thị xã Sơn Tây, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tổ chức Hội thi tôn vinh, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ các giống mít đặc sản Hà Nội năm 2024. Đây là Hội thi mít quy mô cấp Thành phố lần đầu tiên được tổ chức.

Trong dịp này, Ban Tổ chức sẽ tổ chức 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm mít, nông sản và các sản phẩm OCOP của địa phương; tổ chức Hội thảo bảo tồn và phát triển các giống mít đặc sản trên địa bàn thành phố Hà Nội tại hội trường Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây.

Cây mít “cao niên” nhất ở Hà Nội

Tại nhà văn hoá xóm Chợ (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) là nơi tọa lạc của một cây mít cổ thụ với thân cây cổ quái, xù xì có tuổi thọ hơn 300 tuổi được mệnh danh là ‘thần cây’. Cây mít cổ thụ này đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn đứng sừng sững qua bao đời. Đây là cây được người dân xã Cổ Loa trồng trên “đất Đế Vương” xưa với những cành lá ngày một xum xuê.

Cây mít cổ thụ ở Cổ Loa

Người dân ở đây cho biết, dù đã nhiều tuổi nhưng cây mít này vẫn cho ra quả hàng năm; vào tháng 7, tháng 8 thì mít chín: "Theo lời các cụ truyền lại thì cây mít này quả to, dai, ngon lắm nhưng giờ cây già cỗi theo thời gian nên quả chỉ còn được 3-4 kg...".

Người dân tại đây cũng phải bón phân đầu mùa, thường xuyên tưới nước cho cây đại thụ. "Do cây mít đã nhiều tuổi, chất đất phục vụ cây sinh trưởng không còn màu mỡ nên chúng tôi phải thường xuyên tưới, chăm sóc. Ông Hoà và nhiều người cho biết, vào đầu mùa xuân mít mới ra quả còn những quả ra thời điểm hiện tại thì không thể trưởng thành và chín được do thời tiết lạnh buốt và vào ban đêm có sương muối” - vị Trưởng xóm Chợ từng chia sẻ với truyền thông vào năm 2021.

Cây Mít là loại cây được trồng phổ biến dọc cả 3 miền nước ta. Ở các làng quê Việt Nam, người dân ưa thích việc trồng các cây cổ thụ để làm lấy bóng mát. Trong đó, cây mít là một trong những lựa chọn hàng đầu khi vừa cho trái vừa cho bóng mát. Ngoài ra, loại cây này còn được xem là biểu tượng cho sự bền bỉ, mang lại may mắn cho gia đình. Không những thế, gỗ mít còn là loại gỗ quý dùng làm đồ thờ hoặc làm nhà.

Bảo tồn giống mít đang gặp nhiều khó khăn

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp UBND thị xã Sơn Tây tổ chức Hội thảo bảo tồn và phát triển giống mít bản địa (mít dai) tại Hà Nội.

Tại hội thảo, đại diện các xã: Cổ Đông, Sơn Đông, hội viên Hội nông dân địa bàn thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì… đặt câu hỏi liên quan đến công tác chăm sóc cây mít; việc bảo tồn, nhân rộng, phát triển cây mít...; đề nghị giúp đỡ khâu tiêu thụ; làm thế nào để có sản phẩm múi mít sấy giòn, sấy dẻo đạt chất lượng cao...

Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đã giải thích, hướng dẫn người trồng mít hiểu thêm cách phòng trừ côn trùng gây bệnh cho mít; cách chăm sóc để có quả mít chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng…

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết: Thị xã Sơn Tây hiện có 105ha trồng mít tại 9/15 xã, phường, trong đó tập trung ở các xã: Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ... Tuy nhiên, việc bảo tồn giống mít, các sản phẩm chế biến từ mít mang giá trị ổn định còn gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây hy vọng, thời gian tới, việc liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) sẽ góp phần bảo tồn, phát triển nguồn gen quý, nâng cao giá trị cây mít ta trên địa bàn thị xã nói riêng và thành phố nói chung.

Việt Nam chúng ta có rất nhiều loại trái cây có giá trị, nhiều loại trái cây là đặc sản gắn với địa danh được lưu truyền trong dân gian từ hàng trăm năm nay. Việc bảo tồn nguồn gen quý đối với các loại trái cây này là rất cần thiết và quan trọng, không những bảo tồn văn hóa mà còn bảo tồn sản vật quý cho giá trị kinh tế cao đối với bà con nông dân.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top