Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 6 tháng 10 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 7 năm 2024 | 11:0

Phát triển chăn nuôi bền vững: Phải kiểm soát được dịch bệnh

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi bền vững”, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đánh giá, muốn phát triển chăn nuôi không có con đường nào khác ngoài sản xuất an toàn.

Nếu không kiểm soát được an toàn dịch bệnh, không nên chăn nuôi.

Hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học

Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học là một trong những chủ trương, định hướng chung của Nhà nước về chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phù hợp với mục tiêu “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045” tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2023, cả nước có tổng đàn 30,3 triệu con lợn; 8,6 triệu con trâu, bò; 558,6 triệu con gia cầm. Ngành chăn nuôi đã tạo ra  lượng lớn sản phẩm thịt, trứng, sữa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu (năm 2023, xuất khẩu sản phẩm động vật trên cạn của Việt Nam đạt trên 515 triệu USD). 

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn (trên 25%) trong cơ cấu ngành nông nghiệp, là sinh kế quan trọng của hơn 10 triệu hộ gia đình nông thôn.

Chăn nuôi an toàn sinh học là xu thế tất yếu để đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả và bền vững.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai một số mô hình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm giúp các địa phương nhân rộng mô hình để chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả như: chăn nuôi gà an toàn sinh học; chăn nuôi lợn sinh sản tăng cường các biện pháp an toàn sinh học;  chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu… Các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, sản phẩm dễ được chấp nhận và lưu thông trên thị trường.

Theo số liệu báo cáo, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 4.464 lượt cơ sở chăn nuôi ATDB động vật trên cạn được công nhận ATDB với 2.257 cơ sở, vùng ATDB tại 59 tỉnh, thành phố, trong đó: 129 vùng ATDB gia cầm, 66 vùng ATDB gia súc, 45 vùng ATDB dại; 2.017 cơ sở ATDB. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ triển khai công nhận 188 cơ sở, chiếm 8,3% tổng số cơ sở được công nhận trên cả nước.

Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, bao gồm các mối đe dọa từ các bệnh động vật xuyên biên giới, các bệnh lây truyền từ động vật sang người và các bệnh mới nổi, tình trạng kháng kháng sinh và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Nếu không kiểm soát được các rủi ro liên quan đến sức khỏe của động vật, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho cả con người và môi trường sống.

Do đó, chăn nuôi an toàn sinh học là xu thế tất yếu để đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả và bền vững.

Đại diện Cục Chăn nuôi chia sẻ, mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Hiện, chăn nuôi an toàn sinh học chỉ được thực hiện tốt tại các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại. Việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình chăn nuôi ở cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, chuồng trại, điều kiện cách ly không đáp ứng.

Tại các vùng chăn nuôi tập trung với mật độ cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Nhận thức của một bộ phận người chăn nuôi về an toàn sinh học còn hạn chế.

Việc kiểm soát buôn bán động vật, sản phẩm động vật, vận chuyển, giết mổ, đặc biệt là giết mổ nhỏ lẻ tại các chợ truyền thống còn nhiều khó khăn, nguy cơ lan truyền mầm bệnh rất cao… Đây là những rào cản cần sớm được tháo gỡ để mở đường cho nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Bình, các địa phương cần thực hiện rà soát, quy hoạch ngành chăn nuôi, khu giết mổ tập trung; bổ sung quy hoạch vùng chăn nuôi, đối tượng vật nuôi chủ lực hợp lý, ưu tiên vật nuôi có thị trường và khả năng chống chịu dịch bệnh.

Song song đó, khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư chăn nuôi tại các vùng, khu quy hoạch, chăn nuôi áp dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm môi trường theo quy định để có sản phẩm an toàn. Tạo quỹ đất để thu hút các doanh nghiệp hạt nhân tham gia đầu tư các trang trại “lõi” vào chăn nuôi trên địa bàn.

Ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam, cho biết: Hà Nam hiện có 1.192 trang trại chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó, khoảng 240 trang trại ứng dụng đồng bộ như giống năng suất cao, chuồng kín, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường...; 952 trại áp dụng một phần quy trình công nghệ vào chăn nuô; 19 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đa số tự động hóa trong các công đoạn sản xuất.

Thông qua các mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi sẽ nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chăn nuôi.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi bền vững”.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đánh giá, muốn phát triển chăn nuôi, không có con đường nào khác ngoài sản xuất an toàn. Nếu không kiểm soát được an toàn dịch bệnh, không nên chăn nuôi. Bởi lẽ, khi mất kiểm soát trong chăn nuôi không chỉ tạo ra những rủi ro cho chính hộ sản xuất mà còn tạo rủi ro cho cả một nền sản xuất, sức khỏe cộng đồng, môi trường.

Mặt khác, thị trường trong nước và thế giới ngày càng có những đòi hỏi cao hơn, không chỉ mua sản phẩm mà mua cả quy trình tạo ra sản phẩm nên hoạt động chăn nuôi không tự nâng tầm để theo kịp thị trường chắc chắn sẽ thụt lùi.

Giám đốc Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ cần thực hiện đối với những cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn mà còn cần phải được triển khai có hiệu quả tại những nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cần có sự chung tay, vào cuộc của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, người sản xuất) để cải tiến quy trình sản xuất, đưa các giải pháp công nghệ áp dụng hiệu quả vào thực tế chăn nuôi.

Khánh Ngân
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

    Nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

    Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

  • Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà còn vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

  • Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

Top