UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Hà Tĩnh đã nỗ lực và đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Kết quả đó có vai trò, đóng góp quan trọng của nông nghiệp – nông dân.
Nông nghiệp duy trì ổn định và có bước phát triển, khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành giai đoạn 2021-2023 đạt 3,15%, ước 9 tháng năm 2024 tăng trên 3%.
Xây dựng NTM trở thành phong trào sâu rộng, đạt kết quả quan trọng trong điều kiện nguồn lực khó khăn; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, hạ tầng nông thôn được quan tâm cải thiện, nâng cấp; nhiều khu dân cư kiểu mẫu trở thành vùng quê đáng sống. Toàn tỉnh có 253 sản phẩm được chứng nhận OCOP (7 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao).
Với chủ đề “Các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, tại hội nghị đối thoại, các đại biểu nông dân và doanh nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp đã phản ánh và kiến nghị đề xuất những nội dung liên quan đến sản xuất nông nghiệp hiện nay. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng do giá vật tư sản xuất nông nghiệp thường biến động, chất lượng một số loại không được kiểm soát nên người dân mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sản xuất.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ trăn trở về chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, số lượng lao động có tay nghề cao còn ít; nguồn lực lao động tham gia sản xuất nông nghiệp ngày càng già hoá nên việc nhân rộng và phát triển mô hình nông nghiệp thông minh gặp nhiều khó khăn.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu trong tỉnh.
Những kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách, đất đai, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thực hiện công tác chuyển đổi số ở khu vực nông thôn; xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung; nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng mà các đại biểu phản ánh…cũng được lãnh đạo các sở, ngành liên quan tiếp thu, giải trình và đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tại buổi đối thoại, đồng chí Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp thu các kiến nghị, từ đó tiếp tục tham mưu các giải pháp đưa lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Hội nghị đối thoại là diễn đàn quan trọng để Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân Hà Tĩnh trên hành trình phát triển tam nông.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của cán bộ, hội viên và doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phân tích, làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu quan tâm về cơ chế chính sách; về quản lý giống, vật tư nông nghiệp, liên kết sản xuất, vay vốn, đào tạo nghề, chuyển đổi số….
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, từ trước đến nay, tỉnh rất quan tâm và có nhiều chính sách về nông nghiệp, mới đây là tập trung chỉ đạo sửa đổi, bổ sung chính sách tập trung, tích tụ ruộng đất. Đồng thời, chỉ đạo Sở TN&MT và Sở NN&PTNT có hướng dẫn, “gỡ khó” để giải quyết đất dư thừa trong thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất; yêu cầu các địa phương quản lý, sử dụng đất dư thừa theo đúng quy định, tuyệt đối không lợi dụng chủ trương để khai thác, sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng môi trường, địa chất, thổ nhưỡng.
Về giống, vật tư nông nghiệp, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã có sự chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong thực tiễn sản xuất, mong bà con tuân thủ hướng dẫn về kỹ thuật, giống, đề án sản xuất của cơ quan chuyên môn.
Về vấn đề đầu ra nông sản, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường; xây dựng, phát triển có trọng tâm một số nhãn hiệu OCOP thực sự chất lượng, có tính đặc trưng vùng, miền cao, có hiệu quả kinh tế.
Về liên kết sản xuất, cần chú trọng khâu tham gia liên kết của DN, HTX, hộ nông dân; đẩy mạnh nhân rộng các mô hình liên kết đã phát huy hiệu quả thời gian qua; khuyến khích các địa phương xúc tiến, kết nối, hợp tác với các huyện bạn, tỉnh bạn.
Đồng chí Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Hà Tĩnh, Sở LĐ-TB&XH, Sở TT&TT tiếp tục quan tâm, tháo gỡ các vướng mắc về tín dụng nông nghiệp, đào tạo nghề, chuyển đổi số. Các cấp, ngành tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho nông dân về các chủ trương, chính sách; tạo thuận lợi để nông dân phát triển sản xuất.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Hội Nông dân các cấp và hội viên nông dân toàn tỉnh tiếp tục tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, của tỉnh; Đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn với thị trường để tạo sự phát triển bền vững. Cùng với đó, mỗi cán bộ, hội viên nông dân cần phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tích cực thực hiện các phong trào thi đua, nỗ lực cùng với cả hệ thống chính trị sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh NTM...
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.