Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 24 tháng 9 năm 2024 | 20:37

Mưa giảm, lũ rút chậm, Hà Nội nỗ lực phục hồi sản xuất nông nghiệp

Mặc dù Hà Nội đã hết mưa to trong những ngày vừa qua, nhưng nước ở sông Tích, sông Bùi, sông Đáy chảy qua địa bàn nước vẫn còn ở mức cao. Với tốc độ lưu thoát như hiện nay, vùng thấp trũng, ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức còn ngập lụt 4-6 ngày tới. Do đó, sản xuất nông nghiệp ở những vùng ngập lụt, những địa phương bị ảnh hưởng do bão vẫn chưa thể diễn ra bình thường,

Nhiều địa phương của Hà Nội vẫn còn ngập lụt

Mặc dù trong những ngày vừa qua, khu vực Hà Nội không còn mưa như những thời gian trước, tuy nhiên hình thế thời tiết vẫn còn có những diễn biến bất thường. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, từ nay đến ngày 28/9, hình thế thời tiết chính tại thành phố Hà Nội là ngày nắng, đêm có mưa vài nơi. Từ ngày 29/9 đến 3/10, thành phố Hà Nội mưa rào và dông rải rác.

Mực nước sông Bùi, đoạn qua huyện Chương Mỹ ngày 24/9 vẫn ở mức trên báo động lũ cấp III. Ảnh Kim Nhuệ

Hiện, mực nước thực được đo vào hồi 19h ngày 23/9 trên các sông: Hồng, Đà, Đuống, Cầu, Cà Lồ, Mỹ Hà ở mức dưới báo động lũ cấp I; sông Nhuệ xấp xỉ báo động lũ cấp I; sông Đáy trên báo động lũ cấp I; sông Bùi, sông Tích ở mức trên báo động lũ cấp III.

Theo dự báo trong những giờ tới, lũ trên các sông: Tích, Bùi, Đáy tiếp tục rút nhưng tốc độ rất chậm, mực nước sông Tích trong ngày 24/9 ở mức 8,3m, trên báo động lũ cấp III là 30cm, giảm 5cm so với 19h ngày 23/9; sông Bùi ở mức 7,4m, trên báo động lũ cấp III là 40cm, giảm 5cm…

Với tốc độ lưu thoát như hiện nay, vùng thấp trũng, ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức còn ngập lụt 4-6 ngày tới; vùng ven sông Tích thuộc huyện Thạch Thất, Quốc Oai là 3-5 ngày.

Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, tính đến 19h ngày 23-9, trên địa bàn thành phố còn 12.313 người phải sơ tán, tránh ngập lụt; trong đó, huyện Chương Mỹ còn 8.547 người, huyện Mỹ Đức 2.408 người, huyện Quốc Oai 944 người, huyện Thạch Thất 129 người, thị xã Sơn Tây 117 người…

Xã Nam Phương Tiến vẫn bị ngập nước

Với tình hình ngập lụt tại các địa phương do nước lũ rút chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc khôi phục lại sản xuất nông nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đang vận hành 170 trạm bơm với 584 tổ máy, tổng lưu lượng bơm tiêu gần 1,821 triệu mét khối trên giờ.

Hỗ trợ để nông dân vượt qua khó khăn

Do ảnh hưởng của bão số 3 đã khiến 1.658ha diện tích trồng trọt của huyện Gia Lâm bị ảnh hưởng, trong đó có 127ha lúa, 946ha cây ăn quả, 112ha rau mầu bị ngập; 272ha hoa, cây cảnh bị đổ; khoảng 5.274 cây xanh bóng mát bị ảnh hưởng; 31ha diện tích thủy sản bị ảnh hưởng tại các xã Văn Đức, Phù Đổng, thị trấn Trâu Quỳ; khoảng 40ha diện tích nhà màng, nhà lưới, nhà kính bị hư hỏng tại các xã Yên Viên, Văn Đức; 13 công trình chuồng trại chăn nuôi bị ảnh hưởng tại các xã Đình Xuyên, Dương Xá, Đa Tốn, Phù Đổng.

Trước tình trạng thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và các phòng, ban liên quan hướng dẫn Nhân dân vệ sinh đồng ruộng, khi nước rút khẩn trương chăm sóc diện tích cây trồng có khả năng hồi phục; triển khai kế hoạch gieo trồng bổ sung các loại cây rau màu ngắn ngày. Đồng thời, tổ chức vệ sinh tiêu độc khu chuồng trại và các khu vực chăn nuôi; triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; củng cố lại bờ bao các ao hồ, ổn định nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời huyện Gia Lâm dự kiến hỗ trợ tùy theo mức độ thiệt hại từ 30 – 70. Theo đó, đối với diện tích cây trồng, huyện dự kiến hỗ trợ từ 1 – 2 triệu đồng/ha lúa, ngô và rau màu; từ 2 – 4 triệu đồng/ha đối với diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm. Đối với diện tích nuôi thủy, hải sản, huyện dự kiến hỗ trợ từ 3 – 10 triệu đồng/ha với diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa; từ 3 – 10 triệu đồng/m3 đối với diện tích nuôi cá lồng, bè nước ngọt; từ 10 – 30 triệu đồng/ha đối với diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh; từ 2 – 6 triệu đồng/ha đối với diện tích nuôi trồng các loại thủy, hải sản khác.

Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm bị thiệt hại, hỗ trợ từ 10.000 – 35.000 đồng/con gia cầm; từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/con lợn; từ 1 – 10 triệu đồng/con bê cái hoặc bò sữa; từ 500.000 đồng đến 6 triệu đồng/con trâu, bò, ngựa.

Vựa rau lớn đang khôi phục sản xuất

Huyện Mê Linh được xem là một trong những vùng chuyên canh rau lớn nhất của TP. Hà Nội với tổng diện tích khoảng 1.000ha. Trong đó, riêng xã Tráng Việt chiếm gần 1/3 tổng diện tích (khoảng 300ha).

Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, vựa rau thôn Đông Cao (xã Tráng Việt) rộng hơn 200ha bị ngập sâu nước. Toàn bộ diện tích canh tác rau của bà con nông dân bị “mất trắng”, chỉ còn lại bùn đất.

Nông dân tại thôn Đông Cao ra đồng tập trung trồng rau cho vụ mới.

Những ngày qua, tranh thủ thời tiết không mưa, nước rút, bà con nông dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt tích cực xuống đồng thu dọn rau màu bị chết, tập trung làm đất để vào vụ mới.

Để tiết kiệm chi phí sản xuất, bà con nông dân tiến hành gieo trồng cây giống rau. Điều này cũng nhằm bảo đảm chất lượng rau tại thôn Đông Cao, vốn đang được nhiều người tiêu dùng biết đến, lựa chọn.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt) Đàm Văn Đua cho biết, với tiến độ sản xuất khẩn trương như hiện nay, dự kiến trong 20 - 25 ngày nữa, vựa rau thôn Đông Cao sẽ cho lứa thu hoạch đầu tiên. Hàng trăm tấn rau sẽ sớm được cung ứng cho thị trường, đáp ứng nhu cầu rau xanh phục vụ người dân Thủ đô.

Để khôi phục và ổn định lại sản xuất nông nghiệp Thủ đô, sau khi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền, các doanh nghiệp và rất cần thời gian. Bởi lẽ đến nay, tại nhiều địa phương, nước vẫn chưa rút hết, bên cạnh đó người nông dân còn cần phải khắc phục những thiệt hại do bão gây ra, xây dựng lại chuồng trại, khu vực chăn nuôi, gieo trồng lại những diện tích rau màu, cây ăn quả…đã bị chết do ngập lụt và rất nhiều công việc khác. Vì vậy, ổn định được sản xuất là công việc hết sức khó khăn đối với người nông dân ngay lúc này, thay thế cây trồng cho thu hoạch ngắn ngày, lựa chọn cây giống phù hợp là việc làm đầu tiên rất quan trọng.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top