Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 30 tháng 9 năm 2024 | 15:57

Khẩn trương thu hoạch vụ hè thu ở Quảng Nam

Theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Sương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, trong số 37.094ha lúa chủ động nguồn nước tưới của vụ hè thu 2024, tính đến giữa tháng 9 nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được gần 34.730ha; các loại cây trồng khác ngoài lúa cũng được nông dân hối hả thu hoạch trước khi mùa mưa đến.

Thu hoạch xong vụ bắp, lúa trước mùa mưa

Theo bà Nguyễn Thị Sương, qua thống kê ban đầu tại các địa phương, vụ hè thu năm nay năng suất lúa bình quân của Quảng Nam đạt khoảng 59 tạ/ha.

Được biết, trong số 2.364ha lúa chủ động nước tưới chưa thu hoạch, chủ yếu tập trung ở Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ và một số huyện miền núi.

Theo ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, nông dân trên địa bàn đã thu hoạch khoảng 3.200ha lúa hè thu, ngày 7/9 tới sẽ gặt xong toàn bộ diện tích.

Các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu. (Ảnh: Mai Nhi)

Các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu. (Ảnh: Mai Nhi)

Ông Nguyễn Chí Công cho biết, vụ hè thu 2024 nông dân trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện gieo sạ hơn 3.480ha lúa, chủ yếu cơ cấu những loại giống trung - ngắn ngày có chất lượng tốt như VNR20, TBR97, Hà Phát 3, ĐT100…

Theo ông Công, trong tổng số diện tích lúa nêu trên, tính đến giữa tháng 9 nông dân đã thu hoạch khoảng 3.200ha, còn lại hơn 280ha phấn đấu ngày 7/9 sẽ gặt xong.

Qua khảo sát và đánh giá tại nhiều vùng cho thấy, vụ hè thu năm nay năng suất lúa bình quân của huyện Duy Xuyên đạt khoảng 61 tạ/ha, tăng 2,25 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm 2023.

Bên cạnh đó, tại địa phương khác là huyện Hiệp Đức, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, nông dân chú trọng đầu tư thâm canh và chủ động phòng trừ dịch hại nên vụ hè thu năm 2024 này năng suất lúa và bắp của huyện miền núi Hiệp Đức đạt khá cao.

Nhìn hàng chục bao lúa vừa phơi khô, ông Nguyễn Văn Bình ở xã Quế Thọ (Hiệp Đức) chia sẻ: “Hè thu năm nay gia đình tôi gieo sạ 5 sào lúa bằng những loại giống trung - ngắn ngày theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Nhờ nguồn giống có chất lượng tốt, nước tưới đảm bảo suốt cả vụ, đặc biệt là các loại sâu bệnh nguy hiểm ít phát sinh gây hại nên toàn bộ diện tích lúa đều phát triển tốt và cho năng suất cao. Theo ước tính sơ bộ, vụ này bình quân 1 sào thu được 300kg lúa khô, tăng 20 - 30kg so với vụ hè thu năm trước”.

Ông Đặng Ngọc Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Thọ cho biết, vụ hè thu 2024 nông dân địa phương canh tác gần 330ha lúa, trong đó diện tích chủ động nước tưới là 301ha và phụ thuộc nước trời xấp xỉ 29ha.

Nhờ nhiều yếu tố thuận lợi nên vụ này Quế Thọ được mùa lúa. “Qua thống kê tại nhiều vùng cho thấy, hè thu năm nay năng suất lúa bình quân của xã đạt 59,56 tạ/ha, tăng hơn 1,5 tạ/ha so với kế hoạch đặt ra cũng như so với cùng vụ sản xuất năm ngoái” - ông Tài nói.

Hè thu năm nay năng suất lúa bình quân của Duy Xuyên đạt khoảng 61 tạ/ha, tăng 2,25 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm 2023. (Ảnh: Nhã Phương)

Hè thu năm nay năng suất lúa bình quân của Duy Xuyên đạt khoảng 61 tạ/ha, tăng 2,25 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm 2023. (Ảnh: Nhã Phương)

Ông Lê Văn Bảy - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho hay, hè thu 2024, nông dân trên địa bàn huyện sản xuất tổng cộng 930ha lúa, chủ yếu cơ cấu những loại giống trung, ngắn ngày có chất lượng tốt như BC15, TBR225, TBR87, TBR1, Bắc Thịnh, Thiên Ưu 8, Hà Phát 3, VNR20...

Vụ này, thời tiết tương đối thuận lợi, nhất là nắng hạn không hoành hành trên diện rộng như các năm trước. Đặc biệt, phần lớn nông dân chú trọng đầu tư thâm canh, chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp trên đồng ruộng. Từ những yếu tố trên, vụ hè thu này Hiệp Đức được mùa lúa toàn diện.

Theo thống kê, tính đến ngày 5/9/2024, nông dân Hiệp Đức đã thu hoạch xong toàn bộ 930ha lúa. Hè thu năm nay năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt khoảng 57,5 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha so với hè thu 2023.

Ông Lê Văn Bảy cho biết thêm, ngoài số diện tích lúa nêu trên, vụ hè thu này nông dân Hiệp Đức còn gieo trồng 127ha bắp các loại. Theo thống kê ban đầu, năng suất bắp bình quân toàn huyện cũng đạt khá cao, khoảng 54 tạ/ha…

Hối hả thu hoạch các loại cây trồng khác tại Duy Xuyên

Để ứng phó với thời tiết bất lợi, nông dân huyện Duy Xuyên đang khẩn trương thu hoạch hoa màu, hạn chế thiệt hại do ngập úng gây ra.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trong suốt các ngày 18 và 19 vừa qua đã khiến nhiều diện tích rau màu của nông dân trên địa bàn huyện Duy Xuyên bị ngập úng, dập nát.

Chiều nay 18/9, trên các cánh đồng chuyên canh rau màu ở thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước), nông dân địa phương tất bật ra đồng thu hoạch các loại rau, củ, quả.

Xã Duy Phước hiện còn 40ha rau, củ, quả tới kỳ thu hoạch. (Ảnh: Hoài Nhi)

Xã Duy Phước hiện còn 40ha rau, củ, quả tới kỳ thu hoạch. (Ảnh: Hoài Nhi)

Mưa lớn nhiều giờ khiến các loại rau cải, mồng tơi, rau muống, tía tô... nằm bẹp lẫn với bùn đất, tưởng chừng chỉ cần vài trận mưa lớn tiếp theo đủ khiến số nông sản này không thể cứu vãn.

Vừa đưa tay cắt từng bó rau muống, bà Lê Thị Thuẫn - người dân địa phương cho hay, từ giữa tháng 8 dương lịch, gia đình xuống giống 3 sào rau muống. Nhờ chăm bón kỹ lưỡng nên mấy sào rau phát triển xanh tốt và vừa đến kỳ thu hoạch.

“Lúc sáng, thấy trời mưa to, tôi huy động hết người trong nhà ra thu hoạch được chừng nào hay chừng ấy, chứ theo dự báo mưa lớn vẫn còn kéo dài. Mấy ngày trước, mỗi ngày thu hoạch gần 20kg rau muống, còn thời điểm mưa gió như này phải cố gắng thu hoạch gấp đôi bán tháo cho thương lái” - bà Thuẫn nói.

Theo ông Nguyễn Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước, vụ thu đông năm nay, nông dân trên địa bàn xã canh tác 40ha các loại rau, củ, quả và hiện đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, mưa lớn từ đêm qua tới nay đã khiến nhiều diện tích chìm ngập trong nước, gây thiệt hại khá lớn.

Nông dân ra đồng nạo vét luống, rãnh để tiêu úng kịp thời. (Ảnh: Hoài Nhi)

Nông dân ra đồng nạo vét luống, rãnh để tiêu úng kịp thời. (Ảnh: Hoài Nhi)

Không riêng xã Duy Phước, ở nhiều vùng chuyên canh rau màu khác của huyện Duy Xuyên, ai nấy cũng tất bật, gồng mình đội mưa thu hoạch nông sản để vớt vát phần nào công sức.

Theo ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, toàn huyện hiện còn 155ha sắn, 24ha lúa cấy kỳ, 160ha rau màu các loại chưa thu hoạch.

“Để ứng phó với mưa lũ, chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên khuyến cáo bà con nông dân khẩn trương thu hoạch rau màu càng sớm càng tốt; đồng thời nạo vét luống, rãnh để tiêu úng kịp thời” - ông Công nói.

 

Anh Vũ (Tổng hợp từ Báo Quảng Nam)
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

    Nâng mức cho vay phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

    Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

  • Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà còn vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

  • Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

  • Câu chuyện XD NTM ở vùng đất khó Mường Lát

    Câu chuyện XD NTM ở vùng đất khó Mường Lát

    Sau năm 1996, huyện Mường Lát được tách khỏi huyện Quan Hóa, đây là một huyện xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, đường xá giao thông cực kỳ khó khăn, quy mô nền kinh tế gần như không có gì. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Mường Lát đang trên đường xây dựng nông thôn mới (NTM) trong bối cảnh cũng cực kỳ khó khăn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh.

  • Hà Tĩnh tập trung cao nhất cho mục tiêu hoàn thành các tiêu chí tỉnh nông thôn mới

    Hà Tĩnh tập trung cao nhất cho mục tiêu hoàn thành các tiêu chí tỉnh nông thôn mới

    Năm 2024, mục tiêu của Hà Tĩnh là được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), làm tiền đề tổng kết đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

  • Dấu ấn nông thôn Hà Nội

    Dấu ấn nông thôn Hà Nội

    Tôi sinh ra ở nơi giáp Thủ đô không thể gần hơn và chỉ mới chứng kiến Hà Nội “thay da đổi thịt” gần 30 năm. Nhưng, ấn tượng trong tôi về Hà Nội thực sự thay đổi từng ngày.

Top