Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 23 tháng 9 năm 2024 | 10:56

Đa dạng sản phẩm từ rơm rạ: Gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập

Trước đây, sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ được người dân xử lý bằng cách đốt đồng, chỉ một số ít được thu gom để đun nấu, làm thức ăn cho gia súc, nguyên liệu trồng nấm, ủ mục làm phân để phủ lên các luống rau màu… Rơm rạ bị đốt không những gây lãng phí tài nguyên, giảm đa dạng sinh học mà còn gây môi trường, mất an toàn giao thông...

Ngày nay, khi kinh tế tuần hoàn là xu thế chung của nhân loại, việc xử lý rơm rạ đã và đang mang nhiều giá trị, vừa giúp tăng thu nhập, đa dạng sinh kế cho nông dân và các tác nhân liên quan, vừa giảm ô nhiễm môi trường, cải tạo đất, giảm phát thải...

Lợi bất cập hại

Đốt rơm rạ tự phát mỗi khi vào mùa vụ thu hoạch gây  trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Đơn cử, những lúc cao điểm của mùa gặt tại các tỉnh miền Bắc, phần lớn rơm rạ sau thu hoạch được bà con xử lý bằng cách đốt, có nơi lên đến 90%. Khắp các ngả đường từ làng quê đến thành phố, cứ vào khoảng 16 - 17 giờ lại được bao trùm bằng khói bụi do người dân tranh thủ đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch. Khói bụi, đặc biệt là thời điểm này trùng với những ngày nắng nóng oi bức ở miền Bắc  khiến cho không khí càng ngột ngạt hơn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông do bị giảm tầm quan sát...

Người dân đốt rơm rạ tại cánh đồng thuộc tổ dân phố Minh Phượng, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng - Bắc Giang).

Không chỉ riêng miền Bắc, các tỉnh thành phía Nam cũng trong tình trạng tương tự, thông thường, cứ hết vụ lúa đông xuân, nông dân ở nhiều địa phương thường đốt rơm, làm đất để chuẩn bị cho vụ lúa tiếp theo. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đốt rơm rạ trên đồng như: Người dân không có nhu cầu sử dụng rơm nên đốt để lấy tro bón ruộng; việc sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ rơm, rạ thành phân bón chưa thật sự thuận tiện, mất nhiều công sức nên nông dân chưa mặn mà.

Cụ thể, xã hội phát triển, hàng loạt bếp đun nấu hiện đại ra đời cùng với các hộ gia đình không còn chăn nuôi gia súc khiến rơm rạ trở nên dư thừa, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt nhiều lần và lâu dài làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng, tiêu diệt các loại côn trùng có ích, làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây bùng phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc nông dân phải sử dụng lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, chi phí sản xuất vì thế tăng cao.

Đặc biệt, việc đốt rơm rạ ngoài trời còn gây ra hậu quả như ô nhiễm không khí và khói, gia tăng nhiệt độ cục bộ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng về lâu dài do nguy cơ phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ, tồn tại bền vững trong môi trường.

Theo đó, khói được đốt từ rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO, đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Không những vậy, với lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông.

Được biết, hằng năm Cảng vụ Hàng không miền Bắc đều có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn và 5 xã quanh sân bay ngăn chặn việc người dân đốt rơm rạ sau khi liên tục bị khói từ các đám cháy làm hạn chế tầm nhìn của phi công khi hạ cánh. Việc nhiều người dân đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch phát sinh nhiều khói, tiềm ẩn nguy cơ gây uy hiếp trực tiếp đến hoạt động bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Không những thế, việc đốt rơm rạ còn vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 41 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ (bị phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính).

Tận dụng rơm rạ làm phân bón hữu cơ

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích trồng lúa 4 triệu hecta, sản lượng lúa đạt gần 24 triệu tấn/năm, tạo ra 24,4 triệu tấn rơm rạ và 4,8 triệu tấn vỏ trấu. Trong 24,4 triệu tấn rơm, có 70% được đốt hoặc vùi vào ruộng; 30% được thu gom để trồng nấm, che phủ và đóng hàng trái cây, làm thức ăn gia súc và mục đích khác. Trong 4,8 triệu tấn vỏ trấu, có 49% được sử dụng cho các nhà máy sấy, 20% cho công nghiệp, 16% đóng bánh củi trấu, 6% làm vật liệu xây dựng và 9% cho mục đích khác.

Sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ bằng cơ giới hóa đem lại hiệu suất cao hơn, phục vụ nông nghiệp tuần hoàn.

Theo ông Tùng, ngành Nông nghiệp phát thải 88,6% triệu tấn carbon/năm. Trong nông nghiệp, 75% tổng lượng khí thải là methane, trong đó 75% là từ sản xuất lúa. Hiện nay, một số địa phương vẫn tập trung vào mục tiêu kinh tế, an ninh lương thực, chưa chú trọng vấn đề giảm phát thải.

Nếu rơm rạ được tái chế và tái sử dụng một cách hiệu quả, sẽ đem lợi ích to lớn cho nông dân, doanh nghiệp và bảo vệ môi trường, bao gồm giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, việc chuyển đổi ngành lúa gạo Việt Nam theo mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu cấp bách. Với sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo.

Theo ông Nam, với khối lượng hàng chục triệu tấn rơm rạ, vỏ trấu, hoàn toàn có khả năng sản xuất ra hàng triệu tấn năng lượng sinh khối xanh. Việc này không chỉ giúp giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Nói về cách xử lý rơm rạ sau thu hoạch một cách hiệu quả, các chuyên gia khuyến cáo, thay vì đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng, bà con nên thu gom về nhà phơi khô làm nguồn thức ăn cho trâu, bò. Đối với những gia đình không có trâu, bò, nên sử dụng phương pháp ủ rơm rạ tại ruộng để tận dụng làm nguồn phân bón. Rơm rạ là phụ phẩm nông nghiệp sau quá trình thu hoạch lúa, nếu tận dụng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.

Theo tiến sỹ Trần Đình Mấn, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, việc sử dụng rơm rạ đúng mục đích không chỉ giúp cải tạo đất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường. Phân bón hữu cơ từ rơm rạ góp phần gia tăng độ mùn, bổ sung chất dinh dưỡng, nâng cao chất lượng cây trồng.

Tiến sỹ Mấn cho rằng, nên sử dụng chế phẩm sinh học để biến rơm rạ thành phân bón tốt cho đồng ruộng. “Chế phẩm vi sinh học dạng bột có chứa 12 - 15 loại vi sinh vật được phân lập tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là các xạ khuẩn, chủng men có khả năng sinh ra các enzyme khác nhau để phân hủy chất hữu cơ trong rác và rơm rạ”, tiến sỹ Mấn cho hay.

Trong chế phẩm vi sinh học còn có các vi sinh vật có thể chống chọi với một số bệnh cây trồng, và các vi sinh vật giúp cây trồng tăng trưởng tốt.

Theo tính toán, cứ 1ha lúa sẽ cho khoảng 10 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ làm lãng phí nguồn chất hữu cơ làm phân bón. Tuy nhiên nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học, sẽ thu được khoảng 400kg phân hữu cơ. Hiện nay, sản xuất lúa Việt Nam đạt khoảng 42 triệu tấn/năm, tạo ra lượng rơm rạ  gần 45 triệu tấn. Nếu đem xử lý, sẽ được 20 triệu tấn phân hữu cơ, giúp nông dân đỡ phải bỏ gần 11.000 tỷ đồng mua phân hóa học - tương đương 200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali.

Nông dân có thêm nguồn thu

Sinh sống ở vùng quê nghèo, nhận thấy giá trị kinh tế  từ rơm rạ, năm 2013, anh Văn Anh (xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) khăn gói vào miền Nam tìm hiểu cách gom rơm, trữ rơm, bán rơm. Sau hơn nửa tháng học hỏi kinh nghiệm, anh dốc toàn bộ số tiền tích trữ mua máy cuộn rơm trị giá hơn 100 triệu đồng và hành nghề gom rơm.

Nhờ chịu thương chịu khó và ham học hỏi, quy mô sản xuất rơm của gia đình ngày càng lớn, từ đó thị trường tiêu thụ mở rộng. Để phát triển, mở rộng mô hình, anh Văn Anh  đầu tư thêm máy móc và thuê 22 lao động. Hết Nghệ An, Hà Tĩnh, nhóm lao động của anh Anh lại “hành quân” ra các tỉnh phía Bắc, như: Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình... để gom rơm. Mùa vụ gom rơm bắt đầu từ cuối tháng 4, kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm. Mỗi vụ thu hoạch, đội thu gom rơm của anh thu về hàng nghìn tấn rơm.

Đáng chú ý, trừ chi phí nhân công, xăng xe, hao mòn máy móc, anh Anh thu về  400 - 500 triệu đồng/vụ. Mỗi bó rơm 18 - 20kg có giá bán 20.000 - 25.000 đồng, sấy khô là 40.000 đồng/cuộn. Rơm sau khi phơi sấy, đóng thành từng khối sẽ xuất đi các trang trại chăn nuôi trong tỉnh Nghệ An hoặc vận chuyển ra một số tỉnh phía Bắc.

Ông Vũ Tuấn Hiệp (xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) giới thiệu quy trình trồng nấm sạch từ rơm.

Tương tự,  HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp ở tại xã Hồng Thuận  (Giao Thủy - Nam Định) đang sản xuất nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm Linh chi, mộc nhĩ... trên diện tích hơn 3.000m2 với 2 dòng nấm chủ lực là nấm đùi gà, nấm sò.

Trung bình, mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn nấm các loại với giá bán 160.000 đồng/kg mộc nhĩ khô, 800.000 đồng/kg nấm Linh chi khô, 35.000 - 40.000 đồng/kg nấm sò tươi, 50.000 đồng/kg nấm đùi gà tươi… Đặc biệt, 2 sản phẩm mặc dù mới ra mắt nhưng được người tiêu dùng đón nhận là nem nấm với giá 180.000 đồng/kg và giò nấm 130.000 đồng/kg. Với tổng doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về chiếm trên 80%,  đầu ra của sản phẩm rất thuận lợi, cung không đủ cầu.

Vụ đông xuân vừa qua, ông Lâm Thanh Mến ở ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) không chỉ bán lúa được giá cao mà còn kiếm thêm một khoản tiền kha khá nhờ bán rơm khô. Tiền công cuốn 1 cuộn rơm là 8.000 đồng, giá bán 1 cuộn rơm tại ruộng hơn 20.000 đồng. Ngoài ra, những chủ ruộng không có nhu cầu lấy rơm thì bán nguồn rơm lại với giá 100.000 - 150.000 đồng/công (1.000m2).

Không chỉ bán rơm lấy tiền, nhiều hộ  xã Vĩnh Phú Đông còn thu gom để trồng nấm rơm, làm phân bón hữu cơ và phục vụ nhiều hoạt động sản xuất khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình 1 cuộn rơm sẽ cho 1,5 - 2kg nấm, tùy theo thời điểm, có lúc bán được với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg nấm rơm.

Có thể nói, tận dụng rơm rạ không chỉ giúp nông dân bớt vất vả mà còn là một nguồn thu đáng kể cho bà con sau hạt lúa. Nếu không tái sử dụng rơm, nông dân có thể bán cho doanh nghiệp. Nông dân đã ý thức được việc “đốt rơm là đốt tiền”.

Cách làm của Vĩnh Phúc

Để tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu và xử lý việc đốt rơm rạ  không đúng quy định, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có chính sách hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa giai đoạn 2022 - 2024. Cụ thể, năm 2024, tỉnh hỗ trợ hơn 14 tỉ đồng để mua chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa vụ xuân chuyển sang vụ mùa, giao cho Trung tâm Khuyến nông làm đơn vị đầu mối thực hiện, cấp phát 140.000kg chế phẩm xử lý cho diện tích 5.000ha.

Những huyện trọng điểm lúa của tỉnh như Yên Lạc, Vĩnh Tường được hỗ trợ 1.000ha; những huyện có diện tích lúa nhỏ hơn như: Bình Xuyên, Sông Lô, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch được hỗ trợ 500-750ha; những thành phố như Phúc Yên, Vĩnh Yên được hỗ trợ 100ha. Quy trình kỹ thuật để xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh cũng được Trung tâm Khuyến nông phổ biến cho các địa phương và nông dân.

Cụ thể, sau khi thu hoạch lúa, nông dân cho nước vào ruộng giữ ở mức 2-3cm, bón vôi, dùng máy phay qua một lần cho dập gốc rạ, sau đó dùng chế phẩm vi sinh rải đều trên mặt với số lượng 1 kg/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), nâng mực nước thêm, giữ ở mức 7-10 cm trong vòng 10-15 ngày rồi bừa, bón lót, gieo cấy.

Việc xử lý vi sinh phân hủy rơm rạ không chỉ giúp tiết kiệm phân bón, cải tạo đất, giảm ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ mà còn giúp cây lúa phát triển nhanh, bộ rễ khỏe, đẻ nhánh tập trung, không bị hiện tượng nghẹt rễ, vàng lá sinh lý, giảm bớt việc sử dụng thuốc BVTV hóa học.

Kỳ vọng từ Đề án 1 triệu hecta lúa

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ chuỗi giá trị. Quy trình canh tác này sẽ mang toàn bộ rơm ra khỏi đồng ruộng, giảm giống, giảm phân thuốc, giúp giảm phát thải khí nhà kính một cách bền vững.

Thời gian qua, tại TP. Cần Thơ và nhiều địa phương vùng ĐBSCL, nông dân đã được các ngành chức năng hỗ trợ xây dựng và phát triển nhiều mô hình hiệu quả trong sử dụng rơm rạ và trấu như sử dụng rơm trồng nấm, sau đó tái sử dụng bã rơm để làm phân bón hữu cơ bón lại cho cây trồng hay sử dụng rơm làm thức ăn và làm đệm lót sinh học cho chăn nuôi gia súc...

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ, cho hay, nếu trồng lúa truyền thống không tận dụng rơm, người nông dân có tổng thu nhập 86 triệu đồng/ha/năm. Nếu tận dụng các sản phẩm từ rơm như dùng rơm để trồng nấm, làm phân hữu cơ từ bã nấm rơm, trồng lúa sử dụng phân hữu cơ này thì tổng thu nhập lên tới 133,5 triệu đồng/ha/năm.

Từ đây có thể thấy, Đề án 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao sẽ là đòn bẩy giúp người dân có thêm thu nhập từ rơm rạ, qua đó, góp phần tăng thêm giá trị và nguồn thu nhập cho người trồng lúa trên cùng diện tích canh tác và làm giảm phát thải khí nhà kính từ trồng lúa.

Do vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần chú trọng đến công tác đào tạo để người nông dân nắm vững, thuần thục  kỹ thuật; sớm đưa vào chương trình càng nhanh, càng tốt những tiến bộ khoa học công nghệ, giống lúa có đặc điểm nổi trội về dinh dưỡng; có hệ thống giám sát, báo cáo được quốc tế công nhận để sản phẩm của Đề án thực sự là “gạo chất lượng cao, carbon thấp”.

Bên cạnh đó, phải có cơ chế quy định rõ lợi ích của các doanh nghiệp khi tham gia triển khai Đề án; đầu tư mạnh mẽ cho cơ giới hoá và hệ thống hạ tầng thuỷ lợi để giữ nước ngọt phục vụ sản suất lúa gạo; có cơ chế điều phối hoạt động xuất khẩu gạo để bảo đảm tối đa quyền lợi của người nông dân và ngành hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam; tăng cường công tác thông tin, truyên truyền nâng cao nhận thức về Đề án.

Bà Yvonne Pinto, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), cho rằng, với điều kiện Việt Nam hiện nay, nông dân có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Vì vậy, việc quan trọng nhất là, phải có những chính sách mang lại lợi ích cho nông dân để bà con tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa, gạo.

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top