Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 10 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024 | 18:34

Đề xuất hỗ trợ người trồng đào, quất bị thiệt hại do bão số 3

Sau cơn bão số 3, không chỉ người dân trồng đào Nhật Tân, quất ở Tứ Liên (quận Tây Hồ) bị mất trắng, mà người dân trồng quất cảnh ở Tàm Xá (Đông Anh) cũng “trắng tay”.

Bí thư quận Tây Hồ đề xuất hỗ trợ cho người dân trồng đào, quất

Ngày 4/10, tại phiên thảo luận về Nghị quyết Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ đông góp phần khắc phục hậu quả của bão số 3 (bão Yagi) trên địa bàn thành phố Hà Nội, đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Bí thư quận Tây Hồ) đề xuất cơ chế hỗ trợ cho người trồng đào, quất bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão Yagi.

Hàng nghìn gốc đào ở Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội bị mất trắng do lũ lụt sau bão Yagi. Ảnh: Ngọc Thành

Theo bà Hằng, bão Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân, với hơn 65 ha đào (chiếm 65,4% tổng diện tích) bị mất trắng, tương đương gần 40 tỷ đồng. Gần như toàn bộ diện tích quất (27,5 ha, chiếm trên 90%) cũng bị thất thu, gây thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng. Quận Tây Hồ đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất hỗ trợ 60 triệu đồng/ha với chủ vườn đào và 90 triệu đồng/ha với người trồng quất.

"Chúng tôi kiến nghị thành phố cho phép quận sử dụng ngân sách địa phương để triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, trước Tết Nguyên đán", Bí thư quận Tây Hồ nói.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, ngay sau bão Yagi, Sở đã tham mưu thành phố nhiều giải pháp đồng bộ để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân. Trong đó, 220 tỷ đồng được dùng để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại và bổ sung 1.200 tỷ đồng cho các quỹ cho vay.

Về đề xuất của quận Tây Hồ, ông Đại cho hay theo nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ, địa phương sẽ chủ động bố trí ngân sách; thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại để hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, mức hỗ trợ theo nghị quyết trên rất thấp, với cây trồng tối đa là 2 triệu đồng/ha; với vật nuôi tối đa 6 triệu đồng. Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi Nghị định này, đề xuất mức hỗ trợ tối đa với cây trồng là 60 triệu đồng/ha.

Nên hỗ trợ cho cả bà con trồng quất cảnh Tàm Xá

Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng hàng năm của xã Tàm Xá là trên 200 ha, gần 90 ha được Nhân dân dành cho trồng quất cảnh. Quất Tàm Xá có “thương hiệu” như hôm nay chính là nhờ sự cần cù và tình yêu cây của người nông dân. Nhờ cây quất, đời sống của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao. Quất đã trở thành cây mũi nhọn, đem lại thu nhập cao cho  người nông dân. Năm 2023, bà con trồng quất ở đây thu nhập đạt 73,12 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã Tàm Xá đạt 174 tỷ đồng, giá trị sản xuất của nghề trồng quất ước đạt 2,5 tỷ đồng/ha.

Diện tích trồng quất cảnh của bà con Tàm Xá (Đông Anh) cũng mất đến 90%

Cơn bão số 3 làm cho hơn 90% diện tích trồng quất cảnh tại làng Tàm Xá (Đông Anh - Hà Nội) bị thiệt hại nặng nề, không những quất cảnh bị ngập nước chết, mà ngay cả quất giống cũng không còn cây nào. Bà con trồng quất ở đây cho biết, thời gian tới, chúng tôi cũng chưa biết tìm mua quất giống ở đâu để trồng cho những vụ quất tiếp theo.

Sau khi bão tan, các ngành chức năng và huyện Đông Anh có về xem xét, đánh giá thiệt hại. Nhưng, số tiền hỗ trợ cho bà con trồng quất tại đây lại rất ít, chỉ 2 triệu đồng/ha, hơn nữa thủ tục lại khá phiền hà. Để nhận được khoản tiền hỗ trợ, chúng tôi phải kiểm đếm, chụp ảnh toàn bộ cây quất chết, kê khai và có xác nhận của chính quyền xã… Chúng tôi thấy phức tạp quá, nên cũng chưa ai làm, bà con trồng quất ở đây cho biết.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang căn cứ vào Luật Thủ đô (sửa đổi) để hoàn thiện chính sách hỗ trợ nông dân, trong đó có các nội dung cụ thể về hỗ trợ phục hồi sản xuất sau thiên tai. Dự thảo chính sách này sẽ được trình lên HĐND thành phố để xem xét và thông qua tại kỳ họp cuối năm.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết, đề xuất của quận Tây Hồ là xác đáng và đề nghị sớm xem xét cơ chế để quận kịp thời hỗ trợ người dân. Chung ý kiến, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu nói cần xem xét trình cơ chế đặc thù so với nghị quyết của Chính phủ và quyết định của UBND thành phố. "Tại kỳ họp lần này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình hỗ trợ cây vụ đông, không có hỗ trợ cây đào, quất", ông nói.

Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, các đại biểu đã thống nhất danh mục cây trồng được hỗ trợ cần đa dạng hơn, bao gồm cả các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam canh, phật thủ, đào, quất, bưởi... bên cạnh các loại cây đã được Sở Nông nghiệp đề xuất. Vì vậy, bà đề nghị UBND thành phố tiếp tục rà soát và tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền.

"Thành phố tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình HĐND thành phố muộn nhất tại kỳ họp chuyên đề tháng 11 để kịp thời hỗ trợ người dân ổn định sản xuất", bà nói.

Đề xuất của đại biểu quận Tây Hồ là hoàn toàn chính đáng và cần thiết đối với bà con trồng đào, quất cảnh trên địa bàn, thành phố nên xem xét đề xuất này. Thành phố cũng nên có những cơ chế, chính sách sao cho phù hợp để hỗ trợ cho cả bà con trồng quất cảnh Tàm Xá và các địa phương bị thiệt hại khác. Giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất để ổn định cuộc sống.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top