Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 7 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 7 năm 2024 | 11:51

Yên Bái đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho nông sản

Thời gian qua, ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận, mở rộng thị trường, các sở, ngành, địa phương Yên Bái đã tăng cường hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho nông sản.

Lục Yên phát triển nông sản đặc trưng

Thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Lục Yên tập trung nâng cao giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, nhất là với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng thế mạnh của địa phương.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp huyện Lục Yên đánh giá về mô hình măng mai tại xã Lâm Thượng.

Để nâng cao giá trị cho cây lạc đỏ, một trong những nông sản đặc trưng của huyện, Lục Yên đã quy hoạch, mở rộng giống lạc này tại những đồng đất phù hợp. Hiện, lạc đỏ được trồng 2 vụ trong năm với tổng diện tích khoảng 500 ha, chủ yếu ở các xã: Phan Thanh, Tân Lập, Minh Tiến, An Phú, Minh Chuẩn, Tô Mậu, Tân Lĩnh…, sản lượng đạt gần 1.300 tấn lạc củ, tổng doanh thu ước khoảng 45 tỷ đồng/năm. 

Chị Hứa Thị Năm, xã Minh Tiến - một trong những gia đình có nhiều năm trồng lạc đỏ cho biết: "Gia đình có hơn 3 sào đất gần ven suối phù hợp với trồng lạc, mỗi vụ bán lạc thương phẩm, trừ chi phí gia đình tôi thu về hơn 10 triệu đồng. Giống lạc đỏ được nhiều người ưa chuộng, tiêu thụ rất thuận lợi nên thời gian tới gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng lạc để nâng cao thu nhập”.

Được biết, để phát triển sản phẩm lạc đỏ, Hợp tác xã Thái Sơn, xã Tân Lĩnh đã hợp đồng liên kết với các hộ dân, cam kết thu mua sản phẩm lạc tươi vỏ đỏ địa phương. Sản phẩm sau khi mua về được sấy khô bằng máy sấy, bóc và loại bỏ các hạt hỏng, mốc, chọn lọc những hạt mẩy, đều hạt, đóng túi hút chân không... đảm bảo các điều kiện giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 

Ông Đàm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Thái Sơn cho biết: "Chúng tôi luôn mong muốn cung ứng cho thị trường các sản phẩm từ lạc đỏ địa phương với chất lượng tốt nhất để người tiêu dùng trên khắp cả nước biết đến, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập. Hợp tác xã đã ký cam kết cung ứng giống và thu mua với giá ổn định cho các hộ dân, đồng thời xây dựng, duy trì sản phẩm OCOP lạc đỏ Lục Yên”. Cùng với lạc đỏ, từ lâu vịt bầu cổ xanh đã trở thành đặc sản, là thức ăn giàu dinh dưỡng và mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở xã Lâm Thượng. 

Ông Hoàng Văn Cói - Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng cho biết: "Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Vịt bầu Lâm Thượng” cho huyện Lục Yên. Đây là giải pháp nhằm bảo tồn nguồn giống bản địa, nâng cao danh tiếng, quảng bá sản phẩm, bảo tồn giá trị văn hóa, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc phát triển chăn nuôi vịt. Đến nay, toàn xã có trên 10.000 con vịt bầu, trong đó có 10 mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa”. 

Thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) bền vững, thời gian qua, huyện Lục Yên tập trung nâng cao giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, nhất là với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng thế mạnh của địa phương. Cùng với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp; cơ cấu lại sản xuất theo vùng… việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn đã được Lục Yên đẩy mạnh. 

Đến nay, toàn huyện đã xuất hiện nhiều hợp tác xã sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến cung cấp sản phẩm ra thị trường và người tiêu dùng. Trên lĩnh vực trồng trọt, huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa trên 600 ha, vùng ngô ổn định diện tích 5.150 ha/năm, vùng lạc 1.000 ha/năm, vùng cây ăn quả có múi trên 1.000 ha. Trên lĩnh vực chăn nuôi, huyện tiếp tục duy trì các mô hình đặc sản, đặc trưng có thương hiệu từ lâu nay như: gà trống thiến ở các xã Mai Sơn, Khánh Thiện; vịt bầu, cá bỗng ở xã Lâm Thượng và một số giống vật nuôi khác. 

Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Giá trị nông sản từng bước được nâng cao đã góp phần nâng cao thu nhập cũng như đưa người dân thoát nghèo bền vững. Cũng từ đó, người dân tham gia tích cực trong làm đường giao thông nông thôn và XDNTM. Đến nay, toàn huyện có 15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 37 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM và 20 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu”. 

Thời gian tới, huyện Lục Yên tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy mô sản xuất phù hợp với lợi thế từng vùng, quỹ đất; đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân với tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới; thường xuyên quan tâm bảo tồn khôi phục nguồn gen của các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, bản địa, đặc sản, quý hiếm của địa phương; đồng thời, tập trung ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo; thực hiện lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án để người dân phát triển sản xuất, nâng cao giá trị nông sản.

Sơn Thịnh sản xuất nông sản sạch

“Sản xuất nông sản sạch” là cụm từ không còn xa lạ với nhiều người làm nông nghiệp nói chung và với các hộ nông dân ở thị trấn Sơn Thịnh (Văn Chấn) nói riêng. Thay vì sản xuất theo phương thức truyền thống, giờ đây, nhiều hộ dân Sơn Thịnh đã thực hiện quy trình sản xuất sạch, an toàn, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Lãnh đạo thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn thăm, kiểm tra mô hình trồng ớt xanh của nông dân trên địa bàn.

Tới thăm vườn dưa chuột bao tử đang mùa thu hoạch của gia đình anh Lê Trung Đính - thành viên Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và dịch vụ rau an toàn An Thịnh, thị trấn Sơn Thịnh. Xen lẫn màu xanh của lá, màu vàng của nắng là những trái dưa chuột bao tử sai lúc lỉu. Nhanh tay hái những trái dưa còn nguyên phấn, anh Đính phấn khởi chia sẻ: "Đây là vụ dưa trồng thử nghiệm đầu tiên của gia đình tôi và một số hộ nông dân trên địa bàn thị trấn, song kết quả đã đạt hơn mong đợi, tỷ lệ ra hoa, đậu quả rất cao. Sau khi trồng khoảng 25 ngày tuổi, cây dưa chuột bao tử bắt đầu ra hoa, kết trái và thời gian thu hoạch một vụ sẽ kéo dài liên tục trong 90 ngày. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, gia đình tôi hái được trên 1 tạ dưa chuột bao tử, thu gom đưa vào Hợp tác xã với giá bán trung bình từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg, cho thu về trên 1 triệu đồng/ngày”. 

Theo ước tính, trên diện tích 1.000 m2 như hiện nay, gia đình anh Đính sẽ thu được khoảng 6 tấn dưa/vụ và nếu chăm sóc tốt sẽ đạt được 8 - 9 tấn/vụ. Sau khi trừ chi phí, trung bình 2 vụ/năm, gia đình anh Đính sẽ thu được trên 100 triệu đồng tiền lãi. So với các loại cây hoa màu khác như lúa, ngô, rau, khoai thì trồng dưa chuột bao tử đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5-10 lần. 

Cũng trong không khí thu hoạch rộn ràng không kém, tại khu vực trồng ớt xanh (ớt Jalapeno) của gia đình anh Bùi Song Hỷ - Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ rau an toàn An Thịnh, thị trấn Sơn Thịnh, ngay từ sáng sớm đã rất đông người đang thu hoạch ớt. 

Ngắm nhìn những ruộng ớt phát triển xanh tốt, quả sai lúc lỉu, anh Hỷ hồ hởi: "Tôi không nghĩ loại cây này lại phù hợp với đồng đất quê mình đến thế. Các loại ớt xanh, ớt chỉ thiên, dưa chuột bao tử được sản xuất theo quy trình sạch, đảm bảo an toàn, chất lượng đều sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế tốt. Đây thực sự là niềm vui, động lực rất lớn để bà con nông dân chúng tôi có thêm quyết tâm, động lực làm nông nghiệp sạch, góp phần bảo đảm nguồn nước, không khí, sức khỏe cho chính mình và cả người tiêu dùng”. 

Hiện tại, gia đình anh Hỷ đang trồng 1.000 m2 ớt xanh, 1.200 m2 dưa chuột bao tử và 1.500 m2 ớt chỉ thiên. Với giá bán dao động từ  7.000 đồng - 10.000 đồng/kg ớt xanh và 15.000 đồng - 17.000 đồng/kg ớt chỉ thiên, ước tính mỗi năm, gia đình anh Hỷ thu được khoảng 20 tấn quả các loại, sau khi trừ chi phí thu về trên 200 triệu đồng. 

Cùng với gia đình anh Đính, anh Hỷ, hiện nay, trên địa bàn thị trấn Sơn Thịnh đang có hơn 20 hộ tham gia trồng thử nghiệm các loại cây trồng trên theo hướng an toàn với tổng diện tích là 1,1 ha dưa bao tử, gần 1,2 ha ớt chỉ thiên và 8.000 m2 ớt xanh. Ước tính trong vụ này, các hộ trên sẽ thu về gần 2 tỷ đồng từ các loại nông sản này.  

Thực tế, việc sản xuất nông sản sạch ở Sơn Thịnh mới đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, song đã nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các hộ nông dân. Kết quả này có được là bởi sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún sang nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa tập trung và thực hiện liên kết "4 nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) nhằm bảo đảm lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. 

Ông Đặng Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Sơn Thịnh cho biết: "Sau khi nhận được chủ trương của lãnh đạo thị trấn về việc triển khai thực hiện sản xuất nông sản sạch theo hướng hàng hóa, Hội đã phối hợp với cán bộ cơ sở tích cực tuyên truyền tới hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa của hoạt động này. Đồng thời, tạo điều kiện để các thành viên trong HTX Sản xuất và Dịch vụ rau an toàn An Thịnh và một số hộ có nhiều kiến thức về phát triển nông nghiệp thực hiện trước để có kiến thức, kinh nghiệm giúp đỡ các hộ nông dân khác trong thị trấn làm theo”. 

Bà con nông dân thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn thu hoạch dưa chuột bao tử. 

Tham gia thực hiện sản xuất nông sản sạch, các hộ được hướng dẫn tận tình theo phương pháp "cầm tay chỉ việc”, được cung cấp đầy đủ từ hạt giống, phân bón đến hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu hái, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, thị trấn cũng thành lập nhóm Zalo để các hộ có cơ hội trao đổi, học tập kiến thức khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất; chia sẻ thông tin về thị trường, giá cả; phương thức khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai... 

Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ rau an toàn An Thịnh - Bùi Song Hỷ cho biết thêm: "Trên cơ sở trồng thử nghiệm thành công các loại cây trồng mới và đảm bảo được đầu ra ổn định,  chúng tôi dự kiến trong vụ tiếp theo sẽ mở rộng thêm diện tích trồng, vì hiện nay rất nhiều hộ nông dân trên thị trấn cũng đang có nhu cầu muốn tham gia làm cùng”. Được biết, các sản phẩm nông sản sạch của HTX Sản xuất và Dịch vụ rau an toàn An Thịnh đều đang được xuất bán cho  doanh nghiệp tại Hà Nội chuyên xuất khẩu các loại rau quả an toàn đi thị trường các nước Nhật, Hàn Quốc và các siêu thị uy tín tại thị trường trong nước. 

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Tỉnh Yên Bái hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, siêu thị lớn.

Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Yên Bái đã quy hoạch, xây dựng được các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung như: vùng quế trên 70.000 ha, măng tre Bát độ trên 4.000 ha, vùng chè trên 12.000 ha với sản lượng chè búp tươi đạt trên 75.000 tấn/năm, đứng thứ hai toàn quốc. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. 

Đặc biệt, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 234 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm 4 sao, 209 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Để đưa các sản phẩm này đến tay người tiêu dùng, tỉnh chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường.  Sở Công Thương tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử có uy tín trong và ngoài nước như: Alibaba, Sendo, Shopee, Voso, Postmart...

Ông Đoàn Lê Khoa - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương cho biết: "Ngoài việc nâng cao chất lượng, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đạt các tiêu chí theo quy định của Bộ Công Thương. Các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương giúp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đến người dân trong nước và quốc tế được triển khai”. 

Được biết, trong năm 2023, Sở Công Thương tỉnh chủ trì tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia Hội chợ xuất - nhập khẩu hàng hóa Côn Minh - Trung Quốc; tổ chức chương trình kết nối giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài theo hình thức trực tuyến; tổ chức điểm cầu trực tuyến tham dự 5 hội nghị trực tuyến giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia 8 hội nghị kết nối giao thương với các doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Campuchia... 

Nổi bật trong xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phối hợp với Công ty cổ phần R.Y.B thực hiện giới thiệu, chào hàng đối với trên 30 sản phẩm chủ lực; đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước châu Âu như: Anh, Pháp, Đức… 

Ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận, mở rộng thị trường, các sở, ngành, địa phương đã tăng cường hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho doanh nhân, tập trung vào hỗ trợ thiết kế xây dựng tờ rơi, thông tin về việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, tư vấn bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hoá... giúp doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm tới các bạn hàng. 

Qua đánh giá, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, các mặt hàng của tỉnh, nhất là các sản phẩm OCOP đã được thị trường tin dùng, lựa chọn sử dụng. Cũng từ đó, các đơn vị doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm. 

Các cấp, các ngành của địa phương tiếp tục làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động giúp thay đổi nhận thức, thói quen người tiêu dùng khi sử dụng hàng nội địa và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương và đất nước phát triển.

Theo baoyenbai.com.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top