Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 8 năm 2023 | 14:17

Gian lận thương mại: Doanh nghiệp xuất khẩu cần cẩn trọng

Đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), từ đó mở rộng cửa cho nhiều sản phẩm hàng hóa, trong đó có nông sản, xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội “vàng”, doanh nghiệp (DN) Việt đang phải đối mặt với nhiều rủi do từ gian lận thương mại.

Nguy cơ mất trắng lô hàng nửa triệu USD

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, từ tháng 6/2023, một số DN Việt Nam khi ký hợp đồng xuất khẩu nông sản như hồ tiêu, quế, điều… sang Dubai gặp khó khăn về vấn đề thanh toán. Nhiều công ty cho rằng, các giao dịch đang có dấu hiệu gian lận thương mại từ cùng một người mua và cùng một ngân hàng có trụ sở tại Dubai, UAE.

Cụ thể, các DN Việt Nam bị lừa đảo 5 container với trị giá lô hàng là 516.761 USD. Cảng đi Việt Nam, cảng đến Jebel Ali Dubai - UAE. Đã có 4 lô hàng bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container điều, tổng trị giá khoảng 400.000 USD; 1 lô hàng hoa hồi cập cảng ngày 26/7, trị giá 126,3 nghìn USD (bộ chứng từ gốc cũng đã bị mất).

Doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều nói riêng và nông sản nói chung cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường, nhất là vì khách hàng.

Về giao dịch của các DN đối với các lô hàng bị mất, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thông tin, các DN ký với khách hàng theo hình thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P), tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán giao tới ngân hàng người mua, sau đó người mua tới ngân hàng người mua thanh toán tiền.

Sau khi ngân hàng người mua nhận đủ tiền sẽ đồng thời chuyển tiền về ngân hàng người bán và giao phát bộ chứng từ xuất khẩu cho người mua để người mua tiến hành thủ tục nhập khẩu và kéo container ra khỏi cảng nhập. Đây thực sự là quy trình thận trọng, các chuyên gia kinh tế cho biết. Và Ajman Bank cũng là ngân hàng uy tín của UAE.

Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank và nhân viên ngân hàng Ajman Bank đã xác nhận ký nhận thành công 5 bộ chứng từ.

Sau đó, không rõ vì lý do gì, các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman nên các ngân hàng Việt Nam  liên tục yêu cầu ngân hàng Ajman thanh toán.

Điển hình như trường hợp của Công ty Tín Mai, đã ký hợp đồng bán nhân điều cho BAB AL REHAB FOODSTUFF TRADING LLC OFFICE NO 1006. MAI TOWER, AL NAHDA, DUBAI, UAE.

Phía đối tác đã ứng 15% giá trị hợp đồng. Công ty Tín Mai đã giao hàng và ngày 24/6/2023, tàu đến cảng Jebel Ali, UAE. Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27/6/2023, trong khi Công ty Tín Mai vẫn chưa được thanh toán 85% trị giá lô hàng.

Trước vụ việc trên, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đề nghị Đại sứ quán UAE tại Hà Nội xem xét, yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan của UAE có biện pháp xử lý sự việc, yêu cầu ngân hàng Ajman chịu trách nhiệm và phải thu hồi tiền hàng về cho người bán theo đúng điều khoản thanh toán hợp đồng D/P.

Tuy nhiên, khi được các ngân hàng Việt Nam truy vấn và yêu cầu cung cấp thông tin thì ngân hàng Ajman không tích cực hợp tác, không phản hồi thông tin theo yêu cầu của ngân hàng Việt Nam.

Nên tìm hiểu kỹ đối tác trước khi giao dịch

Có thể thấy, hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các DN nước ngoài (chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ) thường yêu cầu điều khoản thanh toán trả sau hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố.

Thanh toán trả sau được hiểu là bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán. Còn phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố. Phương thức này có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước.

Để tránh thiệt hại đáng tiếc, Bộ Công Thương đề nghị các DN Việt Nam khi giao dịch với các DN nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn nhất. Thực hiện các phương thức thanh toán như mở L/C (thanh toán theo thư tín dụng), hoặc cử đại diện DN sang tận nơi giao chứng từ và nhận tiền.

Chuyên gia  kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) khuyến cáo, DN chỉ có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ chính mình. Bên cạnh đó, tạo mối quan hệ mật thiết với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài để có được thông tin về các bạn hàng đáng tin cậy, đặc biệt là ở các thị trường quá xa mà DN ít tiếp xúc. Khi xuất khẩu hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay lại càng cần thận trọng khi có các đơn hàng mới.

Đồng quan điểm với ông Phương, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, cho rằng, các hoạt động lừa đảo tương đối phổ biến trong giao dịch thương mại quốc tế, dù với bất cứ thị trường nào. Do đó, DN Việt cần chủ động nghiên cứu thông tin kỹ lưỡng trong các thương vụ qua biên giới của mình; nếu thấy vấn đề gì chưa chắc chắn, cần liên hệ trực tiếp tới thương vụ Việt Nam tại các nước để thẩm định thông tin, đồng thời khuyến khích thuê công ty tư vấn để thẩm tra hợp đồng, giảm thiểu tối đa rủi ro có thể xảy ra.

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Phúc Sinh, chia sẻ, để hạn chế rủi ro, khi làm ăn cần tìm hiểu thông tin của khách hàng thông qua các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. DN phải nắm bắt và tìm hiểu được thông tin ngân hàng đối tác. Khi kinh doanh không được phép đưa số vận đơn cho khách hàng – đây là nguyên tắc cứng khi làm kinh doanh.

“Quan trọng nhất, DN tránh vội vàng, cẩu thả, sai sót cơ bản trong thanh toán quốc tế. Nếu nghĩ đơn giản là chúng ta đã thành công thì dễ bị sập bẫy”, ông Hùng cảnh báo.

Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 693/CĐ-TTg, yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại UAE tiếp tục khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của UAE, đề nghị bạn phối hợp điều tra, làm rõ vụ việc 04 container nông sản đã bị mất để có biện pháp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp sở tại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 05/8/2023. Trước mắt, đề nghị phía UAE áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ 01 container hoa hồi của doanh nghiệp Việt Nam tại cảng Jebel Ali (UAE).

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top