Làng Phan Thanh, xã Long Thành (Yên Thành) được đánh giá là vựa lươn lớn nhất xứ Nghệ. Con “đặc sản” này đã tạo công ăn việc làm và “biến” những người dân nơi này thành “triệu phú”. Hiện nay, lươn của làng không chỉ có mặt ở hầu khắp đất nước mà còn xuất ngoại.
Nổi tiếng làng lươn
Làng Phan Thanh từ xa xưa đã nổi tiếng về nghề bắt lươn đồng. Theo những người cao tuổi thì nghề bắt lươn có từ lâu đời. Những người con của làng đều được truyền “bí kíp” bắt lươn cực kì siêu đẳng, chỉ cần tay không đi trên bờ sông hay bờ ruộng vẫn bắt được mấy kilôgam lươn chỉ trong thời gian ngắn. Ngoài bắt bằng tay thì câu và thả trúm là nghề thịnh hành, tạo nguồn thu nhập chính của không ít hộ dân nơi đây. Hầu như nhà nào cũng có vài trăm ống trúm.
Sản phẩm lươn ướp của làng nghề Phan Thanh.
Anh Nguyễn Văn Sơn, xóm trưởng xóm Phan Thanh, cho biết: “Làng có 197 hộ thì 80% số hộ làm nghề bắt lươn. Một vài người, thấy người làng mình mỗi ngày bắt cả mấy tấn lươn nên đã đứng ra thu gom lươn để đưa đi các nơi tiêu thụ. Chính trên bước đường “du” lươn này, họ đã nhanh nhạy, nắm bắt thị trường, mở cơ sở sơ chế lươn đông lạnh thu lãi lớn”.
Người tiên phong trong lĩnh vực này là anh Nguyễn Văn Khẩn (SN1973). Khẩn tâm sự: “Lúc đầu tôi cũng chỉ là lái lươn thu gom rồi chở đi TP. Vinh nhập cho các nhà hàng. Sau thấy nhu cầu tiêu thụ lớn, mà hầu hết các nhà hàng đều phải thuê người làm rất vất vả, tôi nghĩ ra cách chế biến lươn sạch thành phẩm đông lạnh để đưa đi tiêu thụ xa hơn.
Sơ chế lươn tại nhà anh Nguyễn Thanh.
Tôi làm sơ chế lươn đông lạnh từ năm 1995. Ngày đó, tôi làm bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu. Lúc đầu chỉ người nhà làm nhưng sau này tôi phải thuê mỗi ngày 20-30 nhân công. Trung bình tôi xuất bán khoảng 3-4 tấn lươn thịt và lươn sơ chế/ngày”.
Thấy anh Khẩn làm nên ăn ra, nhiều người học theo, nhiều hộ đã thành công như gia đình các ông Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Minh Thao, Nguyễn Thanh…
Công đoạn sơ chế không phức tạp nhưng đòi hỏi từng khâu phải cẩn thận, chu đáo và phải đảm bảo sạch. Lươn sau khi làm sạch cho vào nồi nước đã được đun sôi. Trong nước luộc cho thêm chút muối và nghệ để thịt lươn săn chắc, có màu vàng bắt mắt, đậm đà, thơm ngon; chỉ luộc trong khoảng 5 - 10 phút để lươn vừa chín tới. Sau đó đổ lươn ra tiếp tục rửa lại bằng nước đun sôi để nguội và tiến hành công đoạn sơ chế. Cứ 1kg lươn sống cho ra 0,7kg lươn thành phẩm qua sơ chế. Trung bình mỗi ngày 1 cơ sở có thể sơ chế 200 - 400kg lươn... Người thạo nghề, một ngày có thể làm được 8 -10kg lươn thành phẩm, được chủ cơ sở trả công 350.000-400.000 đồng.
Chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Hiền, thấy hàng chục nhân công đang chế biến lươn, không khí khá nhộn nhịp. Chị Hà, một nhân công, cho biết: “Tôi làm công cho anh Hiền hơn 10 năm nay, công việc nhẹ nhàng, đều đặn, thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Nhờ nghề này mà vợ chồng tôi xây được nhà tầng và nuôi 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn”.
Làng có 51 triệu phú
Hiện, làng Phan Thanh có 51 hộ làm nghề sơ chế lươn, thu lãi mỗi năm 300 - 700 triệu đồng/hộ, tạo việc làm cho hơn 700 lao động địa phương. Như vậy, đồng nghĩa với việc làng có 51 triệu phú. Không chỉ làng Phan Thanh, mà làng Giáp Ngói, các xóm giáo Đông Sơn, Bắc Sơn và Nam Sơn của xã Long Thành cũng có nhiều hộ theo nghề này và có thu nhập khá cao.
Một góc làng Phan Thanh.
Làng Phan Thanh giờ không chỉ tiêu thụ lươn sơ chế cấp đông mà còn có nhiều sản phẩm như lươn cuộn, lươn ướp, lươn sấy khô, lươn phi lê… Sản phẩm lươn Phan Thanh có mặt khắp mọi miền Tổ quốc; xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và một số nước châu Âu.
Cũng chính vì mức tiêu thụ lươn lớn nên có hàng trăm hộ gia đình ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu đã nắm bắt thời cơ, xây dựng trang trại nuôi lươnnhư các anh Trọng (xã Long Thành), Phú (xã Nam Thành), Thành (Quỳnh Lưu)…, mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng…
Xưa và nay, “nghề lươn” Phan Thanh đều nổi tiếng. Chính nhờ nghề lươn mà nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu, trở thành triệu phú, làm thay đổi diện mạo làng quê.
Quả thật, ai đến làng Phan Thanh bây giờ, đều ngỡ ngàng bởi những ngôi nhà cao tầng , đường làng đổ bê tông sạch sẽ, cây cối xanh tươi, bà con bảo: phố ở trong làng.
Thương hiệu một làng nghề
Ngày 20/1/2022, Phan Thanh được UBND tỉnh Nghệ An công nhận danh hiệu làng nghề chế biến lươn. Đây là vinh dự và niềm tự hào để “nghề lươn” Phan Thanh ngày một phát triển và vươn xa.
Ông Phan Văn Đề, Phó chủ tịch UBND xã Long Thành, cho biết: Xã thuộc vùng trũng của huyện Yên Thành, nắng thì hạn mà mưa thì ngập úng, người dân thu nhập từ cây lúa chẳng đáng là bao nên nghề bắt lươn, chế biến lươn đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.
Các hộ làng nghề đã và đang xây dựng, phát triển toàn diện nghề nuôi lươn, chế biến lươn theo hướng hiện đại. Đó là áp dụng tiến bộ kĩ thuật vào nuôi và chế biến lươn theo dây chuyền sạch, an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, môi trường, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường.
Hỏi về hướng phát triển của làng nghề trong tương lai, ông Đề cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ sản xuất thêm sản phẩm cháo lươn, miến lươn, súp lươn ăn liền mang thương hiệu làng nghề trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Hy vọng, các sản phẩm sẽ được thị trường trong và ngoài nước đón nhận”.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.