Thông qua những sản phẩm OCOP, tên tuổi, sức cạnh tranh của các HTX được khẳng định, lan tỏa, trở thành mô hình tiêu biểu được nhân rộng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (đứng giữa) thăm gian hàng khăn tơ sen của Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận.
Hà Nội: Đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố đã đánh giá, phân hạng được 1.657 sản phẩm OCOP (Chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm"), gồm 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 742 sản phẩm 4 sao, 914 sản phẩm 3 sao - đạt gần 83% kế hoạch cả giai đoạn 2021-2025.
Trong tháng 9 của năm 2024, Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Hội đồng OCOP) cấp huyện thuộc 12 quận, huyện ở Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 150 sản phẩm OCOP. Trong đó, 11 sản phẩm đạt 3 sao và 39 sản phẩm tiềm năng 4 sao đang chờ Hội đồng OCOP thành phố tiến hành đánh giá, phân hạng.
Dự kiến đến hết năm 2024, Hà Nội sẽ đánh giá thêm khoảng 510 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt được trong giai đoạn 2021-2024 là 2.167 - vượt mục tiêu của chương trình là đến hết năm 2025, thành phố đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm. Kết quả này cho thấy Hà Nội tiếp tục là địa phương đi đầu cả nước trong việc phát triển sản phẩm OCOP.
Bà Dương Thị Huệ, đại diện Công ty TNHH Thực phẩm và Nông sản sạch Sóc Sơn, cho biết sản phẩm chả cá thát lát Huệ Dương đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Từ khi sản phẩm này đạt chứng nhận OCOP, công ty được nhà nước hỗ trợ nhiều về truyền thông, quảng bá, tham gia xúc tiến thương mại, kết nối thị trường… Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP còn có điều kiện thuận lợi để đưa vào hệ thống các siêu thị lớn vì bảo đảm nguồn gốc và chất lượng.
Dù Chương trình OCOP của Hà Nội đi đúng hướng, về đích trước 1 năm song số lượng sản phẩm 5 sao được công nhận đến nay còn rất ít. Toàn thành phố mới có 6 sản phẩm được Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (tương ứng với tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quốc tế).
Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP của Hà Nội được công nhận cần phải đẩy mạnh phát triển thị trường, từ đó xây dựng chỗ đứng vững chắc. Theo bà Dương Thị Huệ, một trong những khó khăn của công ty bà là mở rộng quy mô sản xuất - một phần do việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi không dễ, nguồn nguyên liệu cá thát lát chủ yếu ở miền Tây…
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh - Chế biến nông sản Bảo Minh, cho rằng muốn phát triển chuỗi sản phẩm OCOP bền vững, rất cần sự tham gia của các "nhà": Nhà nông, nhà khoa học, nhà sản xuất - chế biến, nhà bán lẻ, ngân hàng và cơ quan truyền thông. "Việc tham gia của các bên liên quan sẽ tạo nên quá trình hoàn hảo cho sản phẩm OCOP vươn xa" - bà nhận định.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.opMart Hà Đông (Hà Nội), các chủ thể OCOP cần kể câu chuyện về sản phẩm, vì đây là sự khác biệt để thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cần chú trọng thiết kế bao bì bắt mắt, thu hút khách hàng. Saigon Co.op sẽ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch, từ đó làm gia tăng giá trị.
Về phía cơ quan quản lý, Sở Công Thương TP Hà Nội nhấn mạnh sẽ thường xuyên rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối với các kênh phân phối bán lẻ, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch thành phố để cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối nhằm tổ chức tiêu thụ theo nhu cầu. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, như: triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử...
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết về lâu dài, sở sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng... để đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP giới thiệu đến người tiêu dùng, kết nối với các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm. Sở cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP rộng khắp để người tiêu dùng nhận diện, ưu tiên mua sắm.
Theo ông Hà Tiến Nghi, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT - Sở NN-PTNT Hà Nội, thành phố đã có quy hoạch về vùng chuyên canh tập trung. Vì vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần bám sát quy hoạch này; các địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ chủ thể OCOP phát triển vùng sản xuất.
Sở NN-PTNT TP Hà Nội cho rằng ngoài những vùng nguyên liệu tốt, các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm - đây là yếu tố quyết định.
Thanh Hóa: Các HTX khẳng định tên tuổi nhờ sản phẩm OCOP
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, sức tiêu thụ tốt trên thị trường. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên. Thông qua những sản phẩm OCOP, tên tuổi, sức cạnh tranh của các HTX được khẳng định, lan tỏa, trở thành mô hình tiêu biểu được nhân rộng.
Sản xuất sản phẩm OCOP 4 sao bánh lá Hà Lai tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Lai (Hà Trung).
Được thành lập năm 2003, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Lai (Hà Trung) chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ công, như: bảo nông, thủy lợi, cung ứng giống, vật tư sản xuất..., doanh thu và lợi nhuận hằng năm còn hạn chế. Tuy nhiên, từ năm 2021, khi hưởng ứng và triển khai thực hiện Chương trình OCOP với sản phẩm bánh lá Hà Lai, HTX đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành địa chỉ tin cậy cung ứng sản phẩm OCOP 4 sao cho thị trường trong, ngoài tỉnh. Để tham gia vào Chương trình OCOP, các cơ sở sản xuất trong HTX đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm các loại máy móc, như: máy nghiền bột, đánh bột, máy hấp, máy hút chân không và hệ thống tủ bảo ôn. Đồng thời, các khâu sản xuất đều bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo nên sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn cung ứng cho người tiêu dùng. Nhờ đó, sau hơn 2 năm phát triển theo chuỗi giá trị, sản phẩm của HTX có bao bì quy chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc, không chỉ có mặt tại nhiều siêu thị ở trong tỉnh mà còn được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chị Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Lai cho biết: Địa phương vốn có nghề làm bánh lá truyền thống, sản phẩm có hương vị độc đáo, khác biệt so với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Do đó, HTX đã liên kết, vận động một số hộ làm bánh thường xuyên, có chất lượng tốt và khả năng cung ứng số lượng lớn để phát triển thành sản phẩm OCOP. Sau thời gian nỗ lực, tháng 8/2021, sản phẩm bánh lá Hà Lai của HTX đã được UBND tỉnh công nhận đạt chất lượng OCOP 4 sao, ngày càng nhiều thị trường đón nhận, sức tiêu thụ tăng cao, sản lượng tiêu thụ bình quân khoảng 70 đến 80 vạn bánh/tháng, mang lại doanh thu hơn 200 triệu đồng/tháng. Thông qua sản phẩm OCOP bánh lá Hà Lai, tên tuổi của HTX ngày càng được khẳng định, trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín về sản phẩm bánh lá OCOP trên thị trường.
Là một trong số ít HTX phát triển được 4 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 4 sao, HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc (Quảng Xương) đã và đang trở thành một trong những HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả của tỉnh. Ông Bùi Ngọc Tam, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc, cho biết: Nói không quá khi nhận định Chương trình OCOP đã “thay da đổi thịt” cho HTX. Từ một đơn vị làm dịch vụ công, mặc dù đã đổi mới hoạt động theo Luật HTX 2012 song hiệu quả không mấy khả quan. Khi Chương trình OCOP được triển khai rộng rãi, địa phương đã vận động, định hướng cho HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương thành sản phẩm OCOP. Nhờ được hỗ trợ từ chính quyền và sự vào cuộc tích cực của các hộ dân, năm 2022, sản phẩm Mắm cáy Quảng Phúc được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao đã “mở luồng gió mới” cho phát triển sản xuất kinh doanh của HTX.
Được biết, sau sản phẩm Mắm cáy Quảng Phúc, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc còn phát triển thêm 3 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Chiếu cói Quảng Phúc, rạm xay Quảng Phúc và cáy xay Quảng Phúc. Mỗi sản phẩm OCOP được phát triển thành công đều phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Theo thống kê của UBND xã Quảng Phúc, trung bình việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP mang lại doanh thu khoảng 50 tỷ đồng/năm cho HTX, tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho thành viên HTX nói riêng và người dân địa phương nói chung.
Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 103 HTX tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, với 123 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng. Điều này cho thấy các HTX đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, phát huy được lợi thế trong tập hợp, liên kết các thành viên, hộ sản xuất và mở rộng vùng nguyên liệu cho sản xuất quy mô lớn. Ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Sau 6 năm cùng chính quyền, các địa phương thực hiện Chương trình OCOP, các HTX đã khẳng định được vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương, nhất là phát triển được nhiều sản phẩm chất lượng, được thị trường đánh giá cao. Thông qua việc phát triển được sản phẩm OCOP, không chỉ doanh thu lợi nhuận của HTX được nâng lên mà vị thế, tên tuổi và sức cạnh tranh của bản thân HTX cũng được khẳng định trên bản đồ kinh tế tập thể, bản đồ OCOP của cả nước.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các HTX trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh nói chung và phát triển sản phẩm OCOP nói riêng. Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu, khả năng phát triển để hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ tiên tiến, xúc tiến thương mại để phát triển sản phẩm OCOP chất lượng, hiệu quả.
Bắc Ninh: Nâng tầm sản xuất nông nghiệp
Với định hướng xây dựng nền nông nghiệp bền vững làm trụ đỡ cho nền kinh tế, ngành Nông nghiệp Bắc Ninh xác định phải nâng tầm trong sản xuất với nhiều tiến bộ kỹ thuật được cơ quan chức năng chuyển giao; hướng dẫn nông dân đưa kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, nâng giá trị nông sản góp phần nâng cao đời sống nông dân.
Nuôi cá lồng trên sông Đuống.
Nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp chú trọng hỗ trợ xây dựng các mô hình nhà kính, nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt tự động... trong sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh góp phần tạo diện mạo mới và nâng cao giá trị cho sản xuất trồng trọt. Đến nay, Bắc Ninh hình thành và phát triển gần 2.500 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô từ 3 ha trở lên; 270 vùng trồng rau, màu chuyên canh quy mô từ 2 ha trở lên tập trung ở vùng đất chuyên màu và đất bãi, với các sản phẩm chủ lực như: Cà rốt, khoai tây, bí các loại, hành tỏi, rau xanh các loại,...gần 100 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, quy mô từ 1 ha trở lên. Toàn tỉnh có hơn 50 cơ sở sản xuất trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP; khoảng 60 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà kính...
Về phương thức chăn nuôi đã có sự chuyển biến tích cực từ nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hoá, xa khu dân cư. Toàn tỉnh hiện có 671 trang trại theo quy định của Luật Chăn nuôi; 16 doanh nghiệp chăn nuôi; 80 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ chuồng lồng, chuồng kín với hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống, vệ sinh tự động, trong đó có 3 cơ sở chăn nuôi thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất; 5 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống; 6 doanh nghiệp chăn nuôi trực thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng được 17 cơ sở an toàn dịch bệnh; 6 cơ sở lớn chuyên sản xuất với hơn 10.000 con lợn giống, 7 cơ sở lớn chuyên sản xuất với khoảng 400.000 con gà giống.
Đặc biệt, toàn tỉnh có 56 cơ sở chăn nuôi liên kết theo chuỗi, trong đó có 15 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp và 18 Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi, câu lạc bộ chăn nuôi, đóng góp quan trọng để tạo bước đột phá trong nông nghiệp của tỉnh, góp phần từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Bắc Ninh vẫn bộc lộ những hạn chế như diện tích sản xuất tiếp tục bị giảm gần 1.500 ha do chuyển mục đích sử dụng và một phần khó canh tác. Sản xuất nông sản an toàn, liên kết theo chuỗi trong sản xuất và xây dựng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn, số lượng mô hình còn ít. Việc thực hiện Nghị định 57/2018 ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung...
Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song với lợi thế về vị trí địa lý cùng với việc tăng cường ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống, các sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề có nhiều cơ hội tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm...
Ngành nông nghiệp Bắc Ninh đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá phát triển toàn diện dựa trên lợi thế địa phương theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao, bền vững và có sức cạnh tranh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từng bước nâng cao hơn về thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng toàn diện, bền vững./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…