Thay đổi tư duy để phát triển bền vững, ngày càng có nhiều nông dân ở Tây Nguyên lựa chọn giải pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tiêu biểu là trồng hồ tiêu hữu cơ.
Trả lại cho đất
Không riêng gì xã Nhân Cơ, thủ phủ hồ tiêu thuộc huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) mà với cả cộng đồng trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên, ông Đặng Tấn Huynh là người cực kỳ nổi tiếng. Một quái kiệt trồng hồ tiêu chưa bao giờ thất bại, một lão nông có thể “chém gió” cả tiếng đồng hồ về cây hồ tiêu trong những hội nghị, hội thảo có đầy đủ các nhà khoa học hàng đầu. Nổi tiếng đến mức nhiều người còn phong cho ông là người trồng hồ tiêu hữu cơ sớm nhất ở Tây Nguyên và từ lâu trong cộng đồng trồng hồ tiêu ở trên cao nguyên này cái tên “ông Huynh tiêu hữu cơ” đã trở nên cực kỳ thân thuộc.
Quê ông Huynh ở vùng Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), miền núi Ấn sông Trà. Vốn là hiệu trưởng một trường tiểu học ở quê nhưng khi chứng kiến cha mình, một chủ nhiệm HTX nông nghiệp mắc phải căn bệnh ung thư, hậu quả của những năm tháng tăng gia sản xuất, sống chung với quá nhiều thuốc BVTV và phân bón hóa học, chứng kiến những người nông dân quanh làng vẫn thường ngất xỉu bên các thửa ruộng mỗi bận phun thuốc trừ sâu, ông đã bỏ việc.
Mình không đi dạy thì đã có người khác, nhưng nếu mình không thay đổi cách làm nông nghiệp, hậu quả sẽ khôn lường, có khi còn dai dẳng đến muôn đời sau. Nỗi sợ hãi về cách làm nông nghiệp quá lạm dụng hóa chất thôi thúc ông suy nghĩ. Ông bà mình xưa có hóa chất gì đâu mà vẫn làm nông nghiệp được thì hà cớ gì bây giờ người nông dân lại phụ thuộc quá nhiều vào thuốc BVTV, phân bón hóa học đến như vậy?
Bây giờ ông Đặng Tấn Huynh là Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận với 17 thành viên và diện tích khoảng 80ha. Hẳn nhiên là còn quá ít, nhưng như ông Huynh nói, cùng với Đắk Song (Đắk Nông) hay Cư Kuin (Đắk Lắk), Chư Sê (Gia Lai) và nhiều vùng hồ tiêu khác ở Tây Nguyên, cộng đồng trồng hồ tiêu hữu cơ đang ngày một lan tỏa và thu hút thêm rất nhiều hộ nông dân tham gia.
“Đó là một công cuộc trả lại màu cho đất, trả lại cho đất những thứ mà con người vì cơm áo đã lấy đi suốt mấy chục năm qua. Điều đáng mừng là, phong trào ngày càng lan rộng và chắc chắn sẽ là con đường bắt buộc để hướng đến sản xuất hồ tiêu bền vững”, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Đồng Thuận chia sẻ, thuyết phục người nông dân thay đổi không có gì hiệu quả bằng việc hạch toán thật rõ ràng bài toán kinh tế và phải cho họ thấy hiệu quả thực sự.
Vườn hồ tiêu rộng khoảng 10ha của gia đình ông Huynh trồng xen canh với mít, bơ, sầu riêng... Dù đã xếp vào hàng vườn tiêu cổ thụ trên dưới 20 năm nhưng mỗi năm gia đình ông vẫn thu khoảng tầm 20 - 30 tấn, kiếm vài tỷ đồng không có gì là vất vả.
“Trồng tiêu hữu cơ không khó. Nhiều người lầm tưởng cứ phải dùng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học mới trị sâu, trị bệnh, nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Chỉ cần đất khỏe thì cây khỏe và tự thân đã có thể kháng sâu bệnh rất tốt, bằng chứng là những người trồng hồ tiêu hữu cơ như chúng tôi chưa thất bại bao giờ”, ông Huynh vẫn thường nói với người trồng hồ tiêu trong mỗi dịp được mời đi trao đổi kinh nghiệm như vậy.
Đó là khu vườn tuyệt đối không hóa chất. Phân bón được dùng từ phân chuồng với bánh dầu làm từ bã đậu phộng, vỏ cà phê, kết hợp với men vi sinh, vôi và ủ tầm 6 tháng rồi đem bón cho cây. Thuốc BVTV cũng được làm từ những nguyên liệu sẵn trong vườn như gừng, tỏi, ớt nhưng hy hữu lắm mới cần phải dùng đến. Nhờ kiểu canh tác như thế mà từ những năm 2014, khi Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà tìm các nông hộ để liên kết trồng tiêu hữu cơ, họ đến vườn ông Huynh và dẫn theo đại diện Tổ chức chứng nhận hữu cơ Control Union để lấy mẫu đất mang đi thử và kết quả an toàn tuyệt đối.
Bằng con đường liên kết, hồ tiêu của ông Huynh và nhiều gia đình khác ở Nhân Cơ nhanh chóng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ. Vừa được tư vấn kỹ thuật để trồng tiêu bền vững, vừa đảm bảo đầu ra cao hơn thị trường từ 25 - 30%, nên ai nói người trồng tiêu khó khăn là nói bậy, chẳng qua là do làm chưa đúng cách mà thôi.
Nông dân sinh thái
Gia đình ông Huynh là một trong 4 hộ nông dân liên kết đầu tiên của 5 tỉnh Tây Nguyên khi Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà bắt đầu thực hiện chương trình liên kết sản xuất hồ tiêu bền vững ở khu vực này, tầm khoảng năm 2014.
Hà Bách Tân, Quản lý dự án hồ tiêu của Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, chia sẻ, đó là thời điểm về cơ bản rất nhiều người trồng tiêu ở Tây Nguyên chưa thể hình dung hữu cơ là gì và để tìm được 4 hộ dân đồng ý liên kết họ đã phải mất rất nhiều tháng trời vận động.
Năng suất đang 10 tấn/ha thì tại sao phải chuyển đổi? Giá tiêu đang 200 nghìn đồng/kg thì chuyển đổi để làm gì? Chúng tôi không có nhu cầu... Đó là những câu trả lời của nông dân khi đại diện công ty đến đặt vấn đề chuyển đổi. Mark Andew Barnett (người Mỹ gốc Do Thái), người sáng lập Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, dù đã có nhiều năm lang thang ở Tây Nguyên để tìm hiểu vùng nguyên liệu cũng không thể hình dung hành trình liên kết trồng tiêu hữu cơ lại gian nan đến vậy.
Cũng chính Mark Andew Barnett là người nhìn ra những vấn đề, những nguy cơ của hồ tiêu Tây Nguyên ngay từ những ngày tháng “nữ hoàng gia vị” huy hoàng nhất.
“Ông ấy luôn nói với chúng tôi, nếu người nông dân cứ tiếp tục bóc lột đất đai như vậy, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV vô tội vạ như vậy, chắc chắn hậu quả sẽ đến sớm. Đất đai sẽ thoái hóa, cây trồng sẽ thoái hóa, bệnh tật, cả về sản lượng lẫn chất lượng đều lao dốc và chính người nông dân sẽ phải gánh chịu hậu quả đó. Vì vậy các anh phải vận động họ thay đổi, bằng mọi giá”, Hà Bách Tân nhớ lại.
Và quả thật đúng như những gì Mark Andew Barnett nói, hậu quả đến với các thủ phủ hồ tiêu ở Tây Nguyên rất nhanh. Không chỉ là vấn đề hồ tiêu chết hàng loạt, không chỉ là những lô hàng bị trả về do dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức cho phép mà là vấn đề đất đai đã bị thoái hóa nhanh chóng và cực kỳ nghiêm trọng.
Người trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên không có con đường nào khác là phải thay đổi. 4 hộ thành 18 hộ rồi 60 hộ, đến bây giờ ở Tây Nguyên có khoảng 150 nông hộ, 300ha liên kết trực tiếp trồng tiêu hữu cơ với Công ty Sơn Hà và hàng ngàn hộ vệ tinh khác với diện tích lên đến mấy ngàn hecta.
Hộ dân trồng tiêu hữu cơ đều phải tuân thủ quy trình hết sức nghiêm ngặt. Việc đầu tiên là ngưng sử dụng các sản phẩm phân, thuốc hóa học. Quá trình chuyển đổi kéo dài 3 năm và trải qua những lần test thử hết sức nghiêm ngặt từ Tổ chức chứng nhận hữu cơ Control Union. Khi đạt tiêu chuẩn, mỗi hộ dân được cấp Giấy chứng nhận Hộ nông dân sinh thái và được phía doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm, với mức cộng thưởng 25 - 30% so với giá thị trường.
Lão nông Nguyễn Thành Trung (Sáu Lục), hộ nông dân sinh thái ở thủ phủ hồ tiêu xã Nâm N’Jang (Đắk Song - Đắk Nông) chia sẻ: “Mất 3 - 4 năm mới đáp ứng được tiêu chuẩn tiêu hữu cơ đấy, khó nhưng không có con đường nào khác. Giờ nghĩ lại những năm tháng dùng phân bón, thuốc BVTV hóa học mới thấy mình có tội với đất đai. Nhiều người nói trồng tiêu hữu cơ kinh tế thấp hơn nhưng không phải. Nếu hạch toán chi tiết, trồng tiêu hữu cơ luôn đảm bảo mức lợi nhuận ít nhất là 50 triệu đồng/ha”.
Vườn hồ tiêu hữu cơ của ông Sáu Lục ở thủ phủ hồ tiêu xã Nâm N'Jang (Đắk Song - Đắk Nông). Ảnh: Hoàng Anh.
Ông Sáu Lục dẫn chúng tôi đi dọc những vườn tiêu hữu cơ xanh mướt và cả những vườn đang xanh lại từng ngày, nói, chỉ cần giải được độc cho đất thì cây hồ tiêu chắc chắn sẽ hồi sinh.
Hình thành HTX, cộng đồng trồng tiêu hữu cơ
Từ những hộ mô hình hạt nhân liên kết với doanh nghiệp dần lan tỏa thành các HTX, những cộng đồng trồng tiêu hữu cơ.
“Trong chiến lược phát triển của chúng tôi, đến khoảng năm 2025 sẽ hình thành các liên minh HTX hồ tiêu hữu cơ với cộng đồng hồ tiêu hữu cơ hàng nghìn hộ liên kết. Nếu việc liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp được tổ chức bài bản thì những nỗi lo về giá cả, sản lượng, chất lượng hồ tiêu Tây Nguyên chắc chắn sẽ không còn. Đất đai vùng hồ tiêu hữu cơ Tây Nguyên chắc chắn sẽ hồi sinh”, Hà Bách Tân nói.
Mấy năm gần đây, ở Đắk Song, số hộ liên kết trồng tiêu hữu cơ với các doanh nghiệp đã bắt đầu nhiều dần. Sau Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, có thêm nhiều doanh nghiệp khác vào liên kết với người trồng tiêu theo quy trình hữu cơ như Tập đoàn Trân Châu, Công ty Hồ tiêu Việt, Công ty O Lam...
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.