Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn, việc chăm lo cho đời sống của người dân, người lao động đang được chính quyền địa phương và doanh nghiệp ở Thừa Thiên - Huế đặc biệt quan tâm, với mục tiêu tất cả người lao động đều có Tết.
Ai cũng sẽ có Tết
Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể xã Lộc Hòa (huyện Phú Lộc) lại tất bật lo cho những gia đình nghèo đón Xuân với các hoạt động thiết thực như thăm hỏi tặng quà, trợ cấp các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chính quyền địa phương và doanh nghiệp ở Thừa Thiên-Huế đang cố gắng đảm bảo Tết cho người dân và người lao động.
Ông Ngô Hữu Thuận, Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa, cho hay, hàng năm, tỉnh, huyện hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có công, các đối tượng bảo trợ xã hội 200.000 đồng/hộ. Xã thành lập ban vận động, hằng năm cứ đến Tết là đi vận động, kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức quan tâm các hộ khó khăn, neo đơn ở địa phương. Cùng với đó, xã cũng đã có những phần quà để thăm hỏi người dân.
“Cùng với việc vận động của ban vận động xã, chính quyền địa phương cũng đang phối hợp với các tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn xã để tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Công tác rà soát hộ nghèo, người khó khăn, kế hoạch gói bánh chưng, tặng quà… cũng đang được chuẩn bị kỹ lưỡng”, ông Thuận cho hay.
Để chủ động nguồn rau xanh, thịt cá phục vụ cho bộ đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và đón nhận mùa huấn luyện chiến sĩ mới, Đảng ủy Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tích cực tăng gia, sản xuất, chăn nuôi nâng cao đời sống cho bộ đội. Xác định chăm lo đời sống cho bộ đội đón Tết “Vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn, đoàn kết, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”, Đảng ủy Trung đoàn 6 đã tổ chức quán triệt nghiêm, phổ biến toàn bộ các chế độ tiêu chuẩn Tết cho bộ đội.
Theo đó, xây dựng kế hoạch bảo đảm công tác hậu cần, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, trong đó chú trọng bảo đảm tốt cho bộ đội từ điều kiện sinh hoạt, vệ sinh doanh trại, đặc biệt là đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, chăn nuôi.
Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế tích cực tăng gia sản xuất, chăn nuôi để bảo đảm chất lượng, phục vụ đời sống bộ đội trong dịp Tết Nguyên đán và huấn luyện chiến sĩ mới năm 2024.
Thượng úy Trần Văn Nhật, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, thông tin: Tiểu đoàn đã nghiên cứu và tổ chức thực hiện tốt về công tác tăng gia, sản xuất, trong đó tập trung công tác chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm cho sản lượng cao như: Bò, gà, ngan, vịt, cá, lợn và trồng các loại rau, củ, quả. Đến nay, trong vườn của đơn vị có gần 20 loại rau, củ, quả khác nhau; đàn lợn 120 con; đàn bò 20 con; gà, vịt trên 300 con và có khoảng 5 - 7 tấn cá bảo đảm chất lượng tốt, phục vụ đời sống bộ đội trong dịp Tết Nguyên đán cũng như tiếp nhận và huấn luyện chiến sĩ mới năm 2024.
Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát động hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm cho các hộ nghèo của huyện A Lưới. Qua đó, 31 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã trao ủng hộ hơn 7 tỷ đồng. Tỉnh ủy kêu gọi các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, đồng hành, chung tay ủng hộ kinh phí xóa nhà tạm cho các hộ nghèo.
Hàng năm, Thừa Thiên - Huế cũng tổ chức các Chương trình lễ Tết như “Tết Huế”, “Đêm hội Sắc Xuân”, “Dâng tiến hương Xuân”… Qua đó giới thiệu, quảng bá các làng nghề, nghề và sản phẩm truyền thống Huế; sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn; ưu tiên các sản phẩm truyền thống phục vụ ngày Tết; giúp người dân địa phương tiêu thụ hàng hóa, đồng thời kết nối, cung cấp, phục vụ nhu cầu của người dân Huế và du khách trong dịp đón Tết cổ truyền dân tộc.
Đảm bảo thưởng Tết cho người lao động
Mặc dù trong bối cảnh hiện tại và dự báo thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, song nhiều doanh nghiệp ở Thừa Thiên - Huế đang cố gắng duy trì để có một khoản thưởng trong dịp Tết ít nhất bằng mọi năm, nhằm động viên người lao động.
Ông Nguyễn Bá Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Dệt may Thiên An Phát (Cụm CN An Hòa, phường An Hòa, TP. Huế), cho hay, với hơn 2.300 lao động thường xuyên, hơn 11 năm nay, công ty đều có thưởng Tết là tháng lương thứ 13 và mừng tuổi sau Tết Nguyên đán cho người lao động. Năm nay, dù bị ảnh hưởng kinh tế khó khăn, thiếu đơn hàng, song công ty cố gắng duy trì mức thưởng Tết như mọi năm cho người lao động, đảm bảo công việc cho người lao động và chăm lo đầy đủ phúc lợi cho người lao động.
Doanh nghiệp ở Thừa Thiên - Huế vẫn đảm bảo phúc lợi và thưởng Tết cho người lao động dịp cuối năm.
Theo đó, ban lãnh đạo Công ty Thiên An Phát sẽ thưởng tối thiểu 1 tháng lương để động viên cán bộ, công nhân viên. Như thường lệ, Công đoàn công ty cũng có quà thăm hỏi đối với những gia đình hoàn cảnh khó khăn.
Đứng trước khó khăn sau đại dịch Covid-19, sự suy giảm giá nguyên liệu đã ảnh hưởng rất lớn đến việc trồng rừng và kinh doanh gỗ rừng trồng, Công ty Nam Hòa vẫn cố gắng để thưởng Tết và đảm bảo Tết cho cán bộ, nhân viên như các năm trước.
“Dựa theo báo cáo kinh tế cuối năm và tiền lương trong năm, công ty đưa ra kế hoạch thưởng cho cán bộ, nhân viên Tết dương lịch 1.000.000 đồng/người và Tết âm lịch từ 15.000.000 - 17.000.000 đồng/người. Công đoàn công ty cũng đã trích 60.000.000 đồng để chuẩn bị mứt, bánh Tết cho người lao động. Ngoài ra, trích từ quỹ Công đoàn của công ty để hỗ trợ thêm cho những người có hoàn cảnh khó khăn như đang chăm sóc người già, con nhỏ...”, ông Phạm Nguyên Quang, Chủ tịch Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Nam Hòa, cho biết.
Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế, qua nắm bắt sơ bộ thì đến nay đa số doanh nghiệp đã có phương án thưởng Tết cho người lao động. Tùy tình hình hoạt động của công ty có những mức thưởng phù hợp đối với từng ngành nghề, điều kiện.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đang tập trung theo dõi, giám sát trả lương, thưởng Tết, các khoản hỗ trợ cho người lao động. Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên-Huế và các địa phương sẽ có kế hoạch về chăm lo người lao động, diện chính sách dịp Tết 2024.
Thừa Thiên-Huế cũng như cả nước đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký ban hành Kế hoạch số 830/KH-MTTW-BTT về việc phối hợp thăm và tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Theo đó, hoạt động thăm, tặng quà người nghèo trong dịp Tết nhằm góp phần khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội đối với đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp các ngành chức năng, các tổ chức thành viên vận động, tổ chức những hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ chăm lo cho người nghèo để mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.