Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 2 năm 2022 | 15:36

Báo động tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản tại Lâm Đồng

Phá đồi làm đường; xẻ đồi lấy đất phân lô, bán nền; khai thác cát trái phép trên lòng hồ thủy điện… là thực trạng đang diễn ra tại một số địa phương ở Lâm Đồng. Để xảy ra những vi phạm này, trách nhiệm thuộc về ai?

Khai thác cát trái phép trên lòng hồ thủy điện
 
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở vừa có văn bản chỉ đạo UBND huyện Di Linh, Công ty Thủy điện Đồng Nai kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3.
 
Tiếp thu phản ánh của cơ quan báo chí, thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 04/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Quy chế phối hợp số 01/QCPH- STNMT-CAT ngày 15/7/2021 giữa Sở TN-MT và Công an tỉnh, Sở TN-MT đề nghị UBND huyện Di Linh tổ chức, kiểm tra, xác minh các thông tin theo phản ánh của báo chí; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
img-bgt-2021-mah06103-1645069798-width1280height720.jpg
Xe ben chở đất đồi đổ xuống lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 để rửa thành cát. Ảnh: Ngọc Hùng
Công ty Thủy điện Đồng Nai tổ chức quản lý, bảo vệ khoáng sản trong diện tích đất đang quản lý, sử dụng; khi phát hiện thông tin, báo cáo, phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng tại địa phương (UBND xã, UBND huyện) để tổ chức kiểm tra, giải tỏa, xử lý theo thẩm quyền.
 
Trực tiếp ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng TN-MT huyện Di Linh vào hiện trường để kiểm tra. Qua kiểm tra, khu vực trên đang đóng cổng, “vườn không nhà trống”.
 
Trước đó, tại khu đất nằm bên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, một mặt giáp với Quốc lộ 28 (thuộc thôn 3, xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), xung quanh khu đất rộng khoảng 3ha, được bao bọc bởi tường rào, có cổng ra vào. Bên trong, diễn ra hoạt động xẻ đồi, khai thác cát rầm rộ, xe ben liên tục ra vào “ăn hàng”.
Tại đây, một nửa quả đã bị “xẻ thịt”, chiếc máy múc liên tục đưa đất lên xe ben, sau đó chở đổ xuống dòng nước để rửa lấy cát. Kế đó, chiếc máy bơm hoạt động hết công suất, bơm cát lên bãi. Sau đó, hai chiếc máy múc thi nhau đưa cát lên xe ben đợi sẵn rồi chở đi tiêu thụ.
 

Phá rừng làm đường, hàng trăm mét khối gỗ đã đi đâu?

Liên quan đến vụ phá hàng chục ha rừng tại Vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà và Chư Yang Sin để làm đường Trường Sơn Đông, hiện nay, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là số gỗ bị chặt hạ đã đi đâu, về đâu? Ai phải chịu trách nhiệm cho việc tài nguyên quốc gia bị thất thoát?.

Vị trí rừng bị phá để làm đường Trường Sơn Đông tại các Tiểu khu 22 và 26, thuộc lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà, nằm trên địa giới hành chính xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Xuất hiện một đoạn đường đất dài hơn 3km đã được nhà thầu thi công mở xuyên qua các trạng thái rừng hỗn giao gỗ lá rộng - lồ ô, rừng lá kim nghèo, rừng lá kim trung bình và đất trống của Vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà. Dọc theo tuyến đường chỉ còn lại rải rác dấu vết một số cây rừng bị san ủi, múc bật gốc, bị đất đá san lấp nằm chỏng chơ bên lề đường.

Cùng đi kiểm tra hiện trường, ông Thân Văn Hữu, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương cho biết, việc san ủi rừng để làm đường diễn ra trong năm 2021. “Trước đây, chúng tôi vẫn cho lực lượng đi kiểm tra thường xuyên. Trong quá trình kiểm tra, xã có ghi nhận việc đơn vị thi công đưa máy móc, phương tiện vào hiện trường. Tuy nhiên, đơn vị thi công không liên hệ gì với chính quyền địa phương, đặt vấn đề cũng như báo cáo các phương án thi công. Chúng tôi chỉ biết đường này đang thi công làm đường tạm nên đã chỉ đạo anh em kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ, không để việc lợi dụng mở đường để xâm hại rừng, khai thác lâm sản trái phép”, ông Thân Văn Hữu cho hay.

các-cơ-quan-chức-năng-kiểm-tra-hiện-trường-phá-rừng.jpg
Các cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường phá rừng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Lương Minh, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà cho biết thêm, để phục vụ Dự án đường Trường Sơn Đông, UBND Lâm Đồng đã có quyết định thu hồi 13,5ha của vườn giao cho Ban quản lý dự án 46. Theo quy định, việc thi công chỉ được tiến hành sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi rừng, chính quyền và ngành chức năng địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng, tận thu lâm sản, bàn giao mặt bằng thì nhà thầu mới được triển khai.

“Tuy nhiên, khi chưa hoàn thành các thủ tục thì đơn vị thi công đã tự ý vào san ủi rừng. Việc này là trái các quy định nhà nước và hiện vẫn chưa thể xác định khối lượng gỗ bị thiệt hại. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang đi xác minh. UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc, sẽ kiểm kê, rồi làm rõ trách nhiệm của các bên”, ông Nguyễn Lương Minh cho biết thêm.

Phía lâm phần của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk), các cơ quan chức năng tỉnh này bước đầu xác định, các đơn vị thi công đường Trường Sơn Đông tại gói thầu Đ41 đã san ủi hơn 15ha rừng qua hai Tiểu khu 1383 và 1402 khi chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chưa tận thu lâm sản. Hơn 7km đường đã thành hình, xuyên qua nhiều rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao, rừng lồ ô.

một-số-cây-bị-ủi-nghiêng-vùi-lấp.jpg
Một số cây bị ủi nghiêng, vùi lấp.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết, quá trình làm hồ sơ chuyển đổi rừng cho gói thầu Đ41, Dự án đường Trường Sơn Đông, cơ quan chức năng đã xác định trữ lượng gỗ là hơn 260m3.

“Phúc tra hiện trạng rừng, chuẩn bị cho hồ sơ chuyển đổi mục đích rừng thì 16,72ha này có một số diện tích rừng, gỗ. Trong đó trữ lượng rừng xác định được là 264m3. Chưa có phương án tận thu là vì chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Sau khi có quyết định chuyển đổi thì bước tiếp theo là sẽ làm thiết kế bài cây để xác định lượng gỗ có thể khai thác tận thu, để bán nộp ngân sách”.

Có thể nói, với hàng chục hecta rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt của 2 Vườn Quốc gia, khối lượng gỗ chắc chắn là không hề nhỏ. Thế nhưng, hiện nay toàn bộ cây rừng trên tuyến đường dài hơn 10km đã bị phá trắng nhưng chỉ còn dấu vết một số cây bị vùi lấp ở ven đường, có cây đường kính đến hai người ôm. Không chỉ việc phá rừng trái quy định mà điều dư luận quan tâm hiện nay là số gỗ bị san ủi trên tuyến đường vừa mở xuyên qua rừng đặc dụng thuộc 2 Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và Bi Đoup - Núi Bà đã đi đâu, về đâu? Và ai phải chịu trách nhiệm cho việc tài nguyên Quốc gia bị thất thoát này?.

 

"Xẻ đồi" lấy đất san lấp mặt bằng trái phép

Theo phản ánh, thời gian qua, trên địa bàn thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), hoạt động “xẻ đồi”, khai thác đất trái phép, vận chuyển đi san lấp mặt bằng để phân lô, bán đất nền diễn ra rầm rộ. Tại đây, nhiều diện tích đất ruộng lúa dọc hai bên tuyến đường được san lấp bằng phẳng rồi để bảng rao bán đất.

Ghi nhận, tại một quả đồi nằm đối diện quảng trường Phạm Văn Đồng (thị trấn Cát Tiên) bị múc nham nhở, ước tính có hàng ngàn khối đất, đá đã được lấy đi. Tại đây, những chiếc mấy múc thi nhau đục khoét vào sườn đồi để lấy đất. Sau đó, đất được những chiếc xe ben chở ra phục vụ san lấp mặt bằng tại cánh đồng lúa nằm hai bên đường DH 97 và đường bê tông nối từ đường Trần Lê dẫn ra nghĩa địa sát chân đồi.

Theo quan sát, tại ngọn đồi trên có hai điểm khai thác, những chiếc máy múc gầm rú, hoạt động hết công suất, đục vào sườn đồi để lấy đất. Tiếp đó, những chiếc xe ben chạy không ngừng nghỉ, chở đất đến đổ tại cánh đồng lúa cách đó vài trăm mét. Đất được đổ trải rộng khắp diện tích cánh đồng và được chiếc máy ủi san gạt, mặt ruộng trong phút chốc "biến" thành những nền đất bằng phẳng.

công-trường-khai-thác-đất-trái-phép-ảnhngọc-hùng.jpg
Công trường khai thác đất trái phép. Ảnh: Ngọc Hùng

Tại đây, ngoài diện tích đất đang được san lấp, hàng chục hecta đất trồng lúa, chạy dọc theo hai bên tuyến đường DH97 và đường bê tông đã được san lấp bằng phẳng. Những diện tích này đã được trồng cây, rào lưới B40 và dựng bảng rao bán.

Theo người đàn ông dựng bảng rao bán đất tại đây, khu vực này không còn bán đất sào nữa, đất đã được phân lô hết, diện tích 10mx100m giá 650 triệu/1 lô; lô 30mx100m, chủ đòi 1,950 tỷ đồng. Có lô 1 hécta (50m mặt đường, dài 200m) nhưng chưa đổ đất được bán 3,6 tỷ đồng. Đất này đang là đất nông nghiệp, đang chờ lên thổ cư.

Tại đây, muốn mua 1ha đất chưa đổ đất và hỏi quy trình đổ đất, san lấp thì được người đàn ông này cho hay: “Anh mua thì yên tâm đổ đất, ở đây đổ đất cực kì rẻ và cực kì dễ. Bên em làm dịch vụ đổ đất, bao đổ đất luôn. Ở đây anh đổ người ta tính khối, tính xe gì cũng được, một xe 200.000 đến 220.000 đồng, tùy vào loại đất đẹp, đất xấu, hoặc 20.000 đến 22.000 đồng/khối. Cứ đổ tới đâu tính tiền tới đó".

hoạt-động-khai-thác-đất-trái-phép-diễn-ra-công-khai-ảnhngọc-hùng.jpg
Hoạt động khai thác đất trái phép diễn ra công khai. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo Phòng TN-MT huyện Cát Tiên, vừa qua (ngày 18/1 và ngày 20/1/2022), Phòng TN-MT phối hợp với UBND thị trấn Cát Tiên tiến hành kiểm tra các vị trí san gạt, nâng cấp mặt bằng trên địa bàn.

Qua kiểm tra 23 vị trí sau sạt, nâng cấp mặt bằng ở 4 tuyến đường, tổ dân phố, trong đó 10 vị trí cần phải kiểm tra, xem xét xử lý như: Khu vực nhánh đường Phù Mỹ các hộ dân đã tự ý nâng cấp mặt bằng không đảm bảo quy định; Khu vực đường DH97, vị trí quy hoạch đất trồng lúa đã tự ý nâng cấp mặt bằng trên diện tích hiện trạng đất trồng lúa; Đường khu 7 thị trấn Cát Tiên, vị trí quy hoạch đất trồng lúa đã tự ý nâng cấp mặt bằng với diện tích khoảng 3.000m; Tổ dân phố 4, khu đất ông Nguyễn Tấn Tài, nâng cấp 3.000m2 vị trí quy hoạch đất trong lúa.

Ông Huỳnh Trí, Trưởng phòng TN-MT huyện Cát Tiên, cho biết: “Tại khu vực trên, hai bên đều quy hoạch đất ở và đã cho người dân chuyển đổi mục đích. Người dân đổ đất, nâng cấp mặt bằng trong phạm vi mình cho phép chuyển mục đích.

Nhưng về vấn đề lấy đất, hiện huyện Cát Tiên chưa có bất kì mỏ đất nào được cấp phép. Từ năm 2019 đến 2020, huyện đăng kí với Sở TN-MT, UBND tỉnh bổ sung các mỏ khai thác đất để tạo điều kiện đất san lấp mặt bằng cho dân làm nhà ở cũng như phục vụ cho các công trình trên địa bàn tỉnh Cát Tiên nhưng chưa được”.

Cũng theo ông Trí, việc lấy đất đi san lấp mặt bằng là sai. Khu vực này là đất trồng lúa nhưng quy hoạch đất ở, cho nên vẫn cho người dân chuyển đổi. Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi vẫn giữ nguyên hiện trạng, không thể tác động lên diện tích trồng lúa được. Việc đổ đất làm thay đổi hiện trạng là sai quy định.

“Vấn đề đổ đất, san lấp mặt bằng để phân lô bán nền rất phức tạp. Lãnh đạo UBDN huyện đã chỉ đạo Phòng TN-MT tăng cường phối hợp với các xã để kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra vẫn không hết được. Tại khu vực này chưa cấp phép cho bất kì tổ chức cá nhân nào để khai thác đất, san lấp mặt bằng. Có phản ánh Phòng tiếp thu và sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý. Đúng là anh em chưa phát hiện đúng và kịp thời”, ông Trí khẳng định

Cũng theo ông Trí, Phòng TN-MT vừa có văn bản chỉ đạo công chức Địa chính - Môi trường thị trấn Cát Tiên kiểm tra, lập biên bản vi phạm và xử lý các trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự ý san gạt, nâng cấp mặt bằng không đảm bảo quy định. Đồng thời, chỉ đạo UBND thị trấn Cát Tiên tăng cường trách - nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, đặt biệt là các trường hợp tự ý san gạt, nâng cấp mặt bằng không đảm bảo quy định.

 

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top