Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 9 năm 2022 | 9:0

Cần nhân rộng mô hình Sơn La, Bắc Giang và Lào Cai

Hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về phát triển kinh tế vùng, ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về phát triển kinh tế vùng, ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là Nghị quyết đầu tiên về phát triển vùng được Bộ Chính trị khóa XIII xem xét, ban hành. Điều này cho thấy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong phát triển đất nước.

 

template.jpg
Bắc Giang nổi tiếng với các vùng cây ăn quả nhưng cũng là tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Một góc KCN Vân Trung (Việt Yên - Bắc Giang).

Nghị quyết 11-NQ/TW là nghị quyết thứ hai về Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Trước đó, 18 năm trước, ngày 1/7/2004, Bộ Chính trị khóa IX đã có Nghị quyết số 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh, có diện tích tự nhiên hơn 95.000km², chiếm 28,74% diện tích tự nhiên của cả nước; nơi sinh sống của 13 triệu người (13% dân số cả nước), thuộc 30 dân tộc; có 1.273 km biên giới đất liền với Trung Quốc và 610 km đường biên giới với Lào. Là địa bàn “phên dậu” của Tổ quốc; giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu, là ‘‘lá phổi” có vai trò đặc biệt quan trọng đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Đây còn là “cái nôi” của cách mạng. Là vùng nhiều di sản văn hóa đặc sắc và đa dạng, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số.

 

cua-khau-lao-cai.jpg
Hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: tuyengiao.vn

 

Trong nhiều năm qua, nhất là trong hơn 17 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị  khóa XI, ngày 02/8/2012 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và thời kỳ 2011 – 2020, cùng các chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống xã hội, kinh tế, giao thông, viễn thông, hạ tầng cơ sở vật chất, thiết chế xã hội,… của người dân, cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng bà con dân tộc rất ít người từng bước được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình liên kết trong phát triển kinh tế -xã hội, nhiều ý tưởng táo bạo trong khai thác tiềm năng tài nguyên thiên nhiên của vùng,… Trong đó, ba tỉnh Sơn La, Bắc Giang và Lào Cai là những điểm sáng của khu vực trong khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển sản xuất lớn theo chuỗi ngành hàng, an toàn thực phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, Nghị quyết 11-NQ/TW cũng nhấn mạnh, đây vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước. 

Nói về những điểm mới của Nghị quyết 11 khóa XIII so với Nghị quyết 37 khóa IX, đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Điểm đột phá của Nghị quyết lần này là sự đổi mới về tư duy phát triển Vùng nhằm khắc phục những điểm hạn chế căn bản trong liên kết và phát triển Vùng thời gian qua. Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện cụ thể của Vùng; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế; Xây dựng cơ chế liên kết và điều phối phát triển Vùng hiệu lực, hiệu quả… là những vấn đề cần đi trước.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày 27/8 vừa qua, tại TP. Lào Cai (Lào Cai), Chính phủ đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng TD&MNBB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là hội nghị “ 3 trong 1”, vừa quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Vùng; vừa công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị; đồng thời tổ chức xúc tiến đầu tư cho Vùng.

 

xoai.jpg
Thu hoạch xoài ở xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Đức Tuấn).

 

Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng thời cụ thể hóa thành 17 nhiệm vụ, đề án, 33 dự án hạ tầng giao thông kết nối thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 với sự phân công và lộ trình thời gian thực hiện rõ ràng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Vùng…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Cả hệ thống chính trị tập trung đổi mới tư duy phát triển, nhất là liên kết vùng, xây dựng cơ chế liên kết và phối hợp phát triển Vùng hiệu lực, hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương trong Vùng cần tự tin, phát huy tinh thần tự lực, tự cường để Vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, là hình mẫu phát triển nhanh của cả nước.

Các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và người dân thống nhất cho rằng, để Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về đích cùng cả nước thì hạ tầng giao thông (bao gồm cả điện và viễn thông), quy hoạch vùng sản xuất lớn gắn với quy hoạch dân cư, khu công nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo mối liên kết hữu cơ giữa các địa phương, ngành hàng và hoàn thiện thể chế một cách đồng bộ, nghiêm minh trong kỷ luật, kỷ cương,… cần đi trước. Đặc biệt là, cần nhân rộng một cách sáng tạo những mô hình của Sơn La, Bắc Giang và Lào Cai.

 

 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top