Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 9 năm 2021 | 9:10

Chúng ta sẽ vượt lên!

Trước mắt, cần chống dịch Covid-19 sao cho linh hoạt và hiệu quả để mọi hoạt động xã hội, trong đó có dạy và học trở về trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.

1. Năm học đặc biệt 2021-2022 đã bước vào những ngày đầu tiên. Nói là năm học đặc biệt bởi hai lẽ: Thứ nhất, do đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta độc lực mạnh, dễ lây lan, đã lan rộng trên cả thế giới và trong nước, gây thiệt hại không nhỏ về người và kinh tế nên năm học mới này, kế hoạch giảng dạy là kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp nhiều nhất có thể.
 
t2.jpg
Lần đầu tiên chúng ta có một kỳ khai giảng trực tuyến. Ảnh: TL

 

Thứ hai, đây là năm học đầu tiên chúng ta thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII  thông qua. Đó là : Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đó cũng là kế hoạch để đất nước ta, dân tộc ta thực hiện mong muốn Dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu như trong “Thư gửi cho các học sinh” nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, tháng 9 năm 1945, Bác đã viết.
 
2. Trong 76 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của xã hội, giáo dục Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, đạt những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước, tạo nên những dấu ấn đậm nét. Năm 2000, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục trước 10 năm. Kết quả đó có được là nhờ mạng lưới giáo dục từ Mầm non, Tiểu học đến Trung học cơ sở, Trung học phổ thông được phủ rộng khắp mọi vùng, mọi miền, cả những khu vực khó khăn nhất, như vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.
Đội ngũ nhà giáo tăng cả về số và chất lượng. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục được quan tâm đầu tư, từng bước hiện đại. Giáo dục phổ thông, giáo dục hướng nghiệp và giáo dục mũi nhọn đều được chú trọng đầu tư, đạt kết quả tích cực; giáo dục mũi nhọn luôn trong TOP đầu các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.
Đào tạo Đại học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước những năm qua. Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học vào TOP 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu châu Á.
Đã nhiều năm nay, học sinh Việt Nam đã bước lên đài vinh quang tại nhiều cuộc thi Olympic, Dân tộc Việt Nam đã sánh vai các cường quốc về nhiều lĩnh vực. Kết quả đó có sự đóng góp lớn của giáo dục.
 
3. Trên tinh thần nhìn thẳng, nói đúng, có thể nói rằng, chúng ta còn “thua chị kém em” về nhiều mặt, trong đó năng suất lao động thấp là vấn đề lớn. Năm 2018, năng suất lao động của ta chỉ bằng 1/30 của Singapore, bằng 29% của Thái Lan, bằng 13% của Malaysia và bằng 44% của Philippines chứ chưa nói đến các nước phát triển. Năng suất lao động thấp thì không thể trở nên thịnh vượng. Nếu không sớm cải thiện năng suất lao động thì “bị bỏ lại” là khá rõ ràng.
Để phát triển kinh tế, cần nhiều nguồn lực, như: nhân lực, vốn, tài nguyên,… Trong đó, nguồn lực nhân lực (người lao động) là yếu tố quan trọng nhất, không những không bị tiêu hao như tài nguyên mà còn liên tục được bổ sung, nâng cấp; vốn thì có thể vay mượn với lãi suất thấp, còn nhân lực chất lượng cao thì giá thuê rất cao và cũng khó thuê. Trong thời đại ngày nay, muốn tăng năng suất lao động, chỉ có thể dựa vào chất lượng của nguồn lao động và áp dụng tiến bộ kỹ thuật cùng với công nghệ của kỷ nguyên 4.0. 
Chất lượng nguồn nhân lực được đặc trưng bởi tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, kĩ thuật, năng lực công nghiệp,… Muốn con người – lực lượng lao động có chất lượng, chỉ có một con đường duy nhất, đó là phát triển giáo dục và đào tạo. Muốn giáo dục - đào tạo làm tốt chức năng nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục.
Cách đây 8 năm,  Hội nghị Trung ương 8, khóa XI, Ban chấp hành Trung ương đã thông qua Nghị quyết 29-NQ/TW (ngày 4/11/2013) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Vấn đề tổ chức thực hiện lâu nay đây vẫn là điểm yếu của chúng ta. Nói vậy vì Nghị quyết 29-NQ/TW đã ban hành 8 năm nhưng ngành giáo dục vẫn đang… loay hoay… loay hoay.
Mới đây, Đại hội XIII của Đảng xác định “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp  lần thứ tư” là  định hướng hàng đầu để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Chúng ta sẽ trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sẽ sánh vai cùng các cường quốc năm châu về mọi mặt chỉ khi giáo dục và đào tạo của chúng ta thực hiện tốt nhất 8 nhóm vấn đề về giáo dục và đào tạo mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra.
Tuy nhiên, trước mắt vẫn là chống dịch Covid-19 sao cho linh hoạt và hiệu quả để mọi hoạt động xã hội, trong đó có dạy và học trở về trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.
 
 
 
Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top